1. Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước hết cả Việt Nam và thế giới đều đánh giá và ghi nhận Ông là vị tướng tài ba,vị tướng huyền thoại của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, tên tuổi của Ông gắn với thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Người Anh cả” của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại trọn vẹn độc lập và thống nhất Tổ quốc. Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Đại tướng của nhân dân Việt Nam.
Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả quân đội và nhân dân Việt Nam
Là vị tướng tài ba, vị tướng của nhân dân, Võ Nguyên Giáp là nhà văn hóa lớn. Nhà văn hóa không chỉ ở nhân cách con người, tài năng lãnh đạo quân sự, mà còn thể hiện trong các tác phẩm mang tính lý luận, tính khoa học, tính nhân văn trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự và văn hóa.
Như chúng ta đã biết, trước khi đi vào con đường binh nghiệp và trở thành vị đại tướng, Võ Nguyên Giáp đã từng là nhà báo, nhà sử học, một giáo viên dạy sử tại trường Thăng Long (Hà Nội).
Với kiến thức uyên bác về lịch sử, lại là người “làm nên lịch sử”, Võ Nguyên Giáp đã biên soạn nhiều công trình, nhiều tập hồi ký, ký sự, bài viết có giá trị tái hiện những năm tháng đầy gian khổ, khó khăn nhưng cũng rất vẻ vang của dân tộc, của quân và dân ta.
Những tác phẩm của Ông được viết bằng tâm huyết, bằng tâm hồn và ngòi bút của một nhà sử học, một nhà văn hóa, thể hiện niềm tự hào của Ông về lịch sử oanh liệt của đất nước, về truyền thống anh dũng, ngoan cường vì độc lập tự do của dân tộc cùng những trăn trở mà giới sử học đang quan tâm.
Những tác phẩm, nhất là những tập hồi ký của Đại tướng là những bộ sử chiến tranh nhân dân trung thực, phong phú, sôi động. Một số tác phẩm tổng kết chiến tranh của Võ Nguyên Giáp có giá trị như những bộ binh pháp hiện đại. Trong những công trình của Đại tướng, phải kể đến những tác phẩm nổi tiếng như “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu giữa vòng vây”, “Điểm hẹn Điện Biên”, rồi “Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng” v.v…
Cùng với những công trình nổi tiếng như trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nghiên cứu và công bố nhiều bài viết về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, về những chiến công, những sự kiện lịch sử tiêu biểu, về một số anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và một số tướng lĩnh quân đội nhân dân hiện đại.
Ngoài những bài mang tính chỉ đạo hay thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên một số lĩnh vực, Đại tướng còn tham gia nhiều cuộc hội thảo khoa học về lịch sử với những tham luận vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính hiện đại như Hội thảo khoa học về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ,, về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mạu thân 1968, Trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội năm 1972, về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 v.v…
Đại tướng cùng dành tâm huyết để viết về các anh hùng dân tộc, các chí sỹ yêu nước tiền bối như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu; các tường lĩnh cùng thời như Nguyễn Chí Thanh, Đinh Đức Thiện, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Chánh, Vương Thừa Vũ, Vũ Lăng v.v…
2. Từ năm 1990, sau khi tổ chức lại và mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn quốc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Hai cây đại thụ đã đồng ý nhận lời, và đối với giới sử học Việt Nam thì đây làm niềm vinh dự và tự hào, là động lực để thúc đẩy nền sử học nước nhà phát triển. Từ đó, qua các kỳ Đại hội từ Đại hội III (1995-2000), Đại hội IV (2000-2005), Đại hội V (2005-2010), Đại hội VI (2010-2015), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần văn Giàu luôn được Đại hội tôn vinh là Chủ tịch danh dự cho đến khi hai Ông mất.
Với tư cách là Chủ tịch danh dự của Hội và là nhà Sử học, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với nền Sử học Việt Nam. Trong các kỳ Đại hội toàn quốc và trong một số hội nghị của Ban Chấp hành Hội, Đại tướng đã trực tiếp tham dự, nghe báo cáo và phát biểu đầy tâm huyết với những ý kiến chỉ đạo rất cơ bản cho hoạt động của Hội cũng như của ngành Sử học nước nhà. Trong những trường hợp do bận công việc hay do sức khỏe mà không tham dự được Đại hội, Đại tướng đều gửi thư chúc mừng và bày tỏ nguyện vọng mong muốn Hội Khoa học Lịch sử tiếp tục làm tốt vai trò của mình đối với nền Sử học nói riêng, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nói chung. Những ý mong muốn của Đại tướng thực ra là những ý kiến chỉ đạo vô cùng quý giá đối với giới Sử học Việt Nam.
Đại tướng luôn nhấn mạnh vai trò cũng như sứ mệnh quan trọng của Sử học trong nghiên cứu khoa học cũng như việc phổ cập tri thức lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đại tướng cũng rất quan tâm chăm lo đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa và lịch sử dân tộc, lo lắng việc giảng dạy môn lịch sử trong các nhà trường hiện nay, quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ sử học có bản lĩnh, đạo đức và tài năng.
Trong thư gửi Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lần thứ IV (năm 2000), Đại tướng chỉ rõ: “… Bước sang thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ ba, thế giới sẽ có những thay đổi lớn lao…, vì vậy, trong năm 2000 và cả nhiệm kỳ thứ IV sắp tới, chúng ta cần tổ chức những cuộc hội thảo khoa học để đánh giá một cách toàn diện, khách quan thực trạng của nền sử học nước ta, không những trong thế kỷ XX mà cả trong thiên niên kỷ thứ hai. Từ đó có thể rút ra những bài học sâu sắc hơn về truyền thống và kinh nghiệm…để sử học là động lực to lớn, nguồn nghị lực và trí tuệ sáng tạo đưa đất nước tiến lên những chân trời mới, tiến lên mạnh, nhanh và vững” .
Đặc biệt, Đại tướng coi nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giới sử học trong thời gian tới là: “Tập trung lực lượng các nhà khoa học có đức và có tài trong cả nước để biên soạn bằng được một bộ Lịch sử Việt Nam với quan điểm và phương pháp khoa học, với nội dung đảm bảo được tính chân thực lịch sử, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc Việt Nam anh hùng và của thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại” .
Đồng thời với việc phải triển khai biên soạn bộ “Quốc sử”, Đại tướng cũng chỉ rõ nhiệm vụ của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam “Cần bổ sung, hoàn chỉnh hoặc biên soạn lại với chất lượng cao hơn bộ giáo trình lịch sử cho học sinh phổ thong các cấp và cho sinh viên đại học, đi đôi với việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn lịch sử trong nhà trường” và “cần coi trọng hơn việc biên soạn những bộ sách nhỏ nhưng dễ hiểu, những bộ tranh truyện hấp dẫn về lịch sử nước nhà cho đông đảo thiếu niên và nhi đồng” .
Trong thư gửi Đại hội Hội Khoa học Lịch sử lần thứ V năm 2005, Đại tướng một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí to lớn của Sử học: “Sử học là một khoa học nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, giữ vai trò rất quan trọng trong nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, trong giáo dục truyền thống, xây dựng bản lĩnh con người Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và cung cấp các căn cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định đường lối và chính sách xây dựng và bảo vệ đất nước, hội nhập kinh tế thế giới”. Đại tướng “Hy vọng Hội Khoa học Lịch sử và giới Sử học Việt Nam nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình và có nhiều cống hiến góp phần khắc phục tình trạng nghèo nàn, lạc hậu hiện nay của đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”
Những ý kiến chỉ đạo cũng như những mong muốn của Đại tướng đến nay giới Sử học đã và đang triển khai thực hiện. Trong những năm qua, các bộ sách tranh truyện, những bộ sách lịch sử Việt Nam thường thức đã được xuất bản nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức lịch sử Việt Nam trong nhân dân và trong thế hệ trẻ. Đặc biệt, bộ “Lịch sử Việt Nam” - bộ Lịch sử thời đại Hồ Chí Minh gồm 25 tập và 5 tập Biên niên lịch sử đang được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện và sẽ hoàn thành vào năm 2019 với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín trên toàn quốc.
3. Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đến chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, rồi thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân ta tôn vinh là Đại tướng huyền thoại, Đại tướng của nhân dân, Danh nhân văn hóa.
Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc của nhân dân ta, nhiều nhân vật tài đức, có công lớn đã được tôn vinh dưới hai hình thức: Một là, do Nhà nước phong (thời phong kiến là Vua, hiện nay là Đảng và Nhà nước); Hai là, do nhân dân tôn vinh. Những nhân vật lịch sử được cả Nhà nước và nhân dân cùng tôn vinh sẽ trở thành "Đức Thánh" và sống mãi cùng non sông, đất nước. Ở nước ta, những anh hùng dân tộc tài cao, đức trọng, có cống hiến to lớn, tạo nên những bước ngoặt lịch sử được đất nước và nhân dân tôn vinh như là những "Đức Thánh" đó là: Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mà nhân dân thường gọi là"Đức thánh Trần", Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, “Người Cha già Dân tộc” với tên gọi kính trọng và gần gũi là "Bác Hồ" , và bây giờ thêm một người nữa là Võ Nguyên Giáp, với tên gọi chung đầy kính trọng là "Đại tướng”.
Đối với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và giới Sử học cả nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Chủ tịch Danh dự của Hội, mà Ông còn là người làm nên lịch sử; cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của Ông sẽ mãi là nguồn sáng tạo đối với giới Sử học và Văn hóa Việt Nam.
Nguồn tin: vanhien.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn