Lần đầu tiên ông Phạm Nhật Vượng được Forbes xếp vào danh sách tỷ phú thế giới là năm 2013, tài sản được ước tính là 1,5 tỷ USD (đứng thứ 974). Năm 2017, ông Phạm Nhật Vượng đã đứng thứ 867 thế giới với tài sản 2,4 tỷ USD.Ngày 20/3, Tạp chí Forbes đã chính thức công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2017.
Tại Việt Nam, ngoài ông Phạm Nhật Vượng đã được Forbes vinh danh lần thứ 5, có thêm một nữ tỷ phú là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc Vietjet Air.
Trong khi đó, đây là lần đầu tiên bà Thảo được đưa vào danh sách này, với tài sản 1,2 tỷ USD, đứng thứ 1.678 thế giới.
Sự hiện diện của ông Phạm Nhật Vượng là chuyện chẳng hề bất ngờ, bởi sự tăng trưởng ổn định, bền vững của Tập đoàn Vingroup đã được minh chứng trong nhiều năm qua.
Trường hợp nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet được vinh danh cũng là điều dễ hiểu khi mà doanh nghiệp này đã lên sàn chứng khoán HOSE hết sức thành công.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng, sự tăng trưởng ổn định của Vietjet trong những năm gần đây cùng với kế hoạch đầu tư bài bản trong tương lai sẽ đưa thương hiệu Vietjet tiến xa.
Điều khiến cho nhiều người chú ý hơn cả là Forbes đã bỏ qua ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - người chiếm giữ vị trí số 1 trên sàn chứng khoán Việt Nam khi vung tiền mua 10 triệu cổ phiếu ROS (Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros) từ tháng 11/2016.
Tính ra, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đến thời điểm này đã lên tới 51.696 tỷ đồng (vượt 2 tỷ USD). Nếu chỉ nhìn vào những diễn biến số học thì nó quả thật là một kỳ tích, bởi vì chỉ trong vài tháng qua tính riêng giá trị cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ đã tăng hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán từ cuối năm 2016 nhưng ông Trịnh Văn Quyết vẫn bị Forbes loại ra khỏi danh sách tỷ phú thế giới 2017. ảnh đăng trên Đầu tư chứng khoán. |
Đây là lần thứ 2 liên tiếp ông Trịnh Văn Quyết bị loại ra khỏi danh sách tỷ phú Forbes. Trước đó, khi cập nhật danh sách tỷ phú ngày 5/1/2017, ông Quyết cũng bị Forbes bỏ qua, dù tài sản trên sàn chứng khoán đã vượt xa con số 1 tỷ USD.
Cụ thể hơn, tại thời điểm cập nhật tại thời điểm ngày 2/1/2017, ông Trịnh Văn Quyết Với 114,1 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại FLC (17,9%) ông Quyết có tài sản tương ứng 593,8 tỷ đồng; với 289,5 triệu cổ phần tại ROS (67,34%), ông Quyết có tài sản ước tính 33.212,4 tỷ đồng.
Tính chung tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết vào khoảng 33.806,2 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).
Ngoài trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết thì trước đó cũng có một số đại gia khác từng giữ các vị trí tốp đầu trên sàng chứng khoán nhưng đều không lọt vào danh sách của Forbes.
Lý giải về cách xếp hạng tỷ phú của Forbes, tờ Thanh Niên ngày 1/1 đã đăng tải chia sẻ của Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Chuyên gia tài chính và đầu tư thuộc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, tại Việt Nam công thức tính người giàu mới đơn thuần và máy móc là lấy vốn hóa nhân với giá cổ phiếu thành tiền.
Tuy nhiên, tổ chức nước ngoài thì đào xới số liệu trong một thời gian dài và dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau: từ tính thanh khoản của cổ phiếu, lịch sử thanh khoản của cổ phiếu, tính ổn định và bền vững của doanh nghiệp, nợ nần của doanh nghiệp…
Giá của một cổ phiếu cao là một chuyện, mà việc chuyển cổ phiếu đó ra thành tiền là một chuyện khác. Có thể bán nhanh chóng khi cần hay không là tiêu chí hàng đầu đối với một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Vì vậy, với những cổ phiếu mới “chân ướt chân ráo” lên sàn thì có thể các tổ chức nước ngoài vẫn chỉ đang quan sát.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cũng lý giải, lý do ông Trịnh Văn Quyết không lọt vào bảng xếp hạng của Forbes bởi cách tính tài sản của người giàu giữa Việt Nam và thế giới khác nhau.
Theo cách tính của Forbes cũng như các tổ chức lớn thế giới, các tổ chức quốc tế xem xét rất thận trọng tiểu sử của cổ phiếu đó, chẳng hạn như: cổ phiếu niêm yết bao nhiêu lâu, đầu tư vào cổ phiếu đó có an toàn không, tính tăng trưởng giá trị của cổ phiếu có bền vững không hay tăng do được thổi giá…?
Một cổ phiếu phải có lịch sử ít nhất là 2-3 năm niêm yết thì tài sản đó người ta mới công nhận. Ngoài cổ phiếu, họ còn dựa vào nhiều tiêu chí khác nữa.
Xét trên những quy tắc chặt chẽ của Forbes thì rõ ràng sự tăng trưởng của hai cổ phiếu mà ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ chưa đạt đủ độ tin cậy để có thể đưa doanh nhân này vào bảng xếp hạng tỷ phú thế giới.
Trên thực tế, cổ phiếu ROS mà ông Quyết đang sở hữu có lịch sử giao dịch mới chỉ vài tháng, trong khi tiêu chí của Forbes là cổ phiếu phải có lịch sử ít nhất là 2-3 năm niêm yết thì tài sản đó Forbes mới công nhận.
Sự cẩn trọng của Forbes là hoàn toàn có lý, khi mà diễn biến giá cổ phiếu ROS trồi lên bất thường và cần phải có thêm thời gian kiểm chứng.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 14/11/2016, cổ phiếu ROS tăng 7.500 đồng, tương đương tăng 6,9%, lên 116.200 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu FLC tăng nhẹ 10 đồng, tương đương tăng 0,14%, lên 7.010 đồng/cổ phiếu.
Với lượng cổ phiếu ROS đang nắm giữ là 279.558.755 cổ phiếu và lượng cổ phiếu FLC nắm giữ là 108.859.560 triệu cổ phiếu FLC, tổng giá trị cổ phiếu của ông Quyết đạt hơn 33.247,83 tỷ đồng, tăng gần 2.098 tỷ đồng so với phiên trước đó.
Như vậy là chỉ sau một ngày giá trị cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ tăng tới hơn 2 nghìn tỷ đồng. Điều đó cũng đặt ra sự nghi ngờ nhất định với các nhà đầu tư rằng, liệu cổ phiếu ROS có bị thổi giá?
Trong suốt thời gian qua, con đường phát triển quá nhanh chóng của Tập đoàn FLC đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về khối tài sản rất lớn của ông Trịnh Văn Quyết, vì đó là một "hiện tượng" chưa từng diễn ra từ trước tới nay.
Trong một lần hiếm hoi ông Trịnh Văn Quyết nói với Forbes Việt Nam: “Chúng tôi nghĩ mình không là gì ghê gớm cả, nhưng phải biết cách tồn tại và khi cơ hội đến, phải biết chớp lấy, ngay cả khi thị trường còn đang khó khăn, để vươn lên”.
Ông Quyết giải thích thành công của mình nhờ vào biết chọn đúng thời điểm đầu tư, tận dụng cơ hội mua các bất động sản thua lỗ phải bán giá thấp.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là lý giải một chiều từ ông Trịnh Văn Quyết mà thôi, bởi lẽ những việc làm của doanh nghiệp này trong thời gian qua đã khiến dư luận dậy sóng. Đặc biệt là dư luận đã đặt ra vấn đề, ông Quyết là một luật sư nhưng lại để cho FLC vi phạm các quy định của pháp luật khi thực hiện một số dự án.
Có thể kể tớilà dự án chung cư FLC Landmark Tower ở khu đất số 9 đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) – tự ý thay đổi công năng, chia nhiều phòng để bán.
Một dự án khác là FLC Complex tại 36 Phạm Hùng dù chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép thi công, nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xây dựng và rao bán 480 căn hộ.
Những vi phạm nghiêm trọng về xây dựng của FLC ngay tại Thủ đô Hà Nội khiến cho dư luận hoài nghi: Liệu có thế lực nào bảo kê, bao che cho sai phạm của doanh nghiệp mà ông Trịnh Văn Quyết đang đứng đầu?
Một dự án khác mà FLC không thể che đậy trách nhiệm đó là FLC HaLong bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long). Dự án này triển khai từ tháng 3/2016 và đã gây nên những trận “lũ bùn” khủng khiếp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân tại địa phương.
Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phải ra quyết định yêu cầu FLC dừng thi công dự án để khắc phục hậu quả.
Chưa hết, vào ngày 27/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án sân golf FLC Hạ Long tại khu vực đồi cột 3 đến cột 8 (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).
Ngày 7/3, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường thuộc Tổng cục Môi trường đã đi khảo sát thực địa và chỉ 1 ngày sau (8/3) đã có Văn bản số 346/TĐ-VP gửi Tập đoàn FLC yêu cầu dừng thi công dự án.
Với quá nhiều điều tiếng trong hoạt động của FLC và sự tăng trưởng giá bất thường từ mã cổ phiếu ROS, nếu trong lần cập nhật danh sách tỷ phú tới đây vẫn không có tên ông Trịnh Văn Quyết có lẽ cũng chẳng phải là chuyện bất ngờ!
Nguồn tin: Theo Giáo dục VN:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn