Phó Chi cục Thuế huyện Quế Võ nói gì về thông tin đe dọa doanh nghiệp?

Thứ bảy - 20/05/2017 05:22
(PL News) - Như Kiến Thức đã đưa tin về vụ việc ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chi cục Thuế huyện Quế Võ bị tố "quấy nhiễu" doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh đã chỉ đạo giao Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh xem xét, kiểm tra nội dung đơn, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trước ngày 20/5/2017.
Phó Chi cục Thuế huyện Quế Võ nói gì về thông tin đe dọa doanh nghiệp?

 

Để làm rõ nội dung tố cáo trong đơn và rộng đường dư luận, phản ánh thông tin đa chiều,PV Kiến Thức đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Thịnh - Chi cục phó Chi cục Thuế huyện Quế Võ bị tố quấy doanh nghiệp.

Không đe dọa hay vòi vĩnh doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Chi cục phó Chi cục Thuế huyện Quế Võ - làm việc với phóng viên.
 Ông Nguyễn Văn Thịnh - Chi cục phó Chi cục Thuế huyện Quế Võ - làm việc với phóng viên.
 

Thưa ông, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có nhận được đơn của một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Quế Võ, tố cáo ông và một số cán bộ thuộc Chi cục Thuế huyện Quế Võ, có hành vi đe dọa, gây khó khăn, áp lực, quấy nhiễu, hách dịch, lợi dụng chức quyền tham nhũng... dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải chuyển đi nơi khác kinh doanh, hoạt động cầm chừng và có nguy cơ phá sản. Là người trực tiếp bị nêu đích danh trong đơn tố cáo, ông lý giải sao về điều này?

Chi cục phó Thuế huyện Quế Võ, ông Nguyễn Văn Thịnh: Bản thân tôi về nhận công tác tại Chi cục thuế huyện Quế Võ vào cuối năm 2015, theo sự chỉ đạo của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Ninh. Tôi về đây không phải thuộc đối tượng quy hoạch cũng không phải bị kỷ luật phải về mà do cán bộ dưới này về mặt Thanh tra, kiểm tra còn yếu nên lãnh đạo Cục có đặt vấn đề tôi về đây giúp đỡ, làm cho Chi cục mạnh lên. Sau khi về, chúng tôi cho phân tích hồ sơ, thanh tra, kiểm tra phát hiện một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật sử dụng hóa đơn giả. Trong năm 2015, tôi đã chuyển sang bên Công an 2 bộ hồ sơ của hai công ty để điều tra, có vụ đã khởi tố hình sự. Ngoài ra còn một số công ty, doanh nghiệp trong quá trình phân tích hồ sơ, chúng tôi phát hiện có dấu hiệu bất hợp pháp về sử dụng hóa đơn. Về vấn đề này tôi có mời cụ thể bằng văn bản theo đúng quy trình thông báo lần 1, lần 2 một số doanh nghiệp lên làm việc nhưng họ không lên. Để xác minh tôi cho cán bộ xuống doanh nghiệp và thấy doanh nghiệp đăng ký trụ sở với cơ quan chức năng không còn nữa, cán bộ thuế đã cùng địa phương xác nhận.

Đến năm 2016, có 70 doanh nghiệp có dấu hiệu làm ăn bất hợp pháp, buôn bán hóa đơn, có một số doanh nghiệp nợ thuế không trả, có doanh nghiệp chúng tôi ra thông báo 3 lần cũng không đến làm việc. Trước sự việc này, tôi có báo cáo, lãnh đạo Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ra quyết định kiểm tra, gửi quyết định kiểm tra đến gia đình để hẹn ngày làm việc. Nhưng khi đến ngày làm việc với đoàn kiểm tra, họ cũng không làm việc. Do vậy, chúng tôi báo cáo, mời chính quyền địa phương đến xác nhận. Trong quá trình kiểm tra thấy có doanh nghiệp không có trụ sở, kế toán không, không có bộ máy hoạt động gì cả.

Thời điểm tôi về đây, có doanh nghiệp bỏ trụ sở và có văn bản xin ngừng hoạt động. Thấy có dấu hiệu nghi ngờ, chúng tôi cho phân tích hồ sơ tại sao trường hợp này đang hoạt động lại ngừng. Sau khi phân tích, chúng tôi phát hiện đa số các doanh nghiệp trên có dấu hiệu bất hợp pháp về sử dụng hóa đơn nhiều. Ngoài ra, trên địa bàn quản lý, có một số doanh nghiệp chuyển đi không phải vì chúng tôi, cụ thể có chị N. làm kế toán cho 6 đến 7 doanh nghiệp nước ngoài, khi chúng tôi động vào các doanh nghiệp mà chị N làm đều có biểu hiện sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Chúng tôi có ra thông báo mời lên làm việc thì kế toán xui doanh nghiệp chuyển công ty đi chỗ khác. Hay như một doanh nghiệp trục vớt luồng hạ lưu trước ở Quế Võ, sau đó chuyển lên Bắc Ninh, sau Bắc Ninh làm chặt quá lại chuyển đi nơi khác chứ không phải do chúng tôi thế này thế khác khiến doanh nghiệp không chịu được phải chuyển đi. Trong thời gian tới, tôi cũng cho anh em kiểm tra và chuyển một số hồ sơ sang cơ quan công an.

Nên việc doanh nghiệp chuyển đi không phải do chúng tôi có hành vi đe dọa, gây khó khăn, áp lực, quấy nhiễu, hách dịch, lợi dụng chức quyền tham nhũng.

Những tồn tại mà ông nói đến ở trên là do trước đây, Chi cục thuế huyện Quế Võ quản lý lỏng lẻo?

Ông Nguyễn Văn Thịnh: Trước kia ở đây quản lý quá lỏng lẻo, đoàn đi thanh tra, kiểm tra chỉ truy thu có mấy chục triệu tiền thuế. Sau khi anh Thường - Cục phó về chỉ đạo các cuộc kiểm tra, thanh tra được nâng lên rất nhiều, có doanh nghiệp bị truy thu tiền tỷ. Thời điểm tôi về đây làm việc, doanh nghiệp sai tôi xử lý theo đúng quy định pháp luật chứ tôi không thể làm ngơ cho doanh nghiệp được, cái gì sai là phải xử lý, không thể thấy họ sai mà mình bỏ qua cho họ được. Bởi họ sai mà mình bỏ qua thì mình chết nên tôi phải xử lý. Nếu giả sử tôi không làm sẽ không động tới quyền lợi của họ, nhưng khi động vào sẽ khiến nhiều người không thích.

Vậy là không phải do ông và một số cán bộ thuế tại Chi cục thuế huyện Quế Võ có hành vi đe dọa, gây khó khăn, áp lực, quấy nhiễu, hách dịch, lợi dụng chức quyền tham nhũng dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải chuyển đi nơi khác kinh doanh, hoạt động cầm chừng và có nguy cơ phá sản... như nội dung đơn tố cáo?

Ông Nguyễn Văn Thịnh: Tôi khẳng định, cá nhân không hề có hành vi đe dọa doanh nghiệp theo như đơn tố cáo. Tôi về đây chẳng qua là do chỉ đạo của Cục trưởng chứ thực tình là tôi cũng không muốn về. Trước kia, tôi công tác tại Phòng quản lý Thuế thu nhập cá nhân của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh, làm với các doanh nghiệp đầu tư, kế toán họ quý tôi lắm. Tôi đã nói ở trên, năm 2016 có tới 72 doanh nghiệp có dấu hiệu làm ăn bất hợp pháp, buôn bán hóa đơn, có một số doanh nghiệp nợ thuế không trả, năm nay là mấy chục doanh nghiệp chứ không phải ít đâu. Chuyển đi bao nhiêu thì tôi không biết vì bộ phận kê khai người ta không báo cáo tôi mà họ báo cáo Chi cục trưởng. Nhưng nghe anh em kiểm tra có nói, có một số trường hợp chuyển đi các huyện có nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như công ty Sao Bắc họ chuyển đi không phải do chúng tôi. Bởi vì năm ngoái kiểm tra họ, có thu được nhiều đâu. Doanh nghiệp đấy họ cũng có sai phạm gì nhiều đâu. Nhưng doanh nghiệp đó họ nâng vốn tiểu ngạch lên hai chục tỷ, Cục có văn bản trả lời công ty Sao Bắc là vốn điều lệ trên hai mươi tỷ thì chi cục thuế bọn tôi không được quản lý nữa. Một số đối tượng họ chuyển đi vì lý do gì tôi không biết vì chỗ bộ phận khác phụ trách.

Cán bộ thuế có mượn danh sếp để đe dọa, gây khó khăn cho doanh nghiệp?

Ông khẳng định mình không có đe dọa, gây khó khăn, áp lực, quấy nhiễu, hách dịch... doanh nghiệp nhưng ông có đảm bảo cán bộ dưới quyền họ cũng làm như ông không? Trong trường hợp họ xuống cơ sở mượn danh ông thì thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thịnh: Đơn thì không biết ai gửi, các đơn đều nặc danh cả. Tôi cũng ngồi nói chuyện với các anh em, không biết là nội bộ hay là bên ngoài gửi đơn. Trong đơn có những dữ liệu ngành tương đối chính xác. Ở huyện nào, tỉnh nào chả có chuyện doanh nghiệp chuyển đi nơi khác bởi đây là sự biến động bình thường, tôi cũng không quan tâm nhiều chuyện đó. Còn việc cấp dưới có mượn danh tôi để có hành vi nọ kia không thì tôi không thể biết được bởi họ đi ra ngoài, làm sao tôi biết được. Nhiều khi anh em đi làm bảo cái này tôi phải về báo cáo lãnh đạo.

Thưa ông, trong đơn tố cáo cũng đề cập đến một số thông tin liên quan tài sản cá nhân ông, ông giải thích thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Văn Thịnh: Theo nội dung tố cáo còn nói tôi có nhiều đất, nhà biệt thự, đi xe đẹp, tôi xin khẳng định hiện nay tôi chỉ có một ngôi nhà ống duy nhất được xây bằng gạch ba ta, vôi vữa đã cũ. Nói thật, biệt thự thì cả họ nhà tôi chưa ai có biệt thự nào. Về chiếc xe ô tô là tôi mượn của con gái, bởi vì lúc đó, tôi xin việc cho con gái làm kế toán ở công ty Hàn Quốc ở khu công nghiệp Yên Phong, đi lại cũng xa nên con tôi có đưa tiền cho tôi bảo mua hộ một chiếc xe “còi còi”. Tuy nhiên, sau đó, do công việc bận làm hết ngày này qua ngày khác nên con gái tôi không có thời gian đi thi bằng lái xe, vì vậy không đi được. Chính vì vậy, tôi sử dụng chiếc xe này và đi từ khi còn làm ở Cục Thuế cho đến khi về đây, chưa hề thay đổi một cái xe nào. Tôi cũng không có nhiều đất, chỉ có hai mảnh đất ở trong làng. Hiện nay, có mảnh vẫn là ao chưa được san nền. Số tiền mua 2 mảnh đất đó là tiền cả của gia đình tôi dành dụm mà ra.

Từng bị doanh nghiệp... gài quà?

Trụ sở Chi cục Thuế huyện Quế Võ.
Chi cục Thuế huyện Quế Võ.


Làm nhiệm vụ, chức trách như ông trong một lĩnh vực thuế, có bao giờ ông bị doanh nghiệp nào đó tặng quà không? Trong trường hợp doanh nghiệp tặng quà, ông xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thịnh: Tôi đã từ chối nhiều trường hợp mang quà cáp đến, thậm chí có người còn định gài tôi. Có trường hợp mang túi đồ đến nhà tôi, khi về thì để lại. Tôi bảo túi của chị thì chị cầm về. Bà ấy bảo để lại cho cháu nhưng tôi bảo cháu tôi không ăn, chị cầm về. Có doanh nghiệp còn bẫy tôi như khi trong thời gian tôi kiểm tra doanh nghiệp, vào thứ 7 có người điện cho tôi bảo có người gửi quà cho anh. Một lát sau thì có người đi xe đến đèo đồ rất cồng kềnh đằng sau.

Họ bảo tôi có người gửi cho anh bức tranh đồng, tôi bảo tôi không mua tranh đồng của ai cả. Tôi từ chối, họ bảo cho gửi nhờ, tôi nhất quyết không đồng ý. Về sau, tôi hỏi doanh nghiệp mà tôi đang kiểm tra có phải anh cho người mang tranh đồng đến không thì người này thừa nhận. Vụ đấy tôi cũng xử lý hàng trăm triệu tiền thuế. Họ còn dùng những thủ đoạn như thế, may mà tôi rất cảnh giác.

Nguồn tin: Kiến Thức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây