Đất nền 1 ngày 3 giá, Thành ủy TP.HCM vào cuộc chấn chỉnh

Thứ bảy - 20/05/2017 19:09
Tại TP.HCM, giá đất nền đang được đẩy lên chóng mặt. Củ Chi có ngày đất lên 3 giá, nhiều quận giá đất nền tăng 20 - 50% so với năm 2016. Thành ủy TP.HCM đã phải vào cuộc và đề ra nhiều giải pháp chấn chỉnh.
Cò đất
Cò đất

 

 

Mọi sự phát triển của TP.HCM về kinh tế - xã hội, đô thị, hạ tầng là phải theo quy hoạch được duyệt chứ không phải phát triển tràn lan. Những quy hoạch chưa tổ chức thực hiện được thì có chính sách để đảm bảo cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch

                                                                                      Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang


Chiều 19-5, Thành ủy TP.HCM đã triệu tập cuộc họp mổ xẻ về tình hình sốt đất tại TP.HCM, do ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy, chủ trì. Nhiều nguyên nhân được đặt ra.

Đại diện UBND TP, các sở Xây dựng, Tài nguyên - môi trường, Quy hoạch - kiến trúc và lãnh đạo UBND một số quận, huyện có liên quan tham gia cuộc họp.

Một ngày: ba giá đất!

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Việt Dũng - phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi - cho biết từ khi có thông tin một công ty đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn thì giá đất của 8 xã giáp sông này nóng lên. Có ngày, đất lên ba giá.

Đỉnh điểm có lúc giá đất ở đạt 17 triệu đồng/m2, giá đất nông nghiệp 3 triệu đồng/m2. Số lượng giao dịch trong tháng 3, tháng 4-2017 tăng lên gấp đôi so với trước đó (với khoảng 20.000 hồ sơ chuyển nhượng).

Tại huyện Cần Giờ, số lượng giao dịch từ tháng 5-2016 đến tháng 5-2017 tăng gấp đôi so với cùng kỳ trước đó. Giá đất thị trường hiện đã tăng 1,5-3 lần so với năm 2016.

Ở các quận huyện khác, cả giá đất và số lượng giao dịch về đất đai trong những tháng đầu năm 2017 đều có xu hướng tăng. Nơi có giá đất tăng từ 20-40% như Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân, Q.2, Q.7, Q.9... Huyện Nhà Bè có giá đất tăng từ 20-50% so với năm ngoái.

Về nguyên nhân tăng giá đất, theo nhận định của UBND các quận huyện, một phần do các dự án đường giao thông, bệnh viện... do Nhà nước đầu tư đã khởi động hoặc đưa vào sử dụng.

Ông Trần Văn Dũng, phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, cho biết giá đất tại địa bàn quận này tăng khoảng 25% so với năm 2016, chủ yếu tăng giá ở phân khúc nền đất nhỏ, phù hợp với nhu cầu của đa số người dân và ở những vị trí gần các tuyến đường do Nhà nước đầu tư như Phạm Văn Đồng, các đường kết nối vào đường này.

Hiện quận đang triển khai bồi thường một số dự án (như tuyến đường vành đai 2) cũng làm giá đất của khu vực lân cận tăng lên.

Tại huyện Nhà Bè, giá đất những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 tăng cao nhưng sau đợt 30-4-2017 thì giá đất chững lại, chỉ cao hơn giá cùng kỳ năm ngoái khoảng 20%.

Ông Nguyễn Văn Lưu, bí thư Huyện ủy kiêm chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết việc tăng giá đất xảy ra ở những tuyến đường làm mới trên địa bàn huyện, và một phần do thông tin về việc huyện Nhà Bè sẽ thành quận.

Việc tăng giá đất chựng lại sau khi UBND TP thông tin rõ huyện Nhà Bè chưa đủ tiêu chí để thành quận.

Đại diện huyện Hóc Môn cho biết thông tin về việc huyện sẽ thành quận và các siêu dự án đã đẩy giá đất trên địa bàn huyện tăng từ 10-30%.

Thông tin UBND TP đề xuất xóa một số dự án “treo” trên địa bàn huyện này cùng với nghị định 01 năm 2017 (hướng dẫn Luật đất đai 2013) có hiệu lực cho phép lùi thời hạn hợp thức hóa việc mua bán nhà, đất bằng giấy tay cũng làm giá đất trên thị trường tăng.

Tuy nhiên, cũng như Nhà Bè, sau khi có thông tin chính thức huyện Hóc Môn chưa đủ tiêu chí lên quận thì giá chững lại.

Công khai thông tin về đất đai

Sau khi nghe đại diện UBND các quận huyện báo cáo tình hình thực tế, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa nhận định một số nguyên nhân làm giá đất tăng trong thời gian qua.

Theo đó, ngoài lý do như các quận nêu là hạ tầng có tốt hơn, thông tin dự án “treo” được gỡ bỏ, thì theo ông: “Việc giá đất tăng thời gian qua còn có tác động của những người trục lợi, thổi phồng sự tăng giá lên để kiếm lời”.

Để chấm dứt việc sốt giá đất ảo trên thị trường hiện nay, theo ông Khoa, các quận huyện phải làm tốt hơn việc công khai thông tin về kế hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch xây dựng của tất cả các quận huyện, phường xã.

“Chính quyền các địa phương phải vận dụng các biện pháp công khai để người dân có thể hiểu một cách chính xác nhất. Ví dụ như UBND TP từng chỉ đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc cùng UBND các quận huyện tạo ra một sản phẩm phần mềm có thể sử dụng được trên điện thoại thông minh.

Người dân không cần phải đến cơ quan chức năng mà vẫn có thể biết thông tin quy hoạch đến từng thửa đất một cách nhanh chóng, chính xác. Đến cuối năm nay phải hoàn thành phần mềm này ở tất cả các quận huyện” - ông Khoa nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Khoa còn đề xuất một số biện pháp như: các quận huyện tăng cường quản lý về đất đai, không để tình trạng phân lô bán nền một cách tự phát. Các ngân hàng thương mại quản lý chế độ cho vay bất động sản đúng quy định.

Khi xem xét sửa đổi quyết định 33 về diện tích tối thiểu để tách thửa đất thì các cơ quan chức năng phải bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và ngăn chặn tình trạng trục lợi đầu cơ đất đai làm phá vỡ quy hoạch.

“Trong thực tế, nguồn cung cho thị trường bất động sản bảo đảm, không khan hiếm. Chỉ riêng phân khúc đất nền có sốt giá ảo là do có dấu hiệu đầu cơ trục lợi” - ông Khoa khẳng định.

Xử lý những người 
lừa đảo, “thổi giá”

Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang thông tin thêm rằng đến nay chưa có quy hoạch nào được duyệt về đô thị lấn biển 13km bờ biển của Cần Giờ. Hiện chưa có một pháp lý nào về dự án này. Ở xã Trung An (Củ Chi) chỉ có quy hoạch hồ điều tiết chứ không có dự án đô thị nào.

Ông Tất Thành Cang đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của UBND TP trong mấy ngày qua trong việc xử lý thông tin sốt đất, qua việc sửa đổi quyết định 33 về diện tích tối thiểu để tách thửa. Ông Cang cũng yêu cầu Văn phòng Thành ủy tham mưu văn bản chấn chỉnh việc phát ngôn của các đơn vị bảo đảm chính xác, thống nhất.

Phó bí thư thường trực Thành ủy cũng thống nhất cao với những phân tích của Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa về nguyên nhân và các biện pháp để chấn chỉnh cơn sốt đất ảo. Với việc công khai quy hoạch thì phải có sự thống nhất từ sở quản lý chuyên môn đến UBND các quận huyện, phường xã.

Đối với những xã vùng sâu, người dân không có điều kiện tiếp xúc nhiều với thông tin thì bí thư huyện, quận ủy có biện pháp cụ thể, có tổ công tác phối hợp cùng hội nông dân để tuyên truyền, giải thích cho người dân.

Ông Cang chỉ đạo Công an TP và công an các quận huyện bám sát tình hình, theo dõi, điều tra và xử lý theo quy định pháp luật đối với những “cò” đất có dấu hiệu lừa đảo, lừa gạt, “thổi giá” không đúng sự thật để trục lợi.

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây