Cô gái dân tộc Ê đê, ăn cơm độn sắn bắp và chuyện kinh doanh kiếm tiền tỷ

Thứ năm - 23/03/2017 04:23
(PL News) - Từ hai bàn tay trắng, phải vay mượn bạn bè 200.000 đồng để lấy hàng, cô gái xinh đẹp người dân tộc Ê đê - Kpă H Quyên đã mở được một xưởng may đồ thun với doanh thu khủng.
Cô gái dân tộc Ê đê, ăn cơm độn sắn bắp và chuyện kinh doanh kiếm tiền tỷ


 

Cô gái dân tộc Ê đê, ăn cơm độn sắn bắp và chuyện kinh doanh kiếm tiền tỷ

 

Không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ ngoài đậm chất Tây Nguyên, cô gái xinh đẹp Kpă H Quyên khiến những người xung quanh phải ngưỡng mộ vì khả năng kinh doanh tài giỏi của mình. 

Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, nhưng với quyết tâm đổi đời bằng chính khả năng của bản thân, Quyên đã chứng minh một điều rằng: Không gì là không thể, nếu có ước mơ và sự kiên trì.

Cô gái dân tộc Ê đê, ăn cơm độn sắn bắp và chuyện kinh doanh kiếm tiền tỷ - Ảnh 1.

Cô gái người dân tộc Ê đê và câu chuyện kinh doanh kiếm tiền tỷ.

Từ bữa cơm độn sắn bắp cho đến vẻn vẹn 4.000 đồng trong túi

Kpă H Quyên sinh ra và lớn lên tại Dak Lak, tốt nghiệp chuyên ngành Thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật TP. HCM và hiện tại đang kinh doanh xưởng may đồ thun. Doanh thu mỗi tháng trên 1 tỷ đồng, xuất đi khoảng 1.000 áo mỗi ngày.

Chia sẻ về quãng thời gian túng thiếu của gia đình, Quyên ngậm ngùi tâm sự: "Ba mẹ mình làm nông, cả năm chỉ dựa vào rẫy café mà sống. Nhà mình hồi đó mưa thì dột, nắng cũng tràn đầy nhà. Ba mẹ thì lúc nào cũng tất tả lo vay mượn lo cho mình và hai đứa em.

Lúc nhỏ có năm nhà mình còn phải ăn cơm độn sắn và bắp, vì còn nhỏ nên cứ nghĩ ăn độn như vậy là ngon, được ăn thêm chứ không biết vì thiếu gạo phải độn như vậy. 

Đi học đường lầy lội mùa mưa, bụi mù mùa nắng nhưng mình vẫn cuốc bộ hàng chục km đi học đều đặn. Chỉ dựa vào cafe nên cứ vay mượn hoài, tới mùa lại trả nợ nên cái vòng luẩn quẩn nghèo khổ cứ thế tiếp diễn không có lối thoát".

Cô gái dân tộc Ê đê, ăn cơm độn sắn bắp và chuyện kinh doanh kiếm tiền tỷ - Ảnh 2.

Kpă H Quyên xuất thân trong một gia đình nghèo khó.

Dù nghèo nhưng ba mẹ vẫn luôn cho 3 chị em Quyên được đến trường. Quyên sau đó đậu vào cao đẳng Văn hoá nghệ thuật TP. HCM nhưng sự khó khăn ở thành phố khiến cô gái Ê đê nhiều lần tưởng chừng gục ngã. Để bám trụ lại Sài Gòn, Quyên đã làm rất nhiều công việc khác nhau.

Cô đi hát quán cafe, đám cưới mỗi show được tầm 120.000 đồng – 150.000 đồng, đi làm phục vụ quán cafe cơm trưa văn phòng, phát tờ tơi, làm thú bông nhún nhảy cho quán khai trương, làm PG bán sim, tiếp thị sản phẩm…

Thế nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép nên không dưới 10 lần, Quyên bị ba mẹ gọi điện thoại bắt về quê vì không đủ sức nuôi cô nữa.

"Mình nhất quyết không về vì bản thân ham học lắm, dù có nhịn đói cỡ nào cũng không muốn bỏ học đâu. Có thời điểm, ba mẹ không có tiền gửi, mình còn đúng 4.000 đồng thế là mua bịch sữa đậu nành cầm cự và đi bộ 5km tới trường cao đẳng (từ quận 10 đến quận 1).

Lúc mình tuyệt vọng nhất là khi bị viêm thanh quản khi đang học thanh nhạc, mình đã nghĩ quẩn vì với mình thì âm nhạc thật sự rất quan trọng. Mình luôn cố gắng học và không muốn bỏ giữa chừng.

Thời điểm đó phải làm đủ nghề thật sự rất khó khăn, kiếm từng đồng lẻ. Làm thú bông thì mỗi tiếng chỉ được 25.000 đồng mà thời tiết Sài Gòn thì bạn biết đó, cực kì nóng và khó thở khi chui vào bộ đồ thú.

Làm PG bán sim thì mặc đồng phục váy ngắn và áo ngắn tay đi khắp nơi Sài Gòn mời chào, nắng đến cháy đen mặt và khan tiếng do rao bán sim. Bán quần áo ngoài hẻm chợ, bán nước….nhưng nhận được số tiền rất ít ỏi".

Cô gái dân tộc Ê đê, ăn cơm độn sắn bắp và chuyện kinh doanh kiếm tiền tỷ - Ảnh 3.

Dù vất vả nhưng Quyên vẫn luôn kiên trì, chịu khó và làm việc đến cùng.

Sự bản lĩnh của cô gái Ê đê và khoản thu nhập đáng mơ ước

Sau đó, Quyên lấn sang kinh doanh thời trang sau một sự tình cờ. Năm 2012, vì là thời điểm gần tốt nghiệp nên ba mẹ chạy vạy, vay mượn tiền mua cho cô một chiếc laptop. Quyên bắt đầu mày mò làm cộng tác viên cho một shop thời trang nhỏ.

Lúc đó Quyên gần như trắng tay, để có tiền lấy hàng từ shop thì cô phải mượn bạn bè 200.000 đồng, 300.000 đồng để làm vốn kinh doanh. Cũng may mắn là công việc buôn bán khá thuận lợi, khách mua mỗi lúc một đông nên Quyên chuyển qua bán hàng ở hẻm chợ Linh Xuân.

"Thời gian vài tháng bán quần áo ở chợ Linh Xuân, mình còn bán cả dừa tắc, đá me, cafe và nước giải khát nữa để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Sau đó mình gom góp tiền rồi quyết định lên Gò Vấp mở một cửa hàng nhỏ xíu.

Lúc đó chỉ có vài triệu trong tay nhưng mình cứng đầu lắm, đã muốn là cố gắng làm bằng được. Bán mỗi ngày được vài ba áo thun là vui lắm rồi. Gắn bó được 1 năm thì khách khá nhiều, chỗ lấy sỉ không đáp ứng được hàng hoá nên mình quyết định chuyển lên Tân Bình tự mở xưởng in".

Cô gái dân tộc Ê đê, ăn cơm độn sắn bắp và chuyện kinh doanh kiếm tiền tỷ - Ảnh 4.

Nhờ bản lĩnh, Quyên đã dần dần phát triển công việc kinh doanh và tự mở xưởng in đồ thun.

Quyên kể lại, lúc mới bước vào việc mở xưởng in thì cô gặp rất nhiều khó khăn. "Mình phải tự mày mò in ấn, thiết kế mẫu, phải thức trắng nhiều đêm liền để làm mẫu cho khách và để làm kịp hàng giao cho khách. 

Sáng dậy sớm và làm nhiều ngày đến 2, 3 giờ sáng mới được ăn tối và nghỉ ngơi. Rồi thời điểm mở xưởng may bỡ ngỡ nhiều cái, may lỗi, cắt rập không đúng… tưởng chừng rơi vào bế tắc luôn, giờ nghĩ lại thấy sợ ghê.

Mình cũng thường bị người ta phá giá và lôi kéo rất nhiều khách sỉ lớn nên mất rất nhiều nguồn thu từ những khách đó. Nhưng mình biết cách tìm những khách mới tiềm năng nên cuối cùng lại được đông đảo khách ủng hộ".

Có nhiều tháng ít khách, ế ẩm tưởng chừng phá sản nhưng may mắn là cuối cùng cũng vực được. Rào cản lớn nhất chính là vốn, vì bản thân Quyên không có tiền, lại chỉ dựa vào doanh thu bán hàng nên vốn không nhiều. 

Thế nhưng bằng sự cố gắng và tìm tòi cách người đi trước như thế nào, Quyên đã biết cách đứng lên và đi tiếp, vượt qua được các khó khăn trong kinh doanh.

Hiện tại công việc kinh doanh của Quyên cũng đã đi vào quỹ đạo, dần ổn định với 15 công nhân may và làm hàng. Công việc của cô bây giờ là tìm thêm khách hàng mới, thiết kế ra nhiều mẫu mã mới phù hợp xu thế, check hàng, nhận đơn hàng, in ấn hàng cho khách.

Tất cả nhân viên đều do Quyên tự đào tạo và nuôi ăn ở hết. Đặc biệt, hầu hết là các nhân viên đều là người dân tộc Ê đê từ trong buôn của Quyên. Hiện cô đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh, mở thêm chuỗi cửa hàng bán sỉ và lẻ giá rẻ về mảng đầm váy.

"Kỉ niệm vui hạnh phúc là mình đã góp phần xây được căn nhà nho nhỏ cho ba mẹ sau bao tháng năm phải ở nhà rách nát, tồi tàn. Mình còn đưa được ba mẹ đi du lịch nữa, giúp được hai đứa em và các em khác ở buôn làng có công ăn việc làm", Quyên hồ hởi chia sẻ.

Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây