Theo kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ, HĐXX cấp sơ thẩm khi tuyên án một số bị cáo trong vụ án
đường dây đánh bạc nghìn tỷ đã không dựa trên căn cứ pháp luật và mang tính áp đặt.
Ngày 5/3, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Thọ và kháng cáo của các
bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX Tòa án cấp cao tại Hà Nội cho biết đã có 22 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt trong tổng số 83 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong số đó, các bị cáo chủ chốt trong vụ án đều không xuất hiện tại tòa. Ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa không kháng cáo bản án sơ thẩm và cũng không nằm trong diện kháng nghị của VKSND.
|
Phiên tòa xét xử phúc thẩm. |
Đáng chú ý, hai bị cáo được coi là đầu vụ gồm Nguyễn Văn Dương - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Phan Sào Nam - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online đều vắng mặt tại tòa.
HĐXX phúc thẩm cho biết, sau phiên xét xử sơ thẩm, các bị cáo Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương không có đơn kháng cáo, song Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã có bản kháng nghị về việc áp dụng pháp luật đối với các bị cáo. Do đó, HĐXX tòa phúc thẩm đã triệu tập các bị cáo liên quan đến nội dung kháng nghị đến để phục vụ cho phiên xét xử phúc thẩm.
Quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện KSND tỉnh Phú Thọ, vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành do các bị can Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm lợi dụng công nghệ cao có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước. Sau hơn 28 tháng hoạt động, game bài Rikvip/Tip.club đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng số tiền thu lời bất chính trong vụ án này là hơn 9.800 tỷ đồng nên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố điều tra 105 bị can, đề nghị truy tố 92 bị can. Viện kiểm sát truy tố 92 bị can và Tòa án xét xử đối với cả 92 bị can.
Mặc dù cơ bản đồng tình với HĐXX tòa sơ thẩm trong việc áp dụng tội danh đối với các bị cáo, song Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho rằng tòa sơ thẩm đã áp dụng một số quy định pháp luật không giống với quan điểm của cơ quan công tố.
Cụ thể, HĐXX áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức đối với nhóm bị cáo phạm tội tổ chức đánh bạc thuộc diện đại lý cấp 1 trở lên là bất lợi cho bị cáo. Cơ quan công tố cho rằng, hành vi tổ chức ra hệ thống và vận hành trò chơi đánh bạc Rikvip/Tip.club là dấu hiệu pháp lý để định tội nên không thể coi là tình tiết tăng nặng.
Bên cạnh đó, kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho rằng, về việc HĐXX không coi việc các bị cáo tự nguyện nộp lại tiền thu lời bất chính là tình tiết giảm nhẹ “Tự nguyện khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 46 BLHS mà chỉ áp dụng cho được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Dẫn chứng về nội dung này, Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho biết tại phiên xét xử sơ thẩm, đại diện cơ quan công tố đã đề nghị HĐXX chấp nhận việc các bị cáo tự nguyện nộp lại từ 1/2 số tiền thu bất chính trở lên là tình tiết “Tự nguyện khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017. Có như vậy mới bảo đảm sự phân hóa tội phạm trong vụ án đặc thù này (ví dụ: bị cáo Phan Sào Nam tự nguyện nộp tiền và tài sản trên 1.300 tỉ đồng, tương ứng trên 90,7% số tiền hưởng lợi do tổ chức đánh bạc mà có, phải khác với bị cáo Nguyễn Văn Dương chỉ nộp 240 tỉ đồng (chưa được 17% trên tổng số tiền tổ chức đánh bạc mà có).
Tuy nhiên, đề nghị này đã không được HĐXX tòa sơ thẩm chấp nhận. Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho rằng, HĐXX tòa sơ thẩm xét xử không dựa trên căn cứ pháp luật và mang tính chủ quan, áp đặt, trái với nguyên tắc quy định tại điều 50 bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017; không bảo đảm nguyên tắc công bằng về hình phạt giữa các bị cáo nên không được dư luận đồng tình.
Do đó, Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội khi xét xử phúc thẩm theo hướng không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và áp dụng tình tiết giam nhẹ đối với 23 bị cáo, trong đó có Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.