‘Tiền trảm hậu tấu’: Trật tự xã hội bị đảo lộn

Thứ ba - 02/05/2017 21:03
(PL News) - Thói quen “tiền trảm hậu tấu” ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng của xã hội, đến hệ thống hành chính. Đó chính là kỷ cương.
3 biem KEAT
3 biem KEAT

Gần đây, dư luận rất bất bình trước việc nhiều địa phương rộ lên tình trạng “tiền trảm hậu tấu”, mà gần nhất là việc Phú Yên cho phá hàng trăm hecta rừng phòng hộ để làm dự án sân golf mà chưa xin Thủ tướng chuyển mục đích sử dụng đất.

Về vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Sĩ Dũng (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: “Tiền trảm hậu tấu là việc ngày xưa các quan chức phong kiến trung thành và quyết đáp thường chém đầu nghịch thần trước rồi trình báo vua sau. Ngày nay, việc “chém đầu” trước rồi mới trình báo “vua” sau là chuyện không còn được ai chấp nhận”.

Rủi ro, hậu quả có khi không thể khắc phục

Phóng viên: Thưa ông, nhưng xem xét những vụ việc tôi vừa đề cập ở trên, ông nhận xét gì về tình trạng “tiền trảm hậu tấu” này?

‘Tiền trảm hậu tấu’: Trật tự xã hội bị đảo lộn - ảnh 1

+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đúng là trong cách hành xử của rất nhiều cấp chính quyền thì mô thức “tiền trảm hậu tấu” vẫn còn đó. Chúng ta hiểu đó là tình trạng cứ làm trước đã rồi xin phép sau.

Cứ phá rừng trước rồi xin phép hoặc báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng. Cứ cho thuê đất 70 năm trước rồi xin phép sau. Cách làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” kiểu như thế ngày nay rất rủi ro.

. Những rủi ro ấy là gì, thưa ông?

+ Trước hết, “trảm” rồi mà “tấu” lên, Chính phủ không đồng ý thì sao? Không đồng ý thì rừng cũng đã bị chặt phá rồi. Chi phí khắc phục hậu quả sẽ là rất lớn. Thậm chí có những trường hợp không thể khắc phục hậu quả được. Nhiều khi đã “trảm” rồi thì Chính phủ không đồng ý cũng khó. Ví dụ, đã cam kết với đối tác nước ngoài thì Chính phủ không đồng ý có thể sẽ là vấn đề rất lớn về đối ngoại, cũng như về môi trường đầu tư.

. Nhưng theo tôi, có lẽ vấn đề không chỉ dừng lại ở những rủi ro ấy?

+ Quả đúng là như vậy! Thói quen “tiền trảm hậu tấu” ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng của xã hội, đến hệ thống hành chính. Đó chính là kỷ cương. Mà kỷ cương không được bảo đảm thì công việc sẽ rối loạn, trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn.

‘Tiền trảm hậu tấu’: Trật tự xã hội bị đảo lộn - ảnh 2

Tính lợi ích riêng, chưa nhìn thấu cái chung

. Nếu xem xét các vụ việc “tiền trảm hậu tấu”, chỉ trong lĩnh vực phát triển kinh tế, thực tế là vấn đề này đã diễn ra quá lâu, thường xuyên và rất khó khắc phục, thưa ông?

+ Trước tiên, ta phải nhìn nhận rằng: Nhiều địa phương mong muốn thúc đẩy kinh tế phát triển thật nhanh. Các nhà lãnh đạo địa phương đã hành xử theo cách cái gì có lợi cho dân, cho nước thì làm. Sự quyết đoán như vậy, không phải là không mang lại những kết quả tích cực cho địa phương.

Để giảm thiểu rủi ro, các địa phương này thường đưa vấn đề ra thường vụ quyết. Thường vụ nhất trí cao là họ làm. Những nhà lãnh đạo làm như vậy có trường hợp có cái tâm sáng. Tuy nhiên, tầm nhìn của họ lại bị hạn chế trong khuôn khổ của địa phương. Những cố gắng của họ vì vậy chưa chắc đã bổ sung được giá trị cho định hướng phát triển chung của đất nước.

. Tôi thì cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở địa phương. Phải có những bên khác chi phối hoặc liên quan.

+ Thực ra đằng sau mỗi dự án là các nhà đầu tư và các lực lượng khác có lợi ích liên quan. Lãnh đạo các địa phương có thể bị vận động bằng nhiều cách, từ những cách hợp pháp đến những cách hợp pháp vừa phải và thậm chí đến cả những cách hoàn toàn bất hợp pháp.

Việc “tiền trảm hậu tấu” ở đây có vẻ là một hành vi hết sức tiêu cực, vì nó bị các nhóm lợi ích tác động rất nặng nề.

Phải tính lại việc phân quyền

. Nhưng cũng có những quy định rất tường minh rằng những dự án, chủ trương, quyết sách mà vượt thẩm quyền thì phải xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ, thậm chí là Quốc hội?

+ Công bằng mà nói, xin ý kiến Chính phủ nhiều khi rất mất thời gian. Nói là xin ý kiến Chính phủ nhưng thực chất là xin ý kiến cho bằng hết tất cả bộ, ngành có liên quan.

Thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, Chính phủ chỉ phê duyệt hoặc trả lời sau khi đã có ý kiến đầy đủ của tất cả bộ, ngành hữu quan. Mà như vậy thì nhiều khi phải “chạy” cả các bộ, ngành nữa.

Công văn xin ý kiến bộ, ngành là do Văn phòng Chính phủ trực tiếp gửi nhưng nếu các tỉnh không tìm cách tác động thì cũng khó được câu trả lời đúng hạn.

. Như thế có nghĩa là chúng ta cần phải phân quyền tốt hơn cho các địa phương, hay phải có cách thức gì khác để không xảy ra “tiền trảm hậu tấu” như vừa qua?

+ Mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã tạo tiền đề rất quan trọng để chúng ta phân chia quyền lực giữa các cấp chính quyền. Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã chưa thành công trong công việc này.

Công bằng mà nói Chính phủ đã cố gắng phân quyền nhiều hơn cho các địa phương. Tuy vậy, việc phân quyền thường triển khai theo nhu cầu thực tế và chưa đi kèm với các thiết chế giám sát phù hợp nên sự tự tung tự tác đã xảy ra ở khá nhiều nơi.

Hiến pháp đã quy định: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương” (khoản 2 Điều 112). Nhưng thực tế cho thấy Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã không cụ thể hóa thành công quy định nói trên.

Vì vậy, về lâu về dài, để khắc phục tình trạng “tiền trảm hậu tấu”, quan trọng nhất vẫn là phân chia quyền lực giữa các cấp chính quyền cho rõ.

. Xin cám ơn ông.


 

Tác giả bài viết: CHÂN LUẬN thực hiện 

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây