Trịnh Xuân Thanh có thể được giảm nhẹ nếu thành khẩn, khắc phục hậu quả...
Bộ Công an cho biết, ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú. Sau đó, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.
Trước đó, tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 3/2017, sau khi xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi Tham ô tài sản với Trịnh Xuân Thanh.
Liên quan đến việc này, nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi việc bị can Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú thì có được hưởng sự khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?
Theo luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Hà Nội), tại Điều 46 của Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nhưng không có quy định về tình tiết đầu thú.
Luật sư Dũng cho hay, trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự định khung chỉ có quy định "người phạm tội tự thú".
"Tự thú" nghĩa là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội.
Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú.
Còn "đầu thú" là có người đã biết mình phạm tội, biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện.
Ảnh: Báo Công an nhân dân.
"Trường hợp như Trịnh Xuân Thanh đã bị Cơ quan CSĐT, Bộ Công an khởi tố bị can, bị truy nã quốc tế, gần một năm sau mới ra trình diện như vậy là đầu thú", luật sư Dũng phân tích.
Vị luật sư này cũng khẳng định, đầu thú không được quy định là tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự, nhưng tại Công văn số 81/2002 của Toà án nhân dân Tối cao thì có hướng dẫn.
"Cụ thể, nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội, người phạm tội biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng Khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Nếu so sánh thì tự thú có giá trị lớn hơn nhiều trong việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với đầu thú", luật sư Dũng nêu rõ.
Còn luật sư Nguyễn Công Thành (Hà Nội) cũng chỉ rõ, vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đang trong quá trình điều tra, chưa thể khẳng định các bị can phạm vào tội gì và có những tình tiết nào để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, có thể thấy trường hợp như Trịnh Xuân Thanh ngoài tình tiết giảm nhẹ là đầu thú thì quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu bị can này thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; lập công chuộc tội; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả… thì có thể tạo được tình tiết giảm nhẹ.
"Khi người phạm tội có được 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự Tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật", luật sư Thành nêu rõ.
Có thể bị tử hình?
Theo các luật sư, Trịnh Xuân Thanh đang bị điều tra về hai tội là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng và Tham ô tài sản.
Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có khung phạt cao nhất 20 năm tù. Còn tội Tham ô tài sản khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Nếu trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định Trịnh Xuân Tham phạm tội Tham ô tài sản, tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy tố theo Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Đào Trọng Hoàn (Hưng Yên) cho hay, trong Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng thẩm phán có hướng dẫn áp dụng quy định một số quy định của các điều luật, trong đó có Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, người phạm tội tham ô tài sản ở vào mức phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn...đến mức tối đa).
Nguồn tin: Tri Thức Trẻ/ Soha.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn