Vietnam Airlines đòi đặt giá sàn vé máy bay 1,54 triệu đồng: Tước đoạt cơ hội đi máy bay của người nghèo

Thứ năm - 06/04/2017 20:14
(PL News) - Hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vừa có một đề xuất gây tranh cãi về đặt giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa.
 Nhiều ý kiến lo ngại việc đưa ra giá sàn có thể sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân. (Ảnh minh hoạ)
 Nhiều ý kiến lo ngại việc đưa ra giá sàn có thể sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân. (Ảnh minh hoạ)

 

Cụ thể, Vietnam Airlines đề xuất giá vé hạng phổ thông thấp nhất cho một chuyến bay nội địa là 1,54 triệu đồng, cao nhất là 4,2 triệu đồng.

Trước Vietnam Airlines, Jetstar Pacific cũng kiến nghị Cục Hàng không áp dụng giá sàn từ 600.000 đến 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay.

Tạo tiền lệ xấu

Kiến nghị của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific ngay lập tức nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia kinh tế.

Chiều 4/4, trả lời PV VTC News, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc áp giá sàn vé máy baytheo đề xuất của một số hãng hàng không trong nước là không đúng luật, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng doanh nghiệp đề xuất áp giá sàn vé máy bay là không đúng luật. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng doanh nghiệp đề xuất áp giá sàn vé máy bay là không đúng luật.

TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nói: “Trước hết phải khẳng định theo Luật Hàng không dân dụng hiện nay thì vé hàng không dân dụng nội địa do Bộ Tài chính quy định giá khung, bao gồm cả trần và sàn, hiện sàn của nó là 0 đồng”.

Do đó, theo tiến sỹ “giá sàn trên 0 đồng do doanh nghiệp đề nghị là không đúng luật”.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói thêm: “Trên thế giới không có sàn giá vé máy bay, chỉ có giá trần thôi. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để ngày càng hạ giá, hạ đến kịch kim”.

Vẫn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quy định giá sàn vé máy bay như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, ảnh hưởng trực tiếp tới động lực cạnh tranh cũng như tạo tiền lệ xấu cho các mặt hàng khác.

“Chắc chắn các mặt hàng khác tới đây cũng sẽ “noi gương” để mà tăng giá sàn như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ, lạm phát và quyền lợi người dân cũng bị ảnh hưởng…,” tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu quan điểm việc áp giá sàn vé máy bay tuyến nội địa là “không hợp lý” và quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng.

“Trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Do đó theo kinh tế gia Nguyễn Trí Hiếu “việc áp giá sàn như một số hãng đề xuất không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường”.

“Trừ trường hợp họ bán giá vé dưới chi phí để phá giá, phá thị trường thì không được chấp nhận. Còn khi hãng hàng không nào đó, giảm giá vé nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, vẫn có lãi thì đó là điều đáng mừng,” kinh tế gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Tước đoạt cơ hội của người nghèo

Ở khía cạnh đạo đức kinh doanh, luật sư Trần Viết Hưng - Trưởng văn phòng Luật sư Công lý Hà Nội cho rằng, với đề xuất như trên, Vietnam Airlines tước đoạt cơ hội đi máy bay giá rẻ, mà đối tượng đặc biệt hướng đến là người nghèo.

“Trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Vietnam Airlines - với tư cách là một đơn vị kinh doanh của nhà nước - đáng lẽ phải đi tiên phong trong việc giảm giá thành để người dân thu nhập thấp có cơ hội sử dụng dịch vụ bay hiện đại, an toàn. Thế nhưng đáng tiếc là họ làm ngược lại, lấy lợi nhuận làm mục tiêu số 1,” luật sư Trần Việt Hưng nói.

 

 
Xét tất cả các yếu tố như vậy, họ (Vietnam Airlines) đã vi phạm đạo đức kinh doanh.

                                                                                                          Luật sư Trần Viết Hưng

 

“Xét tất cả các yếu tố như vậy, họ đã vi phạm đạo đức kinh doanh,” luật sư Trần Viết Hưng nhận định.

Không nên xem xét

Trên quan điểm cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay như đề xuất của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific là không hợp lý, giảm cơ hội người dân được tiếp cận với vận tải hàng không cũng như làm méo mó thị trường, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói: “Tôi cho rằng tất cả những cái đó chỉ là đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan quản lý không nên xem xét”.

Vietnam Airlines đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi đối thủ tư nhân Vietjet. (Ảnh minh hoạ)© Được VTC cung cấp Vietnam Airlines đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi đối thủ tư nhân Vietjet. (Ảnh minh hoạ)


“Tốt nhất, Nhà nước quy định sàn là những tiêu chí, tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn, về dịch vụ, về các chi phí khác của dịch vụ hàng không… từ đó cộng lại chính là giá tối thiểu,” tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho hay.

Vẫn theo tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, trường hợp cơ quan chức năng đồng ý với đề nghị của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific có thể dẫn đến sự lẫn lộn “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

“Rõ ràng hai ý kiến thì một của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, một Nhà nước nắm phần lớn cổ phần,” theo tiến sỹ Nguyễn Minh Phong.

Kiến nghị áp giá sàn vé máy bay được Vietnam Airlines đề xuất trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải góp ý dự thảo khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.

Cở sở để Vietnam Airlines tính giá sàn và giá trần dựa trên chi phí một chuyến bay bằng máy bay Airbus A 321 với đường bay có cự ly trên 1.280 km.

Hãng này dự kiến nếu tăng giá vé máy bay 5% so với hiện tại và áp dụng mức giá sàn 1,54 triệu đồng với đường bay có cự ly trên 1.280 km, doanh thu ước tính tăng khoảng 2.500 tỷ đồng một năm.

Vietnam Airlines cũng cho hay hãng đang áp dụng 13 dải giá vé máy bay khác nhau cho mỗi đường bay nội địa, bao gồm 2 dải giá cho hạng thương gia và 11 dải giá cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau.

Dự thảo khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa dù được Vietnam Airlines và Jetstar đồng ý nhưng bị Vietjet Air phản đối.

Vietjet Air cho rằng nếu có giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, làm hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân khi không có nhiều vé máy bay giá rẻ. 

Bộ GTVT sẽ quyết

Chiều 4/4, trả lời PV VTC News, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho hay trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về việc quy định khung giá vé dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông trong giai đoạn mới, Bộ đã nhận được kiến nghị áp dụng giá sàn khác 0 từ phía hãng Jestar Pacific.

“Bộ Giao thông vận tải thấy cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có quyết định về giá sàn trong khung giá mới”, đại diện Bộ Giao thông vận tải nói.

Vẫn theo vị này, hiện Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với các hãng, các chuyên gia xem xét đánh giá toàn diện, đầy đủ các yếu tố liên quan. Trước khi có quyết định sẽ báo cáo xin ý kiến Chính phủ.

Cùng ngày, đại diện Cục Hàng không cho hay cơ quan này đang trong quá trình tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo khung giá vé máy bay, việc đề xuất giá sàn là từ doanh nghiệp.

“Quyết định cuối cùng là do Bộ Giao thông vận tải”, đại diện Cục Hàng không nói.

Nguồn tin: Theo VTC News:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây