Tùy thuộc vào cảnh giới tư tưởng cao hay thấp mà người ta thường có những cách ứng đối khác nhau khi bị người khác chỉ trích. Mỗi người đều có những cảnh giới tư tưởng khác nhau. Những bậc trí giả hay thánh nhân thường thông qua việc tu dưỡng tâm tính của bản thân mà đạt được cảnh giới rất cao, vì thế mà cách ứng xử của họ cũng thật là cao siêu hơn người.
Theo sử sách ghi chép lại, đại danh thần triều Tống, Phú Bật, là người rất độ lượng. Khi còn trẻ, từng có người nhục mạ ông nhiều lần nhưng ông đều làm ngơ, chỉ chuyên tâm làm tốt việc của mình, giống như không nghe thấy, không nhìn thấy gì hết.
Một lần, Phú Bật gặp một người nổi tiếng hung hãn, lỗ mãng. Người này vô duyên vô cớ đến nhục mạ, mắng nhiếc, chửi đổng Phú Bật, khiến ai nghe thấy cũng đều khó chịu.
Lúc ấy, người ngồi bên cạnh Phú Bật nói: “Ngài xem, hắn đang chửi ngài đấy!”
Phú Bật cười một cách thản nhiên và nói: “Tôi nghĩ là hắn đang mắng chửi người khác đấy chứ!”
Người bên cạnh lại sốt ruột nói tiếp: “Hắn chửi thẳng tên của ngài đấy!”
Phú Bật vẫn như cũ, không hề biểu lộ ra vẻ gì bất bình, nói: “Ngài xem, trên đời này, người trùng tên, trùng họ có rất nhiều. Cho nên, hắn chửi Phú Bật nhưng chưa chắc đã là chửi ta!”
Người lỗ mãng kia sau khi nghe thấy Phú Bật nói với vẻ “không quan tâm” như vậy thì tự nhiên cảm thấy vô cùng xấu hổ. Cuối cùng ông ta đã tự động rút lui và không nhục mạ Phú Bật nữa.
Nếu như lúc ấy, Phú Bật to tiếng đối chọi lại theo cách “hắn chửi ta một câu, ta đáp trả một câu” thì mâu thuẫn sẽ tăng lên trầm trọng và nguy kịch hơn. Nhưng ông lại dùng tâm thái thản nhiên, xem nhẹ, nhường nhịn đi đối đãi nên đã khiến lửa giận trong lòng đối phương tự nhiên tiêu tan, nghiệt duyên được thiện giải.
Bậc trí giả có thể nhẫn nại, có thể nhường nhịn người khác nên đức tự nhiên sẽ lớn. Người mà phàm là gặp chuyện gì cũng không thể nhẫn nhịn thì nhất định là có lòng dạ hẹp hòi. Cho nên, điều khó nhất trên thế gian chính là có thể làm một người nhẫn nhịn, không tranh biện.
Tương truyền rằng, khi Phật Thích Ca Mâu Ni hạ thế độ nhân thường xuyên bị người ghen ghét, nhục mạ. Nhưng đối với chuyện này, Phật Thích Ca Mâu Ni lại một mực giữ được tâm thái ôn hòa, bình tĩnh, im lặng không nói lại, ung dung thản nhiên, chỉ chuyên tâm vào việc độ nhân.
Chuyện kể rằng, một lần, khi một người đã mệt mỏi sau một hồi buông lời nhục mạ Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật mỉm cười hỏi: “Thí chủ! Xin hỏi thí chủ, khi một người tặng đồ vật cho một người khác, mà người đó không nhận thì đồ vật ấy là thuộc về ai?”
Người này không nghĩ ngợi, liền trả lời: “Đương nhiên là vẫn thuộc về người tặng!”
Phật Thích Ca Mâu Ni lại nói: “Đúng vậy. Thí chủ đã một mực nguyền rủa ta đến bây giờ. Nếu ta không nhận những lời nguyền rủa ấy của thí chủ, vậy ai sẽ nhận những lời nguyền rủa đó?”
Nghe xong câu hỏi tràn đầy trí huệ và từ bi của Phật Thích Ca Mâu Ni, người kia không nói thêm được lời nào và hiểu rằng mình đã làm chuyện thật dại khờ mà không biết. Từ đó về sau, người kia cũng không còn dám buông lời nhục mạ Phật Thích Ca Mâu Ni nữa.
Khi đối mặt với lời nhục mạ của người khác, thật sự có rất ít người có thể thản nhiên đối mặt giống như Phật Thích Ca Mâu Ni và đại danh thần Phú Bật. Nhưng nếu có thể bình tĩnh, tự hỏi lại mình một chút thì sẽ tỉnh ngộ ra rằng: Nếu dùng cách “ăn miếng trả miếng”, “nhục mạ trả nhục mạ” thì đó là một hành vi không khôn ngoan chút nào.
Một người khi bị nhục mạ mà có thể dùng tâm thái thản nhiên, không để tâm, ung dung mà đối đãi thì đã có phong độ của bậc trí giả, bậc đại trí huệ. Phải là người thực sự tu dưỡng mới có thể đạt đến cảnh giới đó.
Nguồn tin: kienthuc.net.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn