Ba câu hỏi tại sao gửi ngành giáo dục!

Thứ sáu - 21/07/2017 04:54
(Phapluat News) - Đã đến lúc, ngành giáo dục, các nhà trường, địa phương cần soi lại phong trào thi học sinh giỏi, thành tích học sinh giỏi...
Ba câu hỏi tại sao gửi ngành giáo dục!

 

LTS: Chỉ ra một số thực tế tại trường trung học phổ thông hiện nay, tác giả Hữu Sơn đặt ra ba câu hỏi tại sao gửi đến ngành giáo dục.

Theo đó, tác giả đề cập đến chuyện dạy thêm, học thêm; chuyện học lệch và chuyện học sinh không còn mặn mà với các cuộc thi học sinh giỏi.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.


Tại sao học sinh rất ghét thầy, cô giáo chèn ép, bắt học thêm? 

Dạy thêm tràn lan, dạy thêm trái phép đang trở thành vấn nạn nhức nhối của ngành giáo dục chúng ta lâu nay.

Nhiều văn bản, quy định, các hình thức kiểm tra của cấp quản lý vẫn chưa phát huy được tác dụng.

Nhiều giáo viên ở các địa phương vẫn tiếp tục dạy học thêm trái phép, bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận xã hội trong thời gian qua.

Một số thầy, cô giáo lấy lý do đồng lương ít ỏi, thu nhập thấp, không đủ sống nên đã tìm đủ mọi “chiêu trò” chèn ép, thậm chí hù dọa học sinh phải đi học thêm.

Tại sao học sinh rất ghét thầy, cô giáo chèn ép học thêm? (Ảnh minh hoạ: Thuỳ Linh)


Sợ cô thầy gây khó dễ, chiếu tướng, cho điểm thấp… nên không ít em đi học thêm chỉ để đối phó, cô thầy không làm khó mình nữa.

Mọi biểu hiện, lời nói của giáo viên khó thể nào “qua mặt” được các em học sinh, nhất là học sinh bậc trung học phổ thông.

Trong các em luôn có những suy nghĩ, tình cảm, hình ảnh rất đẹp đẽ, thánh thiện về thầy cô giáo hàng ngày dạy bảo mình bao lời hay, ý đẹp, nhân cách, đạo lý làm người…

Thế mà, một số thầy cô (vì chuyện thu nhập, vật chất) mà giở nhiều “thói xấu”, không đúng đạo đức nhà giáo… đối với các em.

Các em mất dần những tình cảm, ấn tượng đẹp… và bắt đầu dị ứng, rất ghét các thầy cô giáo như thế. 

Có học sinh khi ra trường, đi làm việc vẫn còn “hãi” trước chiêu trò chèn ép dạy học thêm của một số giáo viên ngày nào.

Tại sao học sinh học lệch?

Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Học sinh lớp 9 và học sinh bậc trung học phổ thông, nhất là các em lớp 12 càng biểu hiện rõ khuynh hướng này vì liên quan mật thiết đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia (2 trong 1).

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa rồi, cả nước có 4250 điểm 10 và nhiều thí đạt điểm cao ở các khối thi nhưng lại không có mấy em có kết quả điểm thi toàn diện ở các môn (để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông), rất nhiều em bị dính điểm 2, điểm 3, điểm 4 một đến hai môn. (qua bảng thống kê chi tiết).

Cá biệt, có một em học sinh lớp 12 của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) bị liệt môn Sinh học (1 điểm), rớt tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi đó điểm trung bình môn học này của em ở lớp 12 đạt gần 8,0; điểm thi khối A (Toán, Lý, Hóa) trên 26 điểm (thừa sức để vào các trường đại học tốp đầu).

Tại sao các em cuối cấp lại học lệch nhiều như vậy?

Trước hết đó sự tính toán khôn ngoan, thực dụng của các em, trong đó có cả tác động của phụ huynh, thầy cô giáo, tập trung học tập tốt các môn thuộc khối thi để đạt kết quả thi cao nhất, có nhiều cơ hội cạnh tranh vào học các khối, ngành, trường đại học như mong muốn.

Tiếp đến cũng phải thừa nhận rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành còn quá nặng, dàn trải, nhiều môn học, riêng bậc trung học phổ thông, học sinh phải học đến 13 môn, hoạt động giáo dục trong một năm.

Chúng ta thật khó mong đợi học sinh phải học căn cơ, toàn diện tất cả môn học theo cách thiết kế chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện tại.    

Tại sao nhiều học sinh không mặn mà với thi học sinh giỏi?

Nếu như các em học lớp nhỏ phấn khởi, hăm hở với việc được nhà trường, các thầy cô lựa chọn vào đội tuyển bồi dưỡng và dự thi học sinh giỏi các cấp bao nhiêu thì nhiều học sinh lớp lớn, lớp 11, lớp 12, kể cả nhiều em trường chuyên, lớp chọn bây giờ lại thờ ơ, chẳng màng đến chuyện đi thi học sinh giỏi bấy nhiêu.

Bốn kiến nghị của giáo viên trước thềm năm học 2017 - 2018

Trước tình cảnh ấy, để có phong trào, có đội tuyển, nhiều nhà trường, giáo viên buộc phải dùng đủ cách vận động, thuyết phục nhưng kết quả vẫn không khả quan.

Do các em và các bậc phụ huynh đã có suy nghĩ thực tế hơn, một khi tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi (chỉ một môn thôi) thì tốn rất nhiều công sức, thời gian và áp lực kết quả, thành tích mà ảnh hưởng không tốt đến việc học và thi vào đại học.

Vả lại, yêu cầu đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia khác một trời, một vực so với đề thi trung học phổ thông quốc gia.

Thi học sinh giỏi, nếu đạt giải cao thì được chút tiếng tăm cho bản thân, nhà trường, địa phương nhưng lại rất bất lợi với mục tiêu thiết thực, đỗ đại học, nhất là các ngành, trường tốt. Tương lai, sự nghiệp đặt cả ở đây.

Đã đến lúc, ngành giáo dục, các nhà trường, địa phương cần soi lại phong trào thi học sinh giỏi, thành tích học sinh giỏi.

Từ nay cũng đừng đặt nặng về thành tích học sinh giỏi nữa, kể cả trường chuyên, lớp chọn, hãy để các em được quyền tự quyết định, tự lựa chọn, em nào muốn thi thì thi, em nào không muốn thi thì thôi.

Nguồn tin: GDVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây