- Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ VH, TT - DL và UBND TP Đà Nẵng xem xét kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về Quy hoạch. Xin Phó Thủ tướng cho biết rõ hơn ý kiến của mình?
- Chính phủ luôn trân trọng các ý kiến góp ý, phản biện và giao cho các cơ quan theo đúng chức năng, thẩm quyền xem xét với tinh thần cầu thị.
Thực tế có rất nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng và không ít các văn bản, kể cả Nghị định của Chính phủ đã được điều chỉnh, bổ sung nhờ có các ý kiến như vậy. Tất nhiên việc xem xét cũng phải rất khoa học, đúng quy định.
Ảnh: Trung Thành
- Như vậy là không có chuyện Quy hoạch đã được xây dựng, thẩm định, phê duyệt đúng quy trình rồi thì không điều chỉnh?
- Tất nhiên là không. Như tôi vừa nói, không ít văn bản, kể cả Nghị định của Chính phủ đã được bổ sung, điều chỉnh nhờ tiếp thu các ý kiến phản biện, đóng góp. Những văn bản đó thì khi ban hành cũng đúng quy trình!
- Như thế có thể hiểu là Quy hoạch sẽ được điều chỉnh?
- Thủ tướng đã giao Bộ VH, TT - DL và Đà Nẵng xem xét các kiến nghị này. Chắc chắn là Bộ và Đà Nẵng sẽ phải làm việc với nhau và với các cơ quan, chuyên gia để xem xét vấn đề một cách thấu đáo và phải báo cáo Thủ tướng.
Nếu thấy cần điều chỉnh quy hoạch thì Bộ VH, TT - DL sẽ hoàn thiện thủ tục trình điều chỉnh.
- Xin Phó Thủ tướng cho biết nếu Bộ VH, TT - DL và Đà Nẵng đề nghị điều chỉnh Quy hoạch thì Phó Thủ tướng có ký ngay không?
- Nếu điều chỉnh theo hướng giảm quy mô xây dựng, tăng bảo vệ rừng, môi trường sinh thái thì tôi sẽ đồng ý. Ngược lại thì chắc chắn là không. Tất nhiên là phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
- Có ý kiến cho rằng Quy hoạch này hợp thức hóa các dự án đã được Đà Nẵng cấp phép và có câu chuyện “lợi ích nhóm để bê tông hóa Sơn Trà” ở đây, thưa Phó Thủ tướng?
- Trước khi tiến hành lập quy hoạch thì đã có nhiều dự án được Đà Nẵng chấp thuận chủ trương, phê duyệt với số phòng lưu trú trên 5.000 phòng. Có khách sạn đã hoạt động, có công trình đang dở dang. Quy hoạch này đã giảm hơn 2/3 số phòng.
Đây cũng là cả một quá trình. Lúc đầu chỉ giảm xuống được còn hơn 3.000 nghìn phòng. Sau đó Hội đồng Thẩm định yêu cầu phải giảm xuống còn khoảng 1.600 phòng.
KTS Hoàng Đạo Cầm - Chủ nhiệm Đề án Quy hoạch Du lịch Sơn Trà: Không thể nhầm lẫn khái niệm diện tích Khu Du lịch Quốc gia là phạm vi quy hoạch với diện tích xây dựng.
Trong phạm vi 1056 ha của QH thì diện tích xây dựng các cơ sở du lịch, kể cả công trình phụ trợ trợ chỉ khoảng 12 ha.
Hơn nữa, xây ở chỗ nào cũng phải có dự án đầu tư xây dựng, phải tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, đất đai và bảo vệ môi trường...
Giả sử số phòng trong quy hoạch bằng số phòng các khách sạn, khu du lịch đã hoàn thành thì chắc vẫn có câu hỏi này vì cho rằng quy hoạch chỉ có lợi cho những cơ sở đã hoàn thành.
Còn giả sử không có bản Quy hoạch thì chắc sẽ không còn câu hỏi này nữa vì đương nhiên là tất cả các dự án đã cấp phép đều tiếp tục “bình thường” và cũng không loại trừ sẽ có thêm các dự án mới?
- Phó Thủ tướng nhìn nhận thế nào khi có ý kiến phản ứng gay gắt, cho rằng quy hoạch đã cắt mất 1.056 ha rừng và đã vi phạm điều 30 Luật Đầu tư?
- Khi trình quy hoạch này các Bộ và VPCP đều báo cáo là đúng quy định của Luật. Vừa qua, tôi đã yêu cầu Bộ Tư pháp kiểm tra lại. Bộ Tư pháp cũng khẳng định là Quy hoạch được ký đúng thẩm quyền và không sai Luật.
Nói rằng QH Du lịch “cắt mất” hoặc “cắt đi” 1.056 ha rừng thì không thật chính xác. 1.056ha là diện tích của cả Khu Du lịch Quốc gia được quy hoạch.
Khu Du lịch Quốc gia có quy mô 1.056ha không có nghĩa là 1.056ha rừng bị mất, bị phá để xây dựng. Diện tích xây dựng chỉ vài phần trăm.
Điều 30 Luật Đầu tư quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư. Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà không phải là Dự án đầu tư.
Đương nhiên là mọi dự án đầu tư, bao gồm các dự án trong Khu Du lịch Quốc gia đều phải tuân thủ Điều 30 của Luật Đầu tư.
Theo Luật Du lịch thì các khu du lịch quốc gia có diện tích trên 1.000 ha và Quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia do Bộ VH, TT - DL lập, trình Thủ tướng phê duyệt.
- Qua nghe ý kiến của Phó Thủ tướng thì một vấn đề rất đáng quan tâm và đáng tiếc lại là công tác thông tin.
Dường như không có ý kiến chính thức nào đưa ra để công luận hiểu đầy đủ về sự việc? Thậm chí một số phát ngôn của cá nhân lãnh đạo một số cơ quan còn gây bức xúc.
Theo Phó Thủ tướng thì chúng ta cần rút kinh nghiệm gì?
- Bạn nói rất đúng về trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước. Cũng vì vậy mà tôi đã phải ghi rõ yêu cầu Bộ VH, TT - DL và thành phố Đà Nẵng phải thông tin đầy đủ cho công luận.
- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Nguồn tin: Đại biểu nhân dân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn