Chẳng hạn, câu chuyện gần đây nhất là vụ gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư buộc phải tiêu hủy do hết hạn sử dụng, nguyên nhân xuất phát từ chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền.
Bình luận về sự kiện này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, đó là một hành vi hành chính “vô cảm, thiếu trách nhiệm”. Vị Chủ tịch VCCI thậm chí còn gọi đây là “đỉnh cao của hành vi vô cảm”, gây tác động lớn.
Ông Lộc cho rằng, sự kiện nói trên mới chỉ là một hành vi điển hình, thực tế còn rất nhiều hành vi liên quan đến thủ tục hành chính khác xảy ra hàng ngày, hàng giờ gây khó dễ cho doanh nghiệp. Trong khi đó, sự chậm trễ về thời gian có thể quyết định sự tồn tại hay phá sản của một doanh nghiệp. Theo đó, “chậm 1 ngày thì DN có thể bị mất hợp đồng, bị phạt”.
Lãnh đạo VCCI bình luận: Ngày nay có câu, “dân có cần nhưng quan chưa vội, dân có vội dân lội dân sang”, nhưng người dân làm sao có thể vượt qua được những trở ngại về thủ tục hành chính đó!
Về vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhìn nhận, việc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc nói trên tưởng nhỏ, nhưng không hề nhỏ. Giải quyết hành chính mà mất tới 1 năm trời là việc “không bình thường”. Do đó, theo ông Hà, cần phải rút ra được những bài học từ vấn đề này.
Tham gia buổi họp báo, ông Hồ Sĩ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những sự việc đáng tiếc như trên không ai mong muốn xảy ra nhưng một khi đã phát sinh rồi thì cần phải tạo dư luận để có sự quan tâm, xử lý và giải quyết rốt ráo, không để lặp lại những sự cố tương tự.
Bình luận về vụ “cà phê Xin Chào” trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hồi năm ngoái, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, tuy đây là một sự cố, song khi vụ việc này được mổ xẻ và giải quyết thì đã tạo nên một hiệu ứng tích cực.
Cụ thể, qua vụ việc nói trên, trong Nghị quyết 35 của Chính phủ được ban hành ngay sau đó đã đưa vào nội dung không hình sự hóa quan hệ kinh tế, đồng thời, tư duy của chính quyền cũng được chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”. Việc chuyển biến về tư duy là cơ sở quan trọng để có được những chuyển biến về hành vi công chức, về thực tiễn thực hiện.
Theo thông báo của ban tổ chức, dự kiến năm nay, số lượng đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ đông gấp 4 lần năm ngoái, khoảng 2.000 người. Trong đó, chiếm đa số là đại diện đến từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước (khoảng 1.500 người).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo sơ kết về việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ trong vòng 1 năm qua. Bên cạnh đó, các bộ ngành sẽ đối thoại với các doanh nghiệp về những vướng mắc, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trên tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp” trước khi có một cuộc họp do Thủ tướng chủ trì diễn ra trong chiều cùng ngày (17/5).
Tác giả bài viết: Bích Diệp
Nguồn tin: Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn