Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016. Điều đáng nói là sau mỗi lần công bố, tỷ lệ chi phí không chính thức (phí “bôi trơn”) của doanh nghiệp (DN) không giảm bớt mà tăng qua các năm. Cụ thể, mức tăng từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015).
Riêng trong năm 2016, có khoảng 66% DN cho biết, thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12 – 15% so với giai đoạn 2008 – 2013. 9% – 11% DN tham gia điều tra từ năm 2014 – 2016 cho biết, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6 – 8% giai đoạn 5 năm trước đó.
Khoảng 25% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan nhà nước.
Đáng chú ý, trả lời câu hỏi khảo sát, có tới 88% DN cho biết ít nhiều đều gặp bất lợi khi từ chối chi tiền hoa hồng trong quá trình đấu thầu. Kết quả này cho thấy, “văn hóa chi trả hoa hồng” trong ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, phí “bôi trơn” giai đoạn 2014 – 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. Điều này là gánh nặng đè lên DN, khiến môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, tạo ra nhiều cơ hội cho nhũng nhiễu, tham nhũng.
Đồng thời, những con số được công bố cho thấy, nhiều tiêu cực tồn tại trong cơ quan công quyền, cơ quan quản lý Nhà nước. Phí “bôi trơn” làm giảm năng lực cạnh tranh của DN, làm xấu môi trường kinh doanh đầu tư. Các khoản chi “bôi trơn” làm nản lòng các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, giảm sức thu hút đầu tư của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung.
Các chuyên gia cho rằng, sỡ dĩ tình trạng này vẫn tồn tại là do lỗi của cả DN và cơ quan quản lý. Về phía cơ quan quản lý, do không kiểm soát được nên dẫn đến tình trạng một số công chức, viên chức biến chất lợi dụng kiếm tiền bằng phí “bôi trơn”. Nếu không có phí thì hồ sơ của DN sẽ bị “ngâm”, kéo dài hoặc bị hạch sách đủ điều…
Còn về phía DN thì muốn được việc, nên đa phần đành chịu chi tiền, bởi DN phải vay vốn kinh doanh nên lãi suất tính hàng ngày, nếu kéo dài thủ tục hành chính, thì tiền lãi có thể đội thêm cả tỷ đồng… Thậm chí, dù không bị cơ quan quản lý đòi hỏi, vòi vĩnh, nhưng nhiều DN vẫn tự động chi tiền.
Cho tới nay, nội dung có tỉ lệ trả lời cao nhất là các DN tin rằng hành vi này là phổ biến, “luật bất thành văn”, và 59% DN chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi.
Mục đích lớn nhất khi đưa hối lộ, với tỉ lệ gần 80% DN trả lời, là nhằm tạo lập mối quan hệ. DN chọn phương án này coi khoản chi này như một hợp đồng bảo hiểm, theo đó, một món quà nhỏ hôm nay có thể giúp họ giải quyết những vụ việc nảy sinh trong tương lai.
Sự phổ biến của hoạt động này chỉ ra mức độ nghiêm trọng của tham nhũng ở Việt Nam, minh họa mức độ khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng. Hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức thậm chí hai bên cũng không cần phải trao đổi với nhau.
“Chỉ mặt, đặt tên”
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) kể lại, trong một lần đi giảng, có một nữ giám đốc, chủ hai khách sạn nhỏ ở Hà Nội đã đưa ông xem thiệp chúc mừng năm mới của một cơ quan nhưng kèm theo đó lại là đề nghị chủ khách sạn phải mừng tuổi theo danh sách 35 cán bộ viên chức của cơ quan trên. Một lần khác, ông đi công tác đến một tỉnh thì được Chủ tịch huyện mời ăn tối. Đến 22h30 tối thì ông Chủ tịch gọi điện các DN và “nhờ thanh toán”.
Chưa kể, còn có những câu chuyện khác như mùa hè, lãnh đạo, công chức nhà nước “đòi” các DN phải đóng góp cho cán bộ nhân viên đi nghỉ hè, đi khảo sát nước ngoài… TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Đó là tham nhũng”, và chỉ ra rằng, trong cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh thì cần nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương. Đặc biệt, phải có quy định nghiêm cấm công chức đòi hỏi DN “cõng” chi phí thêm.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, những khoản chi phí không chính thức của DN đang là nguyên nhân khiến cho DN càng ngày càng có xu hướng li ti hóa, kém sức cạnh tranh.
“DN chỉ lo đến ông A bà B biếu phong bì thì có miếng đất, có cơ chế và mọi việc sẽ êm, mà không chú trọng nâng cao năng lực, sử dụng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như một chiến lược đầu tư dài hạn, nếu vậy thì sao lớn được? Đây sẽ là điều đáng lo ngại khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, yêu cầu cạnh tranh bình đẳng hơn chứ không phải làm ăn chỉ thông qua quan hệ”, TS Doanh bức xúc nói.
Mặt khác, ông Doanh cho rằng, các loại phí “bôi trơn” sẽ được cộng vào giá thành của sản phẩm, hậu quả là người tiêu dùng phải gánh chịu. Phí “bôi trơn” cũng sẽ làm cho năng suất lao động thấp, môi trường kinh doanh xấu đi. Hiện tại, các DN FDI (DN có vốn đầu tư nước ngoài) vẫn đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam vì lợi thế lao động rẻ, được ưu đãi về thuế đất… Tuy nhiên, nếu chúng ta không chỉnh đốn lại môi trường kinh doanh thì sau này chính môi trường kinh doanh của chúng ta sẽ gặp nhiều bất lợi lớn.
Có thể thấy, phí “bôi trơn” là câu chuyện không mới nhưng đến nay chưa có giải pháp triệt để nhằm loại bỏ tình trạng này. Từ năm 2015 tới nay, những cuộc đối thoại chính sách giữa ngành thuế, hải quan chưa bao giờ tẻ nhạt bởi những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa DN với các cơ quan này.
Mặc dù đã có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc nêu ra, khơi ra qua con số khảo sát, đánh giá. Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, phí “bôi trơn” là một loại tham nhũng vặt. Tuy nhiên, nếu phí “bôi trơn” khiến DN mất 10% doanh thu thì không còn là “vặt” nữa.
“Bôi trơn” và tham nhũng sẽ làm méo mó nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường, cạnh tranh không còn phản ánh chính xác hiệu quả của các DN vì DN đút lót nhiều hơn sẽ được nhiều ưu đãi hơn và có thể thành đạt hơn DN có hiệu quả nhưng đút lót ít hơn. DN không đút lót sẽ bị thiệt thòi nhiều mặt”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Để xóa bỏ những gánh nặng và rào cản trên cho DN, Chính phủ đã có Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước phải đổi mới và cải cách triệt để mọi quy trình, thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Điều này đã thắp lên hi vọng, củng cố niềm tin cho DN về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, trên thực tế, chuyện cán bộ “tham nhũng chính sách” bằng cách lợi dụng giải quyết thủ tục hành chính để nhận “phí bôi trơn” vẫn chưa giảm được bao nhiêu. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, vậy, sao nó vẫn tồn tại dai dẳng, trong khi Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính?.
Nguồn tin: PLVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn