Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Minh,Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, về vấn đề bảo lãnh trong việc mua bán nhà hình thành trong tương lai.
Kiểm soát chặt “bong bóng” bất động sản
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, nhà ở hình thành trong tương lai ở nước ta cần có nhiều ràng buộc để hoàn thiện và hạn chế rủi ro. Hiện tại, có ba vấn đề cần phải làm rõ:
“Thứ nhất là đánh giá hiện trạng thị trường bất động sản TP.HCM có khả năng xảy ra bong bóng hay không. Thứ hai là làm thế nào để người mua nhà nhận được nhà và cấp giấy chủ quyền. Thứ ba là tránh tình trạng một nhà mà bán nhiều người”.
Bảo lãnh ngân hàng không làm tăng áp lực giá bán căn hộ |
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, đứng về góc độ ngân hàng, từ 4/2012, ngân hàng đã loại bỏ bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất, tức là cho vay trở lại bình thường. Năm 2013, thị trường ấm dần lên, kể cả giá và số lượng giao dịch thành công.
Các dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản khá phong phú từ 2013 đến nay, như kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), quỹ đầu tư… nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tín dụng ngân hàng. Do đó, thị trường bất động sản không gặp áp lực về vốn nhưng phải khắc phục mất cân đối giữa kỳ hạn cho vay. Hiện tại, thị trường toàn cho vay trung dài hạn mà tổng nguồn vốn lại là huy động ngắn hạn. Vấn đề này ngân hàng phải khắc phục.
Về vấn đề có xảy ra bong bóng bất động sản hay không, ông Minh cho rằng riêng cơ chế, chính sách hiện nay làm mọi cách không để xảy ra tình trạng này. Cụ thể, đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 50% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đến năm 2018 chỉ còn 40%; trong khi những năm trước con số này lên đến 60%. Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN đã chỉ thị các ngân hàng thương mại kiểm soát rủi ro ở các lĩnh vực bất động sản, thế nên nhiều nhà băng sẽ phải kiểm soát chặt dòng vốn đổ vào thị trường này.
Thống kê của NHNN về lĩnh vực bất động sản trong quý 1/2017 cho thấy, tổng dư nợ của toàn TP.HCM là trên 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó có 164.000 tỷ đồng cho bất động sản, chiếm 10,88% trên tổng dư nợ. So với đầu năm, hiện nay tín dụng bất động sản có số dư nợ cao nhất. Tuy nhiên, so với giai đoạn 2007 -2 008 khi tín dụng tăng trưởng nóng lên gần 30%, hiện tại ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ.
Bảo lãnh để hạn chế rủi ro chứ không tạo giá trị ảo
Bàn đến vấn đề bảo lãnh ngân hàng trong trường hợp bán nhà ở hình thành trong tương lai, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định ngân hàng chỉ bảo lãnh đối với nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng, chứ không phải bảo lãnh dự án và công trình bất động sản.
Theo ông, điều 56 của Luật Kinh doanh Bất động sản về nội dung bảo lãnh của ngân hàng có 2 khía cạnh cần làm rõ. Một là ngân hàng chỉ bảo lãnh về nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng, tức ngân hàng bảo lãnh thay chủ đầu tư trả tiền khách góp vào căn hộ khi chủ đầu tư không thể thực hiện bàn giao nhà như cam kết. Hai là việc bảo lãnh nhằm vào khía cạnh quản lý, quản trị để hạn chế rủi ro, không phải đặt ra để siết chủ đầu tư hay nâng cao giá trị của dự án mà tạo giá trị ảo.
“Tôi khẳng định là bảo lãnh quyền lợi người mua nhà và tạo niềm tin của người mua nhà. Về phí bảo lãnh, hiện nay mức phí các ngân hàng đưa ra rất cạnh tranh, từ 0,05% - 0,12%/năm chi phí tối thiểu để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh. Tài sản thế chấp cũng chính là sản phẩm của dự án. Mức phí này không có gì để tăng áp lực lên giá dự án. Việc bảo lãnh là nhằm mục tiêu cuối cùng là bảo lãnh quyền lợi khách hàng khi chủ đầu tư không thể thực hiện nghĩa vụ của họ.
Riêng về các ngân hàng có năng lực tài chính để thực hiện bão lãnh, NHNN có ban hành Thông tư 07 quy định các tổ chức tín dụng; trừ ngân hàng 0 đồng, ngân hàng kiểm soát đặc biệt đều được thực hiện bão lãnh đối với dự án bất động sản”, ông Minh nói thêm.
Tác giả bài viết: Quốc Tuấn - Diệu Thủy
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn