Giáo viên không bị bắt buộc viết sáng kiến kinh nghiệm, mơ ước đã thành sự thật!

Thứ năm - 03/08/2017 04:46
(Phapluat News) - Vàng, thau lẫn lộn, sao chép, xin xỏ để lừa dối nhau. Người viết thật thì trượt, người sao chép thì thi đỗ đã tạo nên vô vàn những lời thị phi và sự chán ngán.
Giáo viên không bị bắt buộc viết sáng kiến kinh nghiệm, mơ ước đã thành sự thật!

 

LTS: Từng gắn bó nhiều năm với sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Nguyễn Cao đã có viết rất nhiều bài viết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh những bất cập về yêu cầu giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm.

Nghị định 88/NĐ-CP vừa ra đời đã không còn yêu cầu giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm, thầy Nguyễn Cao có bài chia sẻ niềm vui với các đồng nghiệp trên cả nước.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này.

Mấy năm nay, cụm từ Sáng kiến kinh nghiệm đã trở thành nỗi ám ảnh của giáo viên nói riêng và cán bộ, công - viên chức nói chung. 

Bởi, không có Sáng kiến kinh nghiệm sẽ không được xếp xếp loại cuối năm từ “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên. Vì thế, tất cả cán bộ, công, viên chức nhà nước đều phải viết Sáng kiến kinh nghiệm. Hiệu quả chẳng thấy đâu, chỉ thấy lãng phí thời gian, công của của nhà nước và người lao động.

Hình ảnh minh họa việc các giáo viên phải khổ sở viết Sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh: giaoduc.net.vn)


Ngành giáo dục hiện nay có hơn 1 triệu giáo viên cũng đồng nghĩa với chừng đó Sáng kiến kinh nghiệm mỗi năm. Giáo viên thực hiện cũng khổ mà người chấm cũng chẳng sung sướng gì.

Vàng, thau lẫn lộn, sao chép, xin xỏ để lừa dối nhau. Người viết thật thì trượt, người sao chép thì thi đỗ đã tạo nên vô vàn những lời thị phi, sự chán ngán và lãng phí tiền của đến vô cùng.

Sự lãng phí không chỉ ở tiền khen thưởng người đạt giải, mà từ chỗ đạt giải để xét các danh hiệu thi đua lại thêm một khoản tiền lớn nữa để khen thưởng. Rồi, tiền chấm từ cấp cơ sở trở lên, mỗi Sáng kiến kinh nghiệm phải vài trăm nghìn đồng.

Trong ma trận tiền phải chi đó, ngân sách nhà nước phải chi trả mà hiệu quả công tác cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu. Tất cả chỉ là những con số, những “hiệu quả” nằm trên giấy mà người viết cố tình “sáng tạo” để làm đẹp cho mỗi đề tài do mình thực hiện.

Giờ đây, khi mà Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2017/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức khiến bản thân chúng tôi vô cùng phấn khởi và mừng rỡ. 

Cái vui mừng này có lẽ cũng là niềm vui chung của hàng triệu giáo viên đang đứng lớp. Từ nay, giáo viên chúng tôi không phải canh cánh nỗi lo cứ vào đầu năm học phải đăng kí, rồi thực hiện viết Sáng kiến kinh nghiệm để rồi chờ đợi kết quả suốt cả năm học. 

Những hi vọng, thất vọng luôn mong manh, hiện hữu từ năm này sang năm khác bởi sự minh bạch, công tâm không phải người chấm nào cũng có được.

Đối với giáo viên được quy thành ngạch “viên chức” và theo Chương IV, Nghị định 56 của Chính phủ Ban hành ngày 09/6/2015 trước đây thì việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được xếp thành 4 loại: xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành. 

Bộ Giáo dục chính thức không bắt buộc giáo viên làm sáng kiến kinh nghiệm

Nếu muốn đạt được 3 mức đầu thì bắt buộc phải đạt được yêu cầu của “điểm đ” Điều 25 là “có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”. 

Vì thế, chẳng ai muốn mình không hoàn thành nhiệm vụ nên rồi ai cũng phải viết một Sáng kiến kinh nghiệm. Phần lớn là viết (hoặc sao chép, xin người khác, thậm chí có người mua bán) để đối phó chứ năm nào cũng phải viết Sáng kiến kinh nghiệm thì lấy đâu ra đề tài mà viết.

Nay, Nghị định số 88/2017/NĐ-CP chỉ yêu cầu người được xếp loại viên chức “xuất sắc” mới đạt được tiêu chí của “điểm đ”, các mức còn lại không yêu cầu thực hiện tiêu chí này.

Rõ ràng đây là một “sửa đổi” hợp lí của Chính phủ khi nhận thấy sự bất cập của một số điểm ở Nghị định 56 trước đây.

Trước thềm năm học mới, chắc chắn nhiều việc, nhiều kì vọng đang chờ đợi những đột phá của ngành và cả những tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo đối với ngành giáo dục.

Những gì không phù hợp cần thay đổi, chỉnh sửa để giảm áp lực cho người thầy. Và, rõ ràng việc không bắt buộc viết Sáng kiến kinh nghiệm của Nghị định 88/NĐ-CP lần này đã đáp ứng được mong mỏi và giảm được một áp lực rất lớn cho đội ngũ giáo viên.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao

Nguồn tin: GDVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây