Khi mới về Việt Nam, iPhone 7 được chào bán với giá 25 triệu đồng cho bản dung lượng thấp nhất (32 GB). 9 tháng sau, chiếc iPhone 7 rẻ nhất người dùng có thể mua trị giá 9 triệu đồng.
Tất nhiên, phép tính này không hoàn toàn chính xác vì iPhone 7 thời điểm mới về Việt Nam được bị thổi giá ảo, cũng là hàng mới 100%, nguyên hộp trong khi với số tiền 9 triệu đồng hiện nay, người dùng chỉ có thể mua máy khóa mạng (còn gọi là máy lock), không đi kèm phụ kiện theo máy.
Tuy nhiên, 9 triệu đồng cho một siêu phẩm di động mạnh mẽ nhất của Apple – cũng là một trong 3 smartphone mạnh nhất thế giới (theo thang điểm hiệu năng của Antutu Benchmark) – là điều không nhiều người dám nghĩ đến trước đó.
iPhone 7 sụt giá chưa từng có
Khoảng 3 tuần trước, iPhone 7 khóa mạng 32 GB vẫn có giá xấp xỉ 10 triệu đồng. Tuy nhiên trong ít ngày qua, giá bán của máy nhanh chóng tụt xuống mức 9 triệu đồng. Nếu mua máy qua các chợ giao dịch trên mạng, giá bán có thể còn tốt hơn.
Ở thời điểm còn ít nhất 3 tháng trước khi iPhone 8 ra mắt (theo tin đồn), đây được xem là mức giá thấp nhất từ trước đến nay cho một chiếc iPhone đời cao cấp nhất ở Việt Nam. 8-9 triệu thường là mức giá người ta hình dung về những chiếc di động Android cao cấp đời cũ, chẳng hạn Galaxy S7 edge, ít ai nghĩ rằng đó là giá bán iPhone 7.
"Đây là mức giá sốc nếu so với các đời iPhone trước đây nhưng lại phù hợp với diễn biến thị trường hiện tại", Tuấn Anh - chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh iPhone, iPad tại Hà Nội nói.
Thực tế, giá iPhone 7 phiên bản mới 100% vẫn duy trì ở mức 14,7 triệu đồng cho bản 32 GB trong vài tháng qua nhưng giá bán của máy qua sử dụng và máy khóa mạng lại liên tục sụt giảm. Nếu như bản 32 GB không đủ đáp ứng yêu cầu của người dùng, iPhone 7 khóa mạng 128 GB cũng có giá bán chỉ khoảng 10,5 triệu đồng, bản 256 GB là 11,5 triệu đồng.
Với máy qua sử dụng, iPhone 7 32 GB được bán với giá khoảng gần 12 triệu, thấp hơn gần 3 triệu đồng so với máy mới, bản 128 GB 14 triệu đồng. Trong khi đó, iPhone 7 Plus có giá bán không tốt như vậy khi người dùng phải bỏ ra khoảng 12,5 triệu cho máy khóa mạng 32 GB, 15 triệu cho máy quốc tế qua sử dụng.
Sức mua không cao
Mặc dù giá bán giảm mạnh nhưng theo các cửa hàng xách tay, sức mua iPhone 7 hiện tại không cao. “Doanh số iPhone 7 khóa mạng chậm, ngay cả khi giảm giá mạnh. Nguyên nhân một phần do tình trạng ảm đạm chung của thị trường vì không phải mùa cao điểm”, anh Tuấn Anh nhận định.
Thực tế, đó chỉ là một trong số rất nhiều nguyên nhân khiến iPhone 7 có sức mua thấp hiện nay. Có thể kể đến như việc tin đồn về iPhone 8 xuất hiện dày đặc khiến người dùng có tâm lý chờ đợi.
Ngoài ra, việc Galaxy S8, S8+ lên kệ hay sắp tới là sự xuất hiện của HTC U11, Xperia XZ Premium ở nhóm di động cao cấp cũng gây ảnh hưởng đến doanh số iPhone. So với sự nhàm chán với thiết kế lặp lại 3 năm liền của iPhone, những model đối thủ lại đang bứt phá mạnh mẽ.
Một nguyên nhân chủ chốt khác được các cửa hàng đưa ra là việc người dùng không có thói quen mua iPhone cao cấp bản khóa mạng hoặc qua sử dụng. “Thông thường khi đã chọn iPhone cao cấp, khách hàng có xu hướng mua máy mới 100%, ít chọn bản qua sử dụng, đặc biệt là máy khóa mạng vì một số bất cập của nó. iPhone lock hiện nay bán chạy nhất vẫn là các model từ 6S trở xuống”, Hoàng Dũng – một dân buôn iPhone khác chia sẻ.
Theo anh này, giá bán của iPhone 7 khóa mạng đã xuống mức đủ tốt để người dùng có thể cân nhắc mua (chênh đến 5-6 triệu đồng so với máy mới). Tuy vậy, vẫn cần chờ thêm một thời gian để biết chắc chắn xem sức mua của người dùng có tăng lên hay không bởi bản thân iPhone hàng xách tay đang bị chèn ép khá nhiều về thị phần.
iPhone xách tay đang dần nhường đất cho hàng chính hãng
Có một thực tế là việc kinh doanh iPhone xách tay đang ngày một khó khăn hơn tại Việt Nam. Sức bán giảm sút, cạnh tranh khốc liệt dẫn đến việc nhiều chủ hàng bắt đầu cảm thấy “ngạt thở” và nghĩ đến việc từ bỏ kinh doanh. “Từ ý nghĩ đến việc từ bỏ thực sự vẫn là một khoảng cách nhưng quả thực, kinh doanh điện thoại xách tay giờ đây không phải miếng bánh béo bở như 5 năm trước”, Trung Trí – người làm trong lĩnh vực này gần 10 năm nói.
Theo chia sẻ của một nhà bán lẻ lớn, tỷ lệ iPhone chính hãng/xách tay tại Việt Nam vẫn là 48/52, cho thấy máy xách tay vẫn thống trị thị trường. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng 3 con số mỗi năm của hàng chính hãng, việc iPhone xách tay bị tận diệt chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trong khoảng 2 năm qua, người ta thấy được sự tăng trưởng vũ bão của iPhone chính hãng. Các nhà bán lẻ lớn cũng tỏ ra đặc biệt coi trọng mặt hàng này bằng cách tổ chức hàng loạt chương trình giới thiệu sản phẩm, bán hàng rầm rộ.
Nếu như trước đây, iPhone chính hãng luôn trong tình trạng khan hàng, về nước chậm thì hiện nay chỉ có chuyện người dùng thiếu tiền để mua máy chứ không còn tình trạng khan hàng.
Về vấn đề giá bán, mức chênh giữa hàng chính hãng và xách tay vẫn lớn. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ chính hãng lại liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, có khi lên đến 2-3 triệu đồng/model để xóa nhòa khoảng cách này. Hiện tại, họ trở thành đại lý cấp một, nhập khẩu trực tiếp sản phẩm từ Apple nên được hưởng nhiều ưu đãi và chính sách tốt từ phía hãng nên sẵn sàng đưa ra những chương trình bán hàng hấp dẫn chưa từng có trước nay.
Trước sức tấn công mạnh mẽ của hàng chính hãng, phía cửa hàng xách tay có vẻ chưa tìm ra phương thức cạnh tranh thực sự hữu hiệu nào. Giảm giá, chăm sóc khách hàng tốt hơn, bảo hành chất lượng hơn là những giải pháp được một số cửa hàng đưa ra.
Tuy nhiên, họ chỉ là số ít trong vô số các đơn vị kinh doanh di động xách tay, trong đó có không ít người sẵn sàng vì lợi nhuận mà bán hàng kém chất lượng, bảo hành cẩu thả, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, thậm chí đánh mất niềm tin của họ.
Nguồn tin: NLĐO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn