Bởi lẽ, trong dự thảo nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô, do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, không có nội dung quy định trên với các nhà nhập khẩu ô tô.
Cụ thể, theo dự thảo này, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu; chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô khi bị lỗi kỹ thuật, vi phạm quy định, quy chuẩn và chi trả chi phí cho việc triệu hồi... Nếu đáp ứng được những điều kiện này, doanh nghiệp, thương nhân sẽ được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu ô tô.
Ảnh minh họa
Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua thì việc nhập khẩu ô tô, đặc biệt là loại ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ không còn khó khăn nữa đối với các thương nhân muốn tham gia lĩnh vực này. Bởi các điều kiện trên theo một số ý kiến của nhà kinh doanh ô tô là không khó.
Cái khó nhất lâu nay đối với họ là khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Quy định này có trong Thông tư 20/2011/TT-BTC, và mới đây, vào ngày 9-3-2017, mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nhưng cũng giữ nguyên điều kiện này đối với các thương nhân, doanh nghiệp muốn nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Sau khi Thông tư 20/2011/TT-BTC ra đời, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính thức cho rằng họ không khó để chứng minh có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện, nhưng vẫn rơi vào tình trạng bế tắc, khốn đốn vì không thể có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó.
Bởi, các hãng sản xuất ô tô nước ngoài thường chỉ chọn một nhà phân phối sản phẩm tại nước khác.Do đó, sau hơn 6 năm áp dụng Thông tư 20, hàng loạt nhà kinh doanh ô tô nhập khẩu quy mô nhỏ đã lần lượt đóng cửa hoặc chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực khác.
Hiện nay, tại Việt Nam chỉ còn có hai hình thức kinh doanh ô tô nhập khẩu. Ngoài các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô như Trường Hải, Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam, Ford Việt Nam… có thêm chức năng nhập khẩu chính thức của các hãng xe, thì thị trường còn có các nhà nhập khẩu phân phối chính thức của các hãng xe như Subaru, Volkswagen, BMW, Audi, Porsche…
Dự thảo nghị định trên không yêu cầu doanh nghiệp muốn nhập khẩu ô tô cần có Giấy ủy quyền chính hãng về phân phối xe tại Việt Nam như quy định tại Thông tư 20 trước đây nữa.
Để được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp chỉ cần nộp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và tài liệu chứng minh có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng quy định.
Điểm đáng chú ý là dự thảo nghị định cũng không ràng buộc doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải là chủ sở hữu cơ sở bảo hành bảo dưỡng hoàn toàn mà còn áp dụng ở 2 phương án khác là chỉ cần sở hữu tối thiểu 30% của doanh nghiệp hoặc có thể ký hợp đồng thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng đã bắt đầu tỏ ra lo ngại trước quy định của dự thảo này. Một số ý kiến cho rằng, nếu áp dụng quy định này thì quyền lợi người tiêu dùng khó đảm bảo khi bảo hành, bảo dưỡng, đặc biệt là vấn đề triệu hồi xe khi sự cố kỹ thuật xảy ra.
Ngoài ra, một số ý kiến còn lo ngại ô tô nhập khẩu không chính hãng sẽ ồ ạt vào Việt Nam và cạnh tranh về giá bán với các nhà nhập khẩu chính hãng độc quyền lâu nay. Đối với kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, dự thảo nghị định không bắt buộc áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhưng không cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở, ga-ra sửa chữa, bảo dưỡng ô tô nhỏ lẻ hiện nay tạm thời vẫn có thể yên tâm hoạt động.
Với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc nội dung điều chỉnh của nghị định, dự thảo chủ yếu bàn đến trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận, thu hồi giấy chứng nhận, kiểm tra, giám sát định kỳ...
Ngược lại với các nhà nhập khẩu, Dự thảo nghị định về điều kiện đối với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô có thể sẽ khắc khe hơn so với hiện nay. Cụ thể, theo dự thảo trên, ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất như nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp, dây chuyền hàn,...doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ phải thêm điều kiện quan trọng là có đường chạy thử dài tối thiểu 500m, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra được chất lượng của xe sản xuất, lắp ráp trước khi xuất xưởng. Hay doanh nghiệp phải có dây chuyền sơn tĩnh điện...,
Trong khi hiện nay, không phải doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nào cũng có đầu tư đường chạy thử dài tối thiểu 500 m hoặc có dây chuyền sơn tĩnh điện,...
Kể từ tháng 11/2016, kinh doanh ô tô được xếp vào các ngành kinh doanh có điều kiện và sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2017. Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến thời hạn thực thi, tức là ngoài các quy định về đăng kiểm, hồ sơ, giấy phép kinh doanh,.. các doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện mà cơ quan chức năng đưa ra mới được kinh doanh và dự thảo nghị định này sẽ quy định những điều kiện đó. |
Tác giả bài viết: Mai An (Tổng hợp)
Nguồn tin: antt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn