"Đừng bao giờ ham hố cái này nhé !"

Thứ sáu - 23/03/2018 04:28
(Trithuctre) - Ông Phạm Thế Duyệt kể rằng, hồi Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn sống, đến nhà ông chơi, khi đó có ông Phan Văn Khải, lấy tay vỗ vỗ vào thành ghế bảo: "Đừng bao giờ ham hố cái này nhé".
"Đừng bao giờ ham hố cái này nhé !"

 

TIN TỐT LÀNH 23/3: 2.000 đô la, 30.000 đồng, bức thư tay và nỗi buồn của công dân Phan Văn Khải

Ông Phạm Thế Duyệt kể rằng, hồi Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn sống, đến nhà ông chơi, khi đó có ông Phan Văn Khải, lấy tay vỗ vỗ vào thành ghế bảo: "Đừng bao giờ ham hố cái này nhé".

Ông Sáu Khải đã làm đúng như thế. Ông bình thản từ nhiệm sớm một năm, khi đã gây dựng được một vốn liếng không nhỏ về kinh tế và ngoại giao.(đọc tin chính)

Một người không ham hố cái ghế như ông Sáu Khải, khi về hưu mới có thể ngồi một cách thoải mái, vô ưu trên chiếc ghế cắt tóc mà nông dân quê ông thường ngồi; mới có thể vui vẻ để trao mái tóc của mình cho anh thợ vườn vẫn run run vì vinh dự, với giá 30.000 đồng một lần hớt.

Một người không ham hố cái ghế, mới có thể quyết liệt từ chối những thứ bổng lộc xoay xung quanh cái ghế quyền lực của người đứng đầu Chính phủ.

Ông Trần Đức Nguyên, Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, kể rằng có người biếu ông Khải một cây thuốc thơm, và giấu trong đó 2.000 đô la – một số tiền rất lớn lúc bấy giờ.

Một doanh nhân khác, dịp Tết cũng đem phong bì biếu Thủ tướng. Cả hai người này đều bị Thủ tướng cảnh cáo công khai và nghiêm khắc. (đọc tin chính)

Ông Sáu Khải có một tật xấu là nghiện thuốc. Một người bạn của con trai ông kể rằng, khi về hưu nhu cầu của ông già Nam Bộ đậm đặc ấy gần như chẳng có gì ngoài điếu thuốc.

Cách sống ấy đã mặc nhiên miễn dịch với những thứ xa hoa, phè phỡn, kim tiền.

Không ít người đương chức là nô lệ, là tay sai của cái ghế. Không ít người kể cả khi đã về hưu rồi vẫn mượn hào quang quá khứ của cái ghế để tư lợi. Ông Sáu Khải rất dị ứng với điều đó.

Một giám đốc doanh nghiệp, là đứa cháu thân thiết với gia đình "chú Khải" từ xưa, kể rằng khi ông Phan Văn Khải về hưu, có nhiều người bạn anh làm lãnh đạo các ngân hàng, công ty tài chính đến nhờ nguyên Thủ tướng tư vấn các vấn đề, liền bị ông phủ đầu: "Hiện chú đã nghỉ hưu, là một người bình thường, nên không thể can thiệp vào bất cứ việc gì như kiểu chạy chọt được đâu nhé". (đọc tin chính)

Cả đời làm lãnh đạo, ông Sáu Khải không nhờ vả chạy chọt điều gì, chỉ có duy nhất một lần ông viết thư tay đến ông Trần Đức Lương để nhờ cậy. Nhưng lại không nhờ cậy cho mình và người thân của mình.

Ông nhờ cậy cho một người không thân thích ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Lá thư nhờ cậy hiếm hoi đó đã mang lại ánh sáng cho cả một vùng. (đọc tin chính)

Dù có một sự nghiệp thành công lớn, ông Sáu Khải vẫn có những nổi buồn sâu thẳm. Đó là nỗi buồn về người con gái bị bệnh từ nhỏ. Đó là nỗi buồn của một vị Thủ tướng chưa khiến cho tất cả bộ máy một lòng một dạ phục vụ dân.

Khi đứng xếp hàng như bao công dân bình thường khác để làm giấy khai sinh cho cháu ngoại, công dân Phan Văn Khải đã bị một cán bộ phường hách dịch nạt nộ, vì không nhận ra ông.

Lúc ấy, ông không cáu giận, nhưng buồn. Nỗi buồn ấy đã được ông kể cho người bạn là Nguyễn Đình Hương (Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Đảng): "Lúc còn làm Thủ tướng, tôi có lẽ là ông Thủ tướng quan liêu, nên đã không hiểu được nhiều chuyện.

Về hưu rồi mới biết cán bộ ở địa phương còn hách dịch, khó khăn với dân mình nhiều lắm…". (đọc tin chính)

Ngay cả nỗi buồn đó của ông cũng thật đẹp, vì nó vẫn đau đáu sự trăn trở cho đất nước, dù rằng khi ấy, ông chỉ coi mình như một công dân bình thường, xếp hàng bình thường, chịu nạt nộ bình thường…

Hôm nay, trong phiên tòa xử ông Đinh La Thăng, một người nói nhiều, làm nhiều, ông Thăng ngậm ngùi: "Với bản cáo trạng như vậy, chắc chắn bị cáo không còn đủ thời gian, vật chất cần thiết để thực hiện xong bản án tòa tuyên". (đọc tin chính)

Nếu ông Thăng và những người đã từng ngồi ở ghế cao biết tránh xa những "ham hố" quyền lực như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: biết sống giản dị, vì dân, thì đâu phải lo nỗi lo "không còn đủ thời gian, vật chất cần thiết".

Những người tận hiến cho đất nước ấy luôn "sống lâu" hơn rất nhiều tuổi thọ hữu hạn của họ. Hạnh phúc của nhân dân, sự thịnh vượng của đất nước chính là sự tiếp nối cuộc sống của một con người, kể cả khi họ đã nằm xuống như ông Sáu Khải.

Trong cái buồn của sự chia ly mấy ngày hôm nay, vẫn thắp lên những bài học rất tốt lành và bài học cảnh tỉnh quý giá cho những người ở lại.

Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây