Cắt bỏ ruột vì táo bón
Mới đây, nữ diễn viên xinh đẹp Zhang Huaiq (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ trên facebook cá nhân về những rắc rối khi cô mắc phải căn bệnh táo bón. Theo Huaiqi, cô chỉ đi vệ sinh mỗi tuần một lần và mỗi lần đi cô phải mất tới 4 tiếng trong nhà vệ sinh.
Sau một thời gian dài chịu đựng bệnh tật, cuối cùng nữ diễn viên trẻ quyết định đi khám bác sĩ và được yêu cầu phẫu thuật. Nữ diễn viên đã được bác sĩ cắt bỏ 1,5m ruột già do ruột già dài gấp 3 lần người thường.
Được biết căn bệnh táo bón của nữ diễn viên xinh đẹp trên bị mắc từ nhỏ. Có thời gian 3 tuần cô mới đi một lần. Trước đó, cô đã từng điều trị bằng thuốc nhuận tràng nhưng không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng hơn.
GS.TS.BS Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam cho hay táo bón do ruột già quá dài tỷ lệ gặp phải rất ít và không phải trường hợp này cũng cần phải phẫu thuật cắt bỏ ruột.
Táo bón ở người lớn hiện nay chưa rõ nguyên nhân. Một số yếu tố liên quan tới táo bón có thể kể tới chế độ dinh dưỡng, ngồi lâu, dùng chất kích thích, hút thuốc, căng thẳng tâm lý. Táo bón người lớn có thể gặp ở một số người có bệnh về viêm đại tràng, đái tháo đường, bệnh gút, khối u chèn ép…
GS. Nhâm đã từng gặp trường hợp bệnh nhân bị táo bón khi đi khám có tới vài kg phân trong ruột. Có những trường hợp bệnh nhân phân hóa đá phải dùng gắp nội soi ra.
"Táo bón không gây ra ung thư, nhưng táo bón lâu ngày có thể là tác nhân gây ra bệnh trĩ. Khi bị táo bón lâu ngày hậu môn sẽ bị giãn không thể co lên được thành bệnh trĩ" GS. Nhâm nói.
Táo bón lâu ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, ảnh minh họa.
Còn ở trẻ nhỏ táo bón là sinh lý khi trẻ lớn sẽ hết triệu chứng. Nguyên nhân là do cấu tạo cơn tròn và ruột của trẻ chưa hoàn thiện, sức ép đại tràng yếu khiến trẻ không đẩy phân được ra ngoài.
Trẻ bị táo bón nếu không cải thiện có thể khiến cho trực tràng to và giãn do phân đọng lại không được tiêu đi, nguy cơ bị sa trực tràng khi còn quá nhỏ.
Cải thiện táo bón mỗi ngày ăn 2 thìa cà phê mè đen
Để cải thiện tình trạng táo bón ở người lớn nên thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc nhuận tràng hỗ trợ.
"Cần lưu ý uống đủ nước 2 lít/ ngày. Tăng cường vận động thể chất. Ăn nhiều rau xanh hoa quả tươi, tránh ăn mặn. Đặc biệt mỗi ngày nên ăn 2 thìa cà phê vừng đen sẽ giúp cả thiện táo bón rất tốt. Hạn chế các chất kích thích (rượu bia,cà phê, chè), hút thuốc lá", GS.Nhâm nói.
Mỗi ngày dùng 2 thìa cà phê mè đen sẽ cải thiện được tình trạng táo bón, ảnh minh họa.
Khi thay đổi chế độ ăn, thói quen tình trạng táo bón vẫn chưa cải thiện vì cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
Phòng táo bón ở trẻ nhỏ, cần phải tăng cường chế độ ăn nhiều chất, uống nhiều nước. Trẻ đang trong thời gian bú mẹ thì vẫn cho trẻ bú mẹ thường xuyên.
Trong trường hợp trẻ nhỏ đã thay đổi chế độ ăn nhưng vẫn bị táo bón thì cần nghĩ tới trẻ bị bệnh to trực tràng bẩm sinh. Với trường hợp này khi trẻ lớn sẽ được phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng không có hạch thần kinh co bóp kém khiến cho phân không ra được bên ngoài.
Nguồn tin: Trithuctre.vn/ Soha.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn