Sáng 19/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên và tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ 2018-2021. Theo thông báo của ACB về việc giới thiệu 11 thành viên, trong đó 10 ứng viên là do HĐQT giới thiệu, duy có ông Nguyễn Duy Hưng được nhóm cổ đông đại diện trên 10% cổ phần.
Cú sốc Bầu Kiên
Danh sách ứng viên do HĐQT ACB đề cử trình đại hội bao gồm 10 thành viên, trong đó có 6 gương mặt cũ là thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ 2013-2017: ông Trần Hùng Huy, ông Nguyễn Thành Long, bà Đinh Thị Hoa, ông Dominic Timothy Charles Scriven, bà Đặng Thu Thủy, ông Đàm Văn Tuấn.
Ông Trần Mộng Hùng và ông Trần Trọng Kiên đã không còn nằm trong danh sách đề cử thành viên HĐQT lần này. Thay vào đó, hai thành viên Ban điều hành ACB là ông Đỗ Minh Toàn (Tổng Giám đốc) và Nguyễn Văn Hòa (Phó Tổng Giám đốc) là các ứng viên mới vào HĐQT.
Đáng chú ý, ứng viên thứ 11 do nhóm cổ đông đề cử để bầu chức danh thành viên HĐQT ACB là ông Nguyễn Duy Hưng.
Ông Nguyễn Duy Hưng từng giữ chức Phó chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam thương tín (VietBank), nơi gia đình Bầu Kiên hiện đang nắm giữ gần 16% vốn điều lệ.
Với việc giới thiệu ông Nguyễn Duy Hưng vào thành viên HĐQT ACB và sự rút lui của ông Trần Mộng Hùng được giới đầu tư suy đoán đây là sự trở lại của vợ chồng Bầu Kiên.
Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Trần Mộng Hùng sở hữu trên 8% và gia đình ông Nguyễn Đức Kiên sở hữu trên 10%. Ngoài ra, gia đình ông Kiên và gia đình ông Hùng đồng sở hữu trên 5% cổ phần ACB thông qua nhóm công ty của Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG). Như vậy, nhóm liên quan đến Bầu Kiên đang là nhóm có sở hữu lớn nhất ở ACB.
Thời gian qua, do Bầu Kiên thụ án nên trống một ghế trong HĐQT nên gia đình ông Trần Mộng Hùng có 2 ghế, trong đó con trai là Trần Huy Hùng hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT. Nay Bầu Kiên muốn quay trở lại ACB nên ông Trần Mộng Hùng buộc phải rút lui?
Năm 1993, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được thành lập bởi hai nhóm cổ đông lớn là gia đình ông Trần Mộng Hùng và gia đình ông Nguyễn Đức Kiên cùng một số cổ đông khác. Trong 25 năm qua, ACB đã từng là một trong 3 ngân hàng cổ phần hàng đầu với lợi nhuận nghìn tỷ và ngày 21.8.2012 là một ngày đáng nhớ, đánh dấu sự trượt dài của ACB khi ông Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên) bị bắt tạm giam về hành vi "kinh doanh trái phép".
ACB là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất Việt Nam vào thời điểm đó, với tổng tài sản được ghi nhận vào ngày 30.06.2012 là xấp xỉ 256 nghìn tỷ đồng. Sau sự cố, ngày 30.09.2012, con số này được ghi nhận còn lại khoảng 214 nghìn tỷ đồng và tròn 1 năm sau, đến ngày 30.6.2013, tổng tài sản của ACB còn lại khoảng 169 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận sụt giảm mạnh từ hơn 4.000 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 963 tỷ đồng năm 2012. Nợ xấu tăng vọt lên 2.525 tỷ đồng, đặt biệt là nợ nhóm 5 tăng mạnh từ gần 300 tỷ lên hơn 1.150 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính năm 2012 của ACB bắt đầu xuất hiện một phần liên quan đến Bầu Kiên, đó là khoản dư nợ liên quan đến nhóm 6 công ty lên đến hơn 7.400 tỷ đồng, một con số khổng lồ lúc bấy giờ.
Liền sau sự cố về các cựu lãnh đạo, một đòn mạnh nữa được giáng vào ACB khi NHNN yêu cầu các NHTM phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng của khách hàng. Đây là yếu tố góp phần làm cho tổng tài sản của ACB sụt giảm và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khoản lỗ trên 1.700 tỷ đồng của ACB trong quý IV.2012. Chính những nguyên nhân trên đã làm cho cấu trúc bảng cân đối tài sản của ACB có những thay đổi rất lớn.
Cùng với sự thay đổi trong cấu trúc bảng cân đối tài sản, bộ máy quản trị của ACB cũng có những thay đổi lớn khi mà gần như toàn bộ những thành viên HĐQT cũ có liên quan đến Bầu Kiên đều đã không còn. Một HĐQT mới đã được hình thành với 2 trụ cột chính là: Gia đình ông Trần Mộng Hùng, người sáng lập ACB và cổ đông chiến lược của ACB, Ngân hàng Standard Chartered.
Tương lai nào cho ACB?
Gia đình ông Trần Mộng Hùng một lần nữa quay về ngân hàng cùng với toàn bộ cán bộ nhân viên đã xây đắp lại ACB sang một trang mới. Cho đến nay, sau hơn 5 năm biến cố, từ một ACB bị đảo lộn đã bật dậy nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 2.656 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm ngoái là 1.325 tỷ đồng.
Tuy vậy, vẫn tiềm ẩn trong đó là những bất ổn. Tính đến cuối năm 2017, các khoản phải thu của ACB tăng hơn 1.000 tỷ đồng, lên 8.893 tỷ đồng. Trong đó, có 4.255 tỷ đồng là khoản phải thu từ khách hàng. Cùng với đó là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt từ 1.217 tỷ đồng năm 2016 lên 2.565 tỷ đồng, chi phí hoạt động cũng tăng từ 4.677 tỷ đồng lên 6.217 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, ACB đã nỗ lực khắc phục và xử lý những khoản nợ liên quan đến Bầu Kiên thông qua việc gia tăng trích lập dự phòng. Hồi năm 2014, lãnh đạo ngân hàng này cho biết kế hoạch là đến 2016 sẽ xử lý xong các vấn đề tồn tại cũ để ACB trở lại thời kỳ hưng thịnh như trước đây với lợi nhuận 3.000 tỷ đồng, song cho đến cuối năm 2017, ngân hàng vẫn còn dư nợ gần 560 tỷ đồng. Dẫu vậy, những nỗ lực của toàn bộ ngân hàng này là không thể phủ nhận.
Sau hơn 5 năm vượt bão, ACB vực dậy và người ta lại thấy có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, đó là sự thoái vốn của Ngân hàng Standard Chartered và sự rút lui của ông Trần Mộng Hùng.
Còn Bầu Kiên, dù đang thụ án nhưng thông tin về giao dịch cổ phiếu liên quan đến ông vẫn được thực hiện thông qua vợ ông là bà Đặng Ngọc Lan. Hồi đầu năm, nhóm cổ đông liên quan bà Đặng Ngọc Lan đã đăng ký thoái 2,46% vốn trong tổng sở hữu 15,96% cổ phần tại Vietbank. Trong đó, cá nhân Bầu Kiên chuyển nhượng thoả thuận hơn 4 triệu cổ phần để giảm tỷ lệ nắm giữ tại ngân hàng này xuống còn 3,32%.
Tại ACB hiện ông Nguyễn Đức Kiên sở hữu 31,57 triệu cổ phiếu, còn bà Đặng Ngọc Lan (vợ Bầu Kiên) sở hữu trên 38,5 triệu cổ phiếu. Tính giá chốt phiên giao dịch ngày 18.4, vợ chồng Bầu Kiên hiện có hơn 3.423 tỷ đồng.
(Theo Dân Việt)
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn