Hẩm hiu cà phê sang chảnh: Đại gia lỗ nặng, phá sản cả dây

Thứ tư - 24/05/2017 18:46
(PL News) - Cũng chung số phận với chuỗi ăn nhanh, nhiều chuỗi cà phê có thương hiệu quốc tế tới Việt Nam âm thầm đóng cửa rời bỏ thị trường. Những cốc cà phê một thời được cho là sang đã hết chảnh.
Hẩm hiu cà phê sang chảnh: Đại gia lỗ nặng, phá sản cả dây

 


Âm thầm rời bỏ thị trường

Chuỗi cà phê nổi tiếng đến từ Australia Gloria Jean’s Coffees đã đóng cửa hàng cuối cùng để nói lời “chia tay” với thị trường Việt Nam, sau hơn 10 năm gia nhập. Chuỗi cà phê này tới Việt Nam năm 2007, theo một giấy phép nhượng quyền thương mại được đảm bảo bởi VietLifestyle JSC. 

So với mức sống ở Việt Nam, đây là dòng sản phẩm thuộc kênh cao cấp và chỉ phát triển ở trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Sau khi kinh doanh chậm lại, thêm một địa điểm của chuỗi cà phê trên đường Đồng Khởi đóng cửa do giá thuê mặt bằng cao. Các địa điểm khác cũng dần biến mất như Công trường Quốc tế, Quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng, Q.7 (TP.HCM).

Cùng số phận với Gloria Jean’s Coffees, New York Dessert Café (NYDC), chuỗi cà phê và bánh ngọt đến từ Singapore đã lần lượt đóng cửa hàng, và địa điểm cuối cùng tại Metropolitan (TP.HCM) đã chấm dứt hoạt động. Vào Việt Nam và hoạt động chủ yếu tại TP. HCM, NYDC hướng tới đối tượng giới trẻ và dân văn phòng.

chuỗi cà phê, kinh doanh cà phê, cửa hàng, chuỗi cửa hàng, nhượng quyền, ẩm thực
Nhiều chuỗi cà phê sang chảnh đã đóng cửa rời bỏ thị trường


Năm 2009, Espressamente Illy - cùng với đối tác là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương, chính thức khai trương hệ thống nhà hàng Coffee - Bar Espressamente Illy tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thương hiệu cà phê ILLY nổi tiếng của Ý cũng bị phá sản khi chỉ kịp mở 2 cửa hàng cà phê.

Không riêng gì các tên tuổi quốc tế mà nhiều chuỗi cà phê thương hiệu Việt cũng có cái kết đáng buồn. Sau khi ra mắt và mở rộng chuỗi khá nhanh trong vòng một năm qua, đến nay, Saigon Cafe chỉ giữ lại cửa hai cửa hàng hiệu quả nhất để tái cơ cấu. Các cửa hàng của Saigon Cafe đều nằm ở vị trí đắc địa, mặt tiền phố lớn ở các quận trung tâm với diện tích rộng và đầu tư thiết kế công phu.

The KAfe do start-up trẻ Đào Chi Anh gây dựng, từng được xem là biểu tượng của start-up Việt khi huy động được tới 5,5 triệu USD từ một nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ sau ba năm hoạt động và hơn một năm nhận vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tháng 4 vừa qua, chuỗi cửa hàng The KAfe tại Hà Nội, TP.HCM liên tục đóng cửa hoặc bị sang nhượng cho đơn vị khác.

Hay như The Coffee Inn, chuỗi cà phê từng “làm mưa làm gió” một thời với trào lưu đồ uống đá xay (Ice Blended) tại Hà Nội đã đóng cửa quán cà phê thứ 3 của mình. The Coffee Inn đã đóng cửa hàng hot nhất tại Phan Chu Trinh, đồng thời chuỗi cafe từng đình đám một thời cũng đã trả lại mặt bằng các cửa hàng của mình.

The Coffee Inn được coi như một quán cà phê sang chảnh và rầm rộ ngay từ khi khai trương 2 cơ sở vào hồi năm 2013, với sự tham gia của một loạt hot girl, hot boy thời đó như Justa Tee, Emily, Tâm Tít,...

Áp lực cạnh tranh 

Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của các chuỗi cà phê được các chuyên gia phân tích là do sự cạnh tranh quá khốc liệt của các đối thủ như The Coffee House, Urban Station, Phuc Long, Trung Nguyen, Highlands cùng với các chuỗi thương hiệu quốc tế như Starbucks xuất hiện,...

Đất nước xuất khẩu cà phê hạt lớn thế giới đã trở thành thị trường mới cho các nhãn hiệu bán “phong cách uống cà phê”, “văn hóa cà phê”. Tất cả các thương hiệu này đều có sẵn những kế hoạch mở rộng chuỗi của mình một cách quyết liệt, không chỉ tại TP.HCM mà còn nhiều thành phố khác của Việt Nam.

chuỗi cà phê, kinh doanh cà phê, cửa hàng, chuỗi cửa hàng, nhượng quyền, ẩm thực
Trào lưu mới đã khiến cho các quán cà phê nhanh chóng vắng khách


Mặt bằng có giá cao ở 2 thành phố lớn trở thành bài toán khó đối với việc xây dựng các chuỗi cà phê. Đầu năm 2012, Gloria Jean’s Đồng Khởi đóng cửa. Nguyên nhân chính là do giá thuê mặt bằng đã bị đẩy lên quá cao so với khả năng kinh doanh. 

Một thành viên sáng lập ra chuỗi cửa hàng cho biết, phần lớn cửa hàng đều nằm tại những vị trí khá đẹp. Tuy nhiên, vị trí đẹp không đồng nghĩa với việc kinh doanh hiệu quả. Áp lực tiền thuê mặt bằng và chi phí vận hành, trong khi doanh thu không đủ bù đắp, chuỗi cà phê bắt đầu gặp khó.

Các chuyên gia F&B đều cho rằng, yếu tố quyết định tới thành công trong việc phát triển cà phê chuỗi chính là địa điểm, sản phẩm khác biệt và nghiên cứu thị trường cẩn thận.

Theo doanh nhân Hoàng Khải, Gloria Jean’s Coffees là thương hiệu nổi tiếng ở châu Á, nhưng phải rút khỏi Việt Nam do không biết cách thâm nhập vào một thị trường cà phê béo bở như Việt Nam.

Gloria Jean’s Coffees cũng đã không chịu đào sâu nghiên cứu thị trường với tính chất cạnh tranh khốc liệt ở mức độ cao. Ngoài ra, việc gia nhập thị trường mới còn mang tính chất may rủi, do thị trường quyết định chứ không phải cứ thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài mang vào Việt Nam là thành công.

Nguyễn Hà Linh, một chuyên gia trong ngành, đánh giá, thị trường theo trào lưu rất nhanh, và quên trào lưu cũng rất nhanh. Cái khó là tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững, chứ không phải chỉ dừng lại là mô hình kinh doanh tạo trào lưu.

Có thể nói, kinh doanh theo cà phê theo chuỗi không hề dễ dàng gì. Thị trường luôn có kẻ thắng người thua. Song, với lượng người uống cà phê tương đối, Việt Nam vẫn là đất nước nhiều tiềm năng, vẫn còn nhiều nhãn hiệu quốc tế nữa về ẩm thực nói chung và cà phê nói riêng, đang ngấp nghé muốn bước vào.

Tác giả bài viết: Duy Anh

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây