Kinh doanh golf: 'Đút túi'... 1 tỷ/ngày

Thứ năm - 01/06/2017 19:03
(PL News) - Golf là môn thể thao được “đóng khung” dành riêng cho giới nhà giàu. Đầu tư, kinh doanh bộ môn này chắc chắn chi phí không nhỏ, nhưng các chủ sân sau đó, hàng ngày kiếm được bộn tiền.
Kinh doanh golf: 'Đút túi'... 1 tỷ/ngày

 


Cuối tuần, “hốt bạc”

Xuất hiện trên sân golf phần lớn là các doanh nhân. Ở đây, họ không chỉ được thu được những lợi ích về tinh thần, sức khỏe mà có khi còn có thêm nhiều mối quan hệ, từ đó thu được những lợi ích khó đong đếm về vật chất. Vì thế, câu chuyện phí dịch vụ trên sân nhiều khi không phải là chuyện lớn đối với các golf thủ.

Với đặc thù của đối tượng và thời gian chơi nên hầu như sân golf nào cũng có bảng phân chia giá thời điểm chơi vào ngày thường và cuối tuần phục vụ golf thủ. Theo những bảng báo giá hiện diện trên các website của các sân golf, giá cuối tuần và giá ngày thường chênh lệch lên tới... 200%. Thậm chí, có những sân golf bán loại thẻ một năm không có mục nào ưu tiên cho người chơi vào ngày cuối tuần. Điều này đồng nghĩa với việc, dù có là hội viên, vào những ngày cuối tuần, người chơi cũng được coi như khách vãng lai, phải trả chi phí đắt gần gấp đôi so với hội viên.

Cá biệt có những sân báo giá theo từng ngày, bắt đầu từ thứ 2, có nơi còn đề biển giá theo từng buổi chơi, sáng, trưa, chiều mỗi ngày - đều có mức giá khác nhau. Trong đó giá dành cho khách khác, cho hội viên các cấp cũng khác.

chơi golf, sân golf, thú chơi, nhà giàu

Chơi golf vào ngày thường khoảng1,5 triệu đồng/người, giá cuối tuần từ 2-3 triệu đồng/người


Ví dụ ở sân Đồng Mô (Hà Nội), cứ mỗi ngày sau thứ 2 sẽ cộng thêm 200.000 đồng tiền phí chơi; do vậy, đến ngày cuối tuần, giá chơi các loại hố đã tăng thêm khoảng 70 - 80% so với ngày đầu tuần.

Ngoài ra, ở tất cả các sân, ngoài tiền phí sân chơi (thường là trên 1 triệu vào ngày thường và khoảng từ 2-4 triệu vào cuối tuần, tùy từng sân), khách chơi golf thường phải trả thêm phí caddie và phí đặt caddie, có nơi còn bắt buộc khách phải thuê xe di chuyển của sân khi chơi ở những khu vực quy định (giá thường là 500.000 đồng/xe/buổi). Giá phí cho caddie (nhân viên phục vụ trên sân) cũng chênh lệch nhau khá nhiều, từ 300.000 - 900.000 đồng.

Cụ thể, ở miền Bắc, giá sân trung bình chơi vào ngày thường ở Đại Lải, Chí Linh, Long Biên… vào khoảng 1.700.000 đồng/lần chơi; thấp hơn một chút thì có sân Asean (Thạch Thất, Hà Nội), Flamengo (Vĩnh Phúc) rơi vào khoảng 800-850.000/lần chơi. Cao cấp hơn (với giá dao động trên 2 triệu/lần) là FLC Sầm Sơn, Phoenix (ở Hòa Bình), Sky Lake (Chương Mỹ, Hà Nội), BRG Kings (giới chơi golf vẫn quen gọi là sân Đồng Mô, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có giá 3.300.000 đồng/lần chơi.

Cũng theo bảng tính này, vào ngày cuối tuần, giá sân trung bình rơi vào khoảng 2.500.000 đồng/lần chơi; cao cấp hơn sẽ ở mức tiệm cận 3.000.000 đồng/lần chơi và cao cấp nhất sẽ lên tới 4.400.000/lần chơi (sân Đồng Mô). Ở miền Trung, giá chơi golf dao động cũng lớn như miền Bắc và tùy theo việc golf thủ có thẻ hội viên hay không. Cụ thể, giá dành cho khách dao động từ 1.300.000 đồng/lần chơi (sân Cửa Lò) đến 2.900.000 đồng/lần chơi (sân Đà Nẵng) vào ngày trong tuần, cuối tuần sẽ từ 1.800.000 - 4.300.000/lần chơi. Giá cả các sân golf ở miền Nam không chênh lệch quá nhiều, lại khá thấp so với miền Bắc, chỉ ở mức từ 1.000.000 - 1.800.000 đồng/lần chơi dành cho khách chơi trong những ngày trong tuần; ngày cuối tuần từ 1,6 - 2,8 triệu.

Cao cấp như sân golf Long Thành cũng chỉ ở mức 2,9 triệu dành cho khách chơi cuối tuần, 2,2 triệu dành cho hội viên chơi ở sân 36 lỗ (sân có mức giá cao nhất). Tuy nhiên, sân Bluss Hồ Tràm (Bà Rịa Vũng Tàu) lại có giá vượt lên khá cao so với mức chơi trung bình ở miền Nam. Đặc biệt, sân golf này không công khai cụ thể giá trên website nhưng theo nhiều nguồn tin, giá với khách vãng lai chơi ở Hồ Tràm luôn ở mức hơn 4 triệu/lần; còn giá hội viên thì sẽ tùy từng trường hợp, không có giá cố định.

Có khi “đút túi”... 1 tỷ/ngày

Với giá cả và chi phí nêu ở trên, nhiều tính toán cho thấy, với mỗi một người chơi golf, chi phí trung bình cho một năm có thể lên tới 200 triệu đồng. Một chuyên gia chuyên huấn luyện cho các golf thủ cho biết, giá chơi golf ở thế giới không đắt như ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, hiện Việt Nam đang có khá nhiều sân tập với mức giá khá hợp lý. Và vị này nhấn mạnh, Việt Nam nên xây dựng nhiều sân golf công cộng để phát triển phong trào hơn là đầu tư những sân golf riêng với mức giá luôn cao “ngất ngưởng”.

Theo tiết lộ của một nhân viên chuyên tháp tùng một giám đốc đến các sân chơi golf thì có những ngày cuối tuần, một sân golf có thể đón khoảng 500 - 700 golf thủ cùng chơi, có thời điểm không thể đặt được sân do quá tải.

Như vậy, nếu tính theo ngày, trung bình một ngày một trận, giá ngày thường dao động khoảng 1,5 triệu/người, giá cuối tuần trung bình khoảng 2-3 triệu/trận/golfer, thì số thu nhập mà những ông chủ sân golf thu được có thể lên tới 1 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra, doanh thu từ các dịch vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn, bán dụng cụ và quần áo chơi golf..., sẽ góp cho chủ đầu tư một lượng thu nhập không nhỏ.

Tuy đã có thu nhập khá lớn từ phí sân chơi vào cuối tuần nhưng các chủ đầu tư sân golf còn có một nguồn thu nhập khá lớn khác đến từ việc kinh doanhthẻ hội viên, mà mỗi thẻ bán ra có thể lên tới 1-2 tỷ đồng.

Nguồn tin: (Theo Pháp luật Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây