Cảm động với người kế thừa sự nghiệp đặc biệt: Nhặt rác

Thứ tư - 20/06/2018 03:30
Dẫu cuộc sống còn bộn bề nỗi lo “cơm áo”, nhưng vẫn có những người không nề hà vất vả, nối tiếp nhau dọn dẹp, xử lý rác thải, để giữ lấy bãi biển sạch, đẹp cho quê hương.
Cảm động với người kế thừa sự nghiệp đặc biệt: Nhặt rác

Đó là cụ Trương Cao, với hơn 10 năm tự nguyện dọn rác không công ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi). Khi cụ qua đời vì bạo bệnh, thì đến lượt bà Nguyễn Thị Tòng (58 tuổi) ở cùng xóm lại tiếp bước, trở thành người “lao công” dọn dẹp rác cho hơn 100 hộ dân trong xóm.

Người đi trước... 

Gành Cả là một trong những xóm vạn chài có dân cư đông đúc nhất của tỉnh. Người đông, lượng rác thải phát sinh hằng ngày ước tính lên đến gần nửa tấn; nhưng xã lại chưa tổ chức được việc thu gom, xử lý rác thải tập trung, nên từng có một khoảng thời gian dài, hấu hết người dân Gành Cả đều đổ rác ra biển.

 cam dong voi nguoi ke thua su nghiep dac biet: nhat rac hinh anh 1

Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của cụ Cao, bà Tòng quyết định kế thừa... công việc nhặt rác.

Nhìn ghềnh đá sát biển, ngay sau lưng dinh Bà – nơi mang nhiều ý nghĩa tâm linh của người dân làng chài Gành Cả trở thành “núi” rác, cụ Trương Cao, một trong những “bô lão” của Gành Cả ngày ấy quyết định tự mình đi dọn rác. Một mình, một sào tre, một cào sắt, cụ Cao lẳng lặng ra ghềnh cào từng đống rác chất chồng ngoài ghềnh, phân loại sơ bộ rồi đốt bằng dầu hỏa.

“Lúc cụ Cao bị đau nằm một chỗ, tôi có qua nhà hỏi mượn con trai cụ chiếc sào tre, với cào sắt để đi dọn rác. Nhưng chưa được một ngày, cụ đã nằng nặc đòi con cụ phải mang mấy thứ đó về, để cạnh giường cho cụ an lòng. Đến lúc sức khỏe không còn, vậy mà cụ vẫn cứ “yêu” công việc dọn rác, nên tôi nghĩ, những người còn khỏe như chúng tôi phải có trách nhiệm với môi trường”.

Bà NGUYỄN THỊ TÒNG, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn)

Bao nilon, chai lọ nhựa trôi ra biển, bị sóng đánh vào ghềnh, cụ Cao vớt lên, phơi khô rồi xử lý. Dọn rác từ năm 68 tuổi cho đến khi tròm trèm 80, hầu như ngày nào cụ cũng có mặt ngoài ghềnh đá, trừ những hôm mưa gió, ốm đau...

Hơn chục năm bỏ công dọn rác, nhắc nhở mọi người trong làng đổ rác đúng nơi quy định, cụ Cao dần thay đổi được ý thức của người dân nơi đây về môi trường. “Thấy ông tuổi cao, sức không còn khỏe mà vẫn lom khom dọn rác ngoài bờ biển, tự dưng chúng tôi thấy áy náy. Từ khi có cụ dọn rác, tôi không còn đổ rác ra biển nữa”, chị Nguyễn Thị Phượng, kinh doanh nước giải khát sát dinh Bà kể lại.

Bồi hồi kể về cha mình, anh Trương Dũng, con trai cụ Cao bảo: “Ngày ấy, chúng tôi vui vì cha giúp ích cho mọi người. Nhưng sợ cha tuổi cao, sức yếu mà lao động nặng nhọc, lại tiếp xúc với rác bẩn... sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên mấy lần, chúng tôi cũng ngăn cản. Dù vậy, ông vẫn khăng khăng đi dọn rác mỗi ngày”.

...truyền “lửa” người sau

“Người dân Gành Cả chúng tôi đã quen với hình ảnh cụ Cao dọn rác. Thế rồi bỗng một ngày, cụ bị đột quỵ, nằm nhà. Bãi rác ngoài ghềnh, cả tháng không có người dọn, cứ thế chất thành đống. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ, nếu làng này không có người đứng ra thay cụ Cao dọn rác, thì rác thải sẽ ùn ứ đến mức nào?”,  bà Nguyễn Thị Tòng tâm sự.

 cam dong voi nguoi ke thua su nghiep dac biet: nhat rac hinh anh 2

Nhờ tinh thần trách nhiệm, tự nguyện xử lý rác của bà Tòng, người dân Gành Cả có được bãi biển sạch để phơi rong mơ.

Nghĩ là làm! Không đành lòng nhìn rác chất đống ngổn ngang, bà Nguyễn Thị Tòng tuy tuổi cao, nhưng đã tự nguyện làm người “lao công”, noi gương cụ Cao thu gom, dọn dẹp rác ở Gành Cả. “Hàng xóm, láng giềng chúng tôi ai cũng khuyên can. Phụ nữ lớn tuổi rồi, làm chi những việc nặng nề, hôi hám như vậy, nhưng chị ấy đâu chịu nghe”, chị Phạm Thị Nương, ở xóm Gành Cả chia sẻ.

Là phụ nữ lớn tuổi, sức khỏe không còn đảm đương được công việc nặng; thế nhưng từ giữa năm 2017 đến nay, ngày nào bà Tòng cũng “trực” ngoài bãi rác. Việc thu gom rác đòi hỏi sự tỉ mỉ và rất tốn công, vì rác thường mắc vào các kẽ đá trên ghềnh, lại thấm nước biển nên rất khó cháy. Thành thử, để hoàn thành việc dọn rác, bà Tòng phải tự chia ra làm hai “ca”:  Từ 8 – 10 giờ sáng, bà tỉ mỉ phân loại các chai lọ, bóng đèn, nilon, hộp nhựa, rồi đem phơi. Đến 13 giờ chiều, bà lại lặn lội trở ra bãi rác để đốt rác, thu gom tro xỉ đến 15 - 16 giờ chiều.

“Ghềnh chứa rác thải của xóm nằm ngay cạnh bãi biển, nếu không xử lý ngay trong ngày, rác thải sẽ bị thủy triều dâng, cuốn trôi ra biển. Vì vậy, khi đảm nhận công việc này, tôi đã xác định với bản thân, dẫu có mệt cũng không xao nhãng ngày nào. Chiếc khẩu trang bé tí này, bịt cho vui, chứ đâu ngăn nổi mùi hôi”, bà Tòng nhăn mũi bảo.

Những việc làm “khác người” của cụ Cao, bà Tòng... thoạt đầu bị mọi người cho là “gàn dở”, nhưng dần giúp cộng đồng dân cư ở Gành Cả ý thức hơn trong bảo vệ môi trường chung. Trước tấm lòng “vác tù và hàng tổng” của bà Tòng, người dân xóm Gành Cả đã cảm kích, đồng lòng đóng góp tiền gửi bà Tòng mua dầu hỏa đốt rác và qua việc làm của bà Tòng, người dân cũng tự giác hơn trong việc đổ rác đúng nơi quy định.

Giàu tấm lòng vì việc chung, nhưng người phụ nữ Nguyễn Thị Tòng đâu phải người giàu có về vật chất. Căn nhà cấp 4 làm bằng đá tổ ong của bà qua mấy mươi năm, giờ đã xuống cấp, dột trước dột sau. Sau những giờ phút mệt nhọc ngoài bãi rác, bà lại vội vàng trở về nhà, khăn gói chuẩn bị nhóm lò nướng bánh tráng mắm ruốc, nướng bắp bán buổi tối. Đó cũng là nguồn thu nhập duy nhất của người phụ nữ nặng lòng vì việc chung ấy...

Theo Ý Thu (Báo Quảng Ngãi)

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây