Việc Bộ Công Thương đề xuất một loạt ưu đãi, trong đó có việc cho tăng vốn với TISCO là một trong những lý do để dự án nhảy vọt về vốn đầu tư so với ban đầu trước khi bị “đắp chiếu” hoàn toàn.
Dự án đầu tư nghìn tỷ được duyệt trong chưa đầy 1 năm
Ngoài những sai phạm trong đầu tư được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ thời gian qua, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, câu chuyện dự án đầu tư giai đoạn hai hàng nghìn tỷ đồng rồi đắp chiếu của Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) đến nay đang trở thành điều khó nói với chính những người từng giữ các vị trí lãnh đạo của Bộ Công Thương và cả ở VnSteel và TISCO.
Theo những thông tin từ nhiều nguồn của PV Tiền Phong, cuối năm 2004, sau nhiều lần báo cáo, trình đề án, TISCO được chính thức lập báo cáo nghiên cứu khả thi nâng công suất sản xuất phôi thép của nhà máy từ 250.000 tấn lên 750.000 tấn/năm. Đến năm 2005, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO được phê duyệt với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng.
Theo đề án được trình qua Bộ Công Thương, dự kiến thời gian thực hiện là 2,5 năm, thời hạn thu hồi vốn dự kiến là 6,87 năm. Dự án có 2 gói thầu chính là mỏ sắt Tiến Bộ, tổng giá trị 442 tỷ đồng và gói thầu tổng EPC số 01 dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá, tổng giá trị 143 triệu USD (tương đương gần 2.300 tỷ đồng). Ngoài ra, dự án còn phải thực hiện 22 gói thầu khác.
Đến đầu năm 2007, sau khi hoàn tất các thủ tục về đầu tư, chuẩn bị dự án, TISCO ký hợp đồng 01 EPC với nhà thầu Công ty tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MMC) trị giá 160,8 triệu USD (tỷ giá USD thời điểm này là 1 USD tương đương 15.850 đồng). Thời gian thực hiện dự kiến là 30 tháng.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, lãnh đạo TISCO và MMC đã ký với nhau nhiều phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng trong hợp đồng EPC. Các báo cáo sau này của TISCO cho thấy, tính đến 31/12/2016, tổng giá trị thanh toán của TISCO cho đối tác lên tới gần 4.500 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỷ, chi phí xây dựng gần 1.000 tỷ...
Đến ngày 29/9/2007, dự án cải tạo giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được chính thức khởi công với sự tham dự của Phó Thủ tướng thời đó là ông Nguyễn Sinh Hùng. Theo tiến độ đề ra, dự án sẽ đi vào sản xuất từ tháng 5/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng.
Trong bản báo cáo tiền khả thi và trong đề án sau đó được đệ trình lên Bộ Công Thương để phê duyệt sau, đây là dự án nhóm A được vay vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc cùng thời điểm với dự án phân đạm Hà Bắc. Cả hai dự án này vay tổng cộng 44,2 triệu nhân dân tệ với lãi suất ưu đãi. Theo thỏa thuận khi thực hiện vay vốn ODA, Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) là đơn vị tổng thầu với giá trúng thầu gần 160,9 triệu USD để triển khai dự án.
Ðội vốn nghìn tỷ vì Bộ Công Thương can thiệp bất thường?
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi được triển khai, năm 2008, trước những biến động lớn của thị trường, tổng thầu MCC đã có văn bản gửi Vnsteel đề nghị tăng giá trị gói thầu từ gần 43 triệu USD lên 134 triệu USD. Tuy nhiên, do không nhận được sự đồng ý từ Vnsteel nên nhà thầu MCC đề nghị tách phần xây dựng và lắp ra khỏi hợp đồng EPC, để giao lại cho nhà thầu Việt Nam.
Sau nhiều trục trặc và có sự “can thiệp” thông qua hàng loạt đề xuất ưu đãi từ Bộ Công Thương, đến tháng 9/2014, dự án này được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư thêm 4.261 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cũng có đề xuất và sau đó Chính phủ đồng ý cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia góp 1.000 tỷ đồng vào dự án. Lý do để Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Ngân hàng Phát triển cơ cấu lại các khoản nợ (cỡ hơn 1.000 tỷ đồng) và chỉ đạo SCIC lấy tiền từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương để rót thêm vốn đầu tư nghìn tỷ vào dự án được Bộ Công Thương đưa ra là nếu không đầu tư tiếp sẽ khó có cơ hội thu hồi số vốn đã giải ngân hơn 4.500 tỷ đồng. Một trong những điều kiện để TISCO được rót vốn theo đề nghị của Bộ Công Thương là chủ đầu tư phải đánh giá lại hiệu quả dự án và cơ cấu lại lao động của nhà máy xuống còn khoảng 3.500 người để giảm giá thành sản phẩm.
Chính nhờ có sự đề xuất này của Bộ Công Thương, theo một nguồn tin đáng tin cậy từ Bộ Công Thương, với việc phụ trách trực tiếp của Thứ trưởng thời đó là ông Lê Dương Quang, TISCO đã được phép tăng tổng mức đầu tư từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng.
Một báo cáo sau đó của Bộ Công Thương (đính kèm cả ý kiến của Vnsteel, Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam thuộc Bộ Xây dựng) gửi Chính phủ cũng nêu lý do cần phải cứu dự án đầu tư nghìn tỷ này do: Dự án vẫn còn hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động và có đóng góp nhất định đối với sự phát triển của ngành thép của Việt Nam. Nếu không thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai dự án sẽ có hiệu ứng không tốt về kinh tế, an sinh, xã hội và ảnh hưởng đến triển vọng của ngành thép. Báo cáo này được Cục Công nghiệp xây dựng và được Thứ trưởng Lê Dương Quang có ý kiến góp ý trước khi được trình lên cấp cao hơn.
Trong một bản báo cáo sau này về xử lý các dự án thua lỗ ngành công thương, Bộ Công Thương cho biết, dự án gang thép Thái Nguyên gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu do có quá nhiều vấn đề phức tạp và vướng mắc, trong đó nổi lên 2 vấn đề lớn. Một là các tranh chấp pháp lý giữa Vinsteel và Công ty gang thép Thái Nguyên với tổng thầu EPC và triển khai thực hiện dự án là tổng thầu của nước ngoài.
Theo một quan chức đề nghị không nêu tên từ Bộ Công Thương, các vấn đề tranh chấp pháp lý trong dự án của Thép Thái Nguyên rất phức tạp, rất khó nói. Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn là các lãnh đạo của TISCO thời kỳ đó và Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm liên đới trong việc giám sát triển khai dự án dưới khía cạnh cơ quan quản lý trực tiếp.
Theo vị này, khi bộc lộ các vấn đề của dự án và Bộ Công Thương vào cuộc thì cũng không thể thay đổi được tình hình do nhiều điều khoản đã bị lãnh đạo TISCO thay đổi so với ban đầu. Tuy nhiên nói dự án đội vốn lên hơn 8.100 tỷ đồng thực chất chỉ là trên giấy do sau khi giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng, dự án đã đắp chiếu rồi và không ai dám cho triển khai đổ vốn tiếp cho dự án từ năm 2014 trở đi.
Trở lại với sự can thiệp của Bộ Công Thương trong việc giải cứu dự án, theo thông tin của PV TiềnPhong, ở phần cam kết bảo lãnh của Vinsteel đối với TISCO-Công ty gang thép Thái Nguyên trong dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, có đề cập khoản vay hơn 1.800 tỷ của Viettinbank. Bộ Công Thương khẳng định tại thời điểm đó, nếu tiến hành thoái vốn thì sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản của nhà nước vì Vinsteel đã cam kết 100% bảo lãnh cho khoản vay này đối với Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II là dự án đầu tư mới 2 mỏ quặng sắt (Tiến Bộ, Linh Nham - Trại Cau) để có công suất 800.000 tấn/năm, 1 lò cao 308m3, sản lượng 40 vạn tấn/năm, 1 máy thiêu kết 27m2 sản lượng 41 vạn tấn/năm, 1 lò LD 40 tấn/mẻ, công suất hơn 40 vạn tấn/năm, 2 máy đúc liên tục công suất 50 vạn tấn/năm, 1 lò mixer 60T…
Tác giả bài viết: PHẠM TUYÊN
Nguồn tin: tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn