Con đường từ khởi nghiệp vỉa hè đến lập công ty thu 60 tỷ đồng mỗi năm

Thứ tư - 29/03/2017 18:36
(PL News) - Học Cao đẳng Xây dựng Hà Nội nhưng Phạm Thế Linh lại chọn buôn bán để lập nghiệp. Năm 2003, anh từ Hà Nội vào Biên Hòa với số vốn chỉ có 5 triệu đồng.
Con đường từ khởi nghiệp vỉa hè đến lập công ty thu 60 tỷ đồng mỗi năm

 

Học Cao đẳng Xây dựng Hà Nội nhưng Phạm Thế Linh lại chọn buôn bán để lập nghiệp. Năm 2003, anh từ Hà Nội vào Biên Hòa với số vốn chỉ có 5 triệu đồng. Sau 7 năm, Công ty TNHH MTV Thế Linh đã có cơ ngơi khá ổn định: nhà máy 4.000m2 tại Biên Hòa với 150 nhân viên, doanh thu đạt gần 60 tỷ đồng/năm.

Linh kể: "Trước khi mò mẫm kinh doanh, tôi từng làm rất nhiều việc để kiếm sống như phụ hồ, chạy bàn, nhặt rau, thái thịt làm phụ bếp cho một nhà hàng, rồi làm nhân viên tiếp thị cho một công ty sản xuất vớ. Trong thời gian làm tiếp thị, để tự nâng cao kỹ năng bán hàng, tôi đã chịu khó tìm tòi, đọc rất nhiều loại sách về marketing, bán hàng...

Hình ảnh Con đường từ khởi nghiệp vỉa hè đến lập công ty thu 60 tỷ đồng mỗi năm số 1

Lúc đó, tôi nghĩ phải sản xuất ra một sản phẩm nào đó, trước hết là để giải quyết công ăn việc làm cho bản thân, sau mới tính đến chuyện kinh doanh. Và cuốn sách đã định hướng ý tưởng cũng như hướng dẫn cho tôi nhiều cách để kinh doanh thành công là cuốn Phương pháp tìm ý tưởng kinh doanh của tác giả Đỗ Thanh Năm".

Năm 2006, Linh bắt đầu con đường sản xuất của mình bằng sản phẩm mùng chụp dành cho người lớn. "Hồi đó, thị trường có bán mùng Trung Quốc dài khoảng 2m nên vận chuyển khó, lại không đẹp. Song, cái khó là giá mùng Trung Quốc rất rẻ, biết không thể cạnh tranh về giá nên tôi tạo ra sản phẩm mùng gấp, có lò xo, khi xếp lại nhỏ gọn như chiếc dù, dễ sử dụng và bao bì đẹp hơn", anh kể lại.

Lúc đó, anh chỉ có 5 triệu đồng, mỗi lần mua được rất ít vật liệu như khung sắt, vải mùng nên chỉ sản xuất được 5 cái/ngày. Và đa số người bán đòi ký gửi trong khi Linh lại cần tiền để xoay vòng sản xuất. Thấy bán hàng thông qua cửa hàng không ổn, Linh quay sang bán lề đường.

"Lần đầu tiên đứng bán hàng ở vỉa hè, tôi rất xấu hổ, phải đứng cách xa nơi bày hàng tới cả chục mét, khi nào có khách tới hỏi mới chạy lại. Dù bán lề đường nhưng tôi vẫn bảo hành uy tín, mỗi ngày bán 5 cái, sau lên 10 cái...", Linh kể về những ngày đầu buôn bán như vậy.

Tuy nhiên, do sản xuất thủ công nên chất lượng sản phẩm không tốt, nhanh hỏng. Mặt khác, do không có vốn nên mua nguyên liệu giá cao, kênh bán hàng lại phải chủ yếu ở lề đường nên không ổn định. Vì vậy, buôn bán chưa đầy năm, anh phải cầm cố xe máy vài lần rồi ngưng sản xuất. Và kết thúc việc kinh doanh đầu đời này, anh gánh món nợ 50 triệu đồng!

Sau thất bại, anh rút ra ba tiêu chí để chọn sản phẩm kinh doanh: Một là sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu tất cả đối tượng trong xã hội; hai là công nghệ sản xuất phải đơn giản; và ba là vốn đầu tư phải thấp. Lân la vào các siêu thị, chợ, anh thấy gối hơi có thể đáp ứng được ba tiêu chí mà anh rút ra từ thất bại đầu tiên. Thế là "ông chủ không vốn" lại bắt tay vào sản xuất gối hơi.

Anh thuê một căn nhà nhỏ 100m2, tận dụng máy may làm mùng để tiếp tục may gối, rồi tuyển nhân viên đi chào hàng ở các cửa hàng, chợ. Vì không có tiền trả lương cho nhân viên bán hàng nên anh chọn hình thức khoán bán hàng, cứ bán một gối, nhân viên nhận được khoảng 2.000 - 4.000 đồng.

Mỗi ngày, nhóm bán được khoảng 50 cái, thu được khoảng một triệu đồng. Để cạnh tranh, Linh tìm đến một công ty thiết kế, đưa ra ý tưởng để họ thiết kế logo in trên gối sao cho bắt mắt, ấn tượng.

"Bởi qua thăm dò, tôi thấy tâm lý người dùng quan tâm trước hết là mẫu đẹp, sau đó mới đến giá. Tôi chọn phân khúc trung bình nhưng dùng nguyên liệu tốt là bông gòn, chủ yếu lấy công làm lời để cạnh tranh", Linh chia sẻ. Từ những ngày lân la bán hàng ở chợ, đến nay, công ty của Linh mỗi ngày bán được 2.000 chiếc gối, doanh thu một năm khoảng 35 tỷ đồng.

Sau thành công với gối, Linh nghĩ phải làm thêm sản phẩm khác để tận dụng hệ thống phân phối. Anh nhận thấy nệm bông ép của Hàn Quốc có sức mua khá nhưng giá còn quá cao, khoảng 4 - 5 triệu đồng/tấm, vì chủ yếu do các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu. Linh tính toán có thể kéo giá xuống khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tấm nên anh bắt tay ngay vào sản xuất nệm.

Lúc này, anh đã tự tin hơn vào kinh nghiệm cũng như có đủ vốn để làm những gì mình muốn. "Cái khó nhất của sản xuất nệm là phải tìm được sự khác biệt vì chất lượng, mẫu, vải đều như nhau, nên ngay cả vỏ bọc nylon của sản phẩm cũng phải đẹp, bắt mắt, các góc nệm phải vuông vức, cứng cáp mới cạnh tranh được", anh giải thích về giải pháp cạnh tranh với hàng ngoại.

Theo anh, sản phẩm của nước ngoài không cần bao bì đẹp cũng bán được vì chỉ cần chữ "made in Korea, Thailand"... là đã được người tiêu dùng chọn mua. Vì vậy, sản phẩm của Thế Linh phải thu hút người mua bằng mẫu mã, vải bọc nệm cũng phải đa dạng, màu sắc, hoa văn phù hợp với từng vùng miền, khu vực. Do chọn đúng phương hướng kinh doanh, hiện nay, công ty của Linh bán trung bình 10.000 tấm nệm/năm, doanh số khoảng 60 tỷ đồng.

Để tiến tới quy mô sản xuất lớn, Linh đã đầu tư nhà máy rộng 4.000m2 tại Biên Hòa. Cầm 5 triệu đồng trong tay để khởi nghiệp và hàng chục tỷ đồng để bước vào sản xuất quy mô lớn, Linh nhận thấy: "Khi doanh nghiệp càng lớn thì bản thân mình và đội ngũ quản lý cũng phải được nâng cao trình độ.

Vì vậy, tôi đã thuê Trường Đào tạo doanh nhân Pace để huấn luyện về quản lý và bán hàng cho nhân viên. Bản thân tôi, cũng dành thời gian đi học các khóa đào tạo dành cho doanh nhân". Ông chủ trẻ không tiếc tiền cho những khóa học vì cho rằng chúng đã giúp anh vào đời chững chạc hơn.

Theo anh, cái khó nhất trong kinh doanh là tìm sản phẩm mới để tiếp tục phát triển, vì sản phẩm nào rồi cũng đến lúc bão hòa. Qua những chuyến đi tìm kiếm thị trường, Linh nhận thấy các sản phẩm nệm mới ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật được làm với nguyên liệu dạng sợi tổng hợp, có kết cấu rất giống xơ mướp, có độ đàn hồi tốt, sản phẩm lại phù hợp với mô hình sản xuất, phân phối hiện có của Công ty Thế Linh.

"Nếu đưa vào sản xuất, tôi sẽ tận dụng được thế mạnh hiện có. Tuy nhiên, giá của sản phẩm này còn cao nên tôi đang tìm hiểu công nghệ để làm sao giảm giá thành". Vậy là Linh lại tính toán và tất bật cho dự án mới

Nguồn tin: Doanh nhân Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây