Áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng

Thứ ba - 19/03/2024 04:22
(TS. Trịnh Duy thuyên & ThS. Phạm Anh Thư) - Bài viết tập trung phân tích, đánh giá thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng đối với các tội phạm về tham nhũng, trên cơ sở đó, đưa ra định hướng hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự và nâng cao hiệu quả tiến hành các biện pháp này ở nước ta trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về biện pháp điều tra theo thủ tục tố tụng đặc biệt

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là chế định mới được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Đây là biện pháp vừa mang những đặc điểm chung của hoạt động điều tra vụ án hình sự (VAHS) nhưng có những đặc điểm riêng thể hiện qua tính chất “bí mật” khi áp dụng trong thực tiễn. Theo quy định tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Những biện pháp này cho phép ghi nhận hình ảnh với độ phân giải cao, âm thanh chất lượng và những thông tin, tài liệu khác, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật với đối tượng áp dụng và những người không liên quan. Thông tin, tài liệu thu được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể làm chứng cứ để giải quyết vụ án. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được tiến hành khi điều tra đối với các loại tội phạm sau đây: “Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền, tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”[1]. Đây là những loại tội phạm có tổ chức chặt chẽ, phương thức, thủ đoạn phạm tội và che dấu tội phạm tinh vi, xảo quyệt, đối tượng phạm tội thường ngoan cố, chống đối đến cùng, thiếu hợp tác với cơ quan tố tụng dẫn tới các biện pháp điều tra tố tụng thông thường không mang lại hiệu quả hay hiệu quả thấp.

Tuy nhiên, do biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt liên quan đến quyền bí mật đời tư của cá nhân nên không thể áp dụng tràn lan, do vậy, Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định tương đối chặt chẽ về thẩm quyền áp dụng. Theo đó, những chủ thể gồm: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt[2]. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021)[3]. Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và những người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật[4].

Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn[5]. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ áp dụng ở giai đoạn điều tra và sau khi khởi tố vụ án nên trong trường hợp vụ án phức tạp đòi hỏi cần thời gian để tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ thì có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra. Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.

Thông tin, tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt liên quan tới bí mật đời tư của cá nhân nên cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành quyết định phải phân tích, đánh giá, chọn lọc những thông tin, tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội, truy tìm đồng phạm, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, truy nguyên tài sản người phạm tội chiếm đoạt… và sử dụng làm chứng cứ phục vụ việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Đối với những thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời; nghiêm cấm việc sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác[6].

Trong trường hợp khi không cần thiết phải tiếp tục áp dụng hay có vi phạm trong việc thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hoặc khi có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt[7]. Đối với những vụ án mà cơ quan điều tra cấp huyện, cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi muốn hủy bỏ phải có văn bản đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu để cơ quan điều tra cấp tỉnh, cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ.
 

2. Thực tiễn và một số hạn chế khi áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng

Thời gian qua, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Theo báo cáo đánh giá của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là C03) thì những lĩnh vực xảy ra tham nhũng nhiều nhất đó là: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng nhà đất, giải phóng mặt bằng, tài nguyên môi trường, trong những năm gần đây, tội phạm tham nhũng xảy ra nhiều trong lĩnh vực giáo dục, y tế và chính sách công. Thực trạng tội phạm tham nhũng được phản ánh qua kết quả công tác điều tra của cơ quan điều tra các cấp trong lực lượng Công an nhân dân. Về công tác áp dụng các biện pháp tố tụng để bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng, cơ quan điều tra các cấp của lực lượng Công an nhân dân đã tích cực triển khai và chủ động phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự để thực thi các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, đề nghị tạm dừng giao dịch liên quan đến tài sản (đặc biệt là bất động sản) có liên quan đến vụ việc tham nhũng. Vì vậy, trong những năm vừa qua việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điểu tra thu hồi được trên 5.500 tỷ đồng, 700.000USD và nhiều tài sản khác; áp dụng biện pháp kê biên tài sản gồm 50,5 tấn thép, 6 lô đất và 04 dự án tại Đà Nẵng; phong tỏa tài khoản số tiền là 250 tỷ đồng. C03 đã áp dụng biện pháp tịch thu, thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá 14.821.4 tỷ đồng, 3,2 triệu USD, các tài sản khác trị giá 32.521,9 tỷ đồng cùng nhiều tài sản khác chưa xác định được giá trị. Cơ quan An ninh điều tra đã thu hồi được 725 tỷ đồng, kê biên 44 căn nhà[8]. Trong đó, nhiều vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền chiếm đoạt, thiệt hại rất lớn đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều tra các vụ án tham nhũng còn có những hạn chế nhất định, đó là: Tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm còn chậm; phần lớn các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện thông qua xác minh từ nguồn đơn thư tố giác của quần chúng và qua thanh tra, kiểm tra; chất lượng hồ sơ tố tụng chưa cao, nhiều vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt, đã từng có vụ án trên 10 năm mà vẫn chưa xét xử được[9]; nhiều bị can, bị cáo bị đình chỉ điều tra hoặc phải thay đổi tội danh trong quá trình truy tố xét xử; công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân đóng vai trò quan trọng dẫn đến hạn chế nêu trên là bất cập trong quy định của pháp luật, dẫn đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham những và thu hồi tài sản do tham nhũng là chưa cao, cụ thể:

Thứ nhất, căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và về lý luận cho thấy, thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là sau khi có quyết định khởi tố VAHS và sẽ chấm dứt khi giai đoạn điều tra kết thúc. Tuy nhiên, nếu bắt đầu áp dụng biện pháp này ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án thì rất khó để thỏa mãn yêu cầu điều tra đối với loại tội phạm này. Nguyên nhân chính là do xuất phát từ đặc điểm của chủ thể tội phạm tham nhũng, do đó, nếu áp dụng sau giai đoạn khởi tố VAHS thì mang lại hiệu quả thấp, rất khó thu thập được thông tin để chứng minh tội phạm tham nhũng cũng như quá trình phát hiện các tài sản tham nhũng để được thu hồi. Do đó, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nếu được tiến hành trước giai đoạn khởi tố VAHS để thu thập thông tin qua những lần liên lạc, ra giá và những thông tin này kết hợp với tài liệu chứng cứ khác sau đó được sử dụng như chứng cứ chứng minh tội phạm thì mang lại hiệu quả rất cao trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng như xác định nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có cần phải thu hồi.

Thứ hai, nhằm bảo đảm những thông tin, tài liệu thu thập bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được sử dụng đúng mục đích ban đầu đặt ra khi quyết định áp dụng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác[10]. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả việc quy định: Thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời theo khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) là quá cứng nhắc. Bởi vì, một số trường hợp có khả năng xảy ra trên thực tế tuy thông tin, tài liệu thu được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không liên quan đến vụ án đang điều tra, nhưng lại liên quan và có giá trị chứng minh đối với VAHS khác. Do đó, nếu bắt buộc phải tiêu hủy sẽ gây khó khăn cho việc phát hiện và chứng minh tội phạm, lãng phí chứng cứ, tài liệu[11].

Thứ ba, theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thẩm quyền quyết định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định cho Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, trường hợp vụ án do cơ quan điều tra cấp huyện tiến hành điều tra thì Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện muốn áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải đề nghị Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh để xem xét, quyết định có được áp dụng hay không. Quy định này trong thực tế sẽ gây khó khăn cho tính cấp thiết của quá trình thu thập chứng cứ đối với vụ án tham nhũng. Vì thời gian đề nghị cho đến việc chấp thuận phải mất vài ngày và như vậy, đối tượng đã có thể tẩu tán tài liệu hoặc bí mật dịch chuyển tài sản cho những người khác nhằm bảo toàn khối lượng tài sản do phạm tội mà có.

Thứ tư, Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) chỉ ghi nhận ba biện pháp điều tra tố tụng, đặc biệt là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì tội phạm về tham nhũng là một trong các trường hợp có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quy định này xuất phát từ đặc điểm của tội phạm về tham nhũng[12]. Đây là một trong những tội phạm gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, vì về bản chất, đây là một tội phạm xảy ra bí mật và có thể chỉ liên quan đến hai bên đã cảm thấy hài lòng. Do đó, không có động cơ để tiết lộ sự thật khi không có sự mâu thuẫn. Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện tội phạm về tham những thường có thủ đoạn gây án, cách thức che giấu, xóa bỏ dấu vết của hành vi phạm tội cực kỳ tinh vi[13]. Họ cũng có quyền lực trong việc áp đặt sự im lặng lên những người có liên quan bằng sự đe dọa, thậm chí bạo lực để có thể tác động vào bất kỳ hoạt động điều tra nào.
 

3. Một số kiến nghị hoàn thiện

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác điều tra tội phạm tham nhũng cần có sự đồng bộ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó nên tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, công tác điều tra các vụ án tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của các cấp ủy Đảng. Điều tra các vụ án tham nhũng là công việc rất khó khăn, gian khổ, nhất là giai đoạn tiền khởi tố, việc thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, xác minh ban đầu rất quan trọng. Thực tế cho thấy, khởi tố được một vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vô cùng khó khăn. Ngoài việc thu thập đầy đủ chứng cứ, cơ quan điều tra còn phải tranh thủ được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương thì công tác điều tra các vụ án tham nhũng sẽ rất thuận lợi, đạt kết quả cao.

Trong quá trình điều tra vụ án, điều tra viên phải chủ động phối hợp có hiệu quả với kiểm sát viên, giám định viên để thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ chặt chẽ, nâng cao chất lượng hồ sơ vụ án. Thực tế điều tra cho thấy, nếu điều tra viên củng cố vững chắc hồ sơ, tài liệu chứng cứ, điều tra triệt để toàn diện vụ án thì không có việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và cũng không có việc các bị can, bị cáo bị đình chỉ; cũng như việc áp dụng đầy đủ các biện pháp theo luật định về kê biên, truy theo đường đi của đồng tiền và tài sản tham nhũng thì công tác thu hồi tài sản tham nhũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Thực hiện tinh thần cải cách tư pháp, điều tra viên phải tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền bào chữa, không được gây khó khăn, cản trở luật sư tác nghiệp, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Tiến tới, điều tra viên cũng phải tranh tụng tại Tòa để bảo vệ kết quả điều tra của mình.

Thứ hai, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định sau đây trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra đối với tội phạm tham nhũng:

- Sửa đổi, bổ sung về thời điểm bắt đầu được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặt biệt là từ khi tiếp nhận được tin báo tố giác về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và cơ quan chức năng xác định được có dấu hiệu tội phạm tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

- Bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện mà không cần phải xin ý kiến tại khoản 1 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Tuy nhiên, việc này cần báo cáo cho Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh biết.

- Bổ sung trường hợp ngoại lệ vào quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Cụ thể là, thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mà không liên quan đến vụ án thì phải tiêu hủy kịp thời, trừ trường hợp có liên quan đến vụ án khác[14].

Thứ ba, bên cạnh đó, Bộ Công an cần tiến hành rà soát và sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và lực lượng trinh sát chuyên trách trong việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

Thứ tư, trang bị, đào tạo kiến thức chuyên môn về điều tra án tham nhũng nói chung, trong đó có việc sử dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho đội ngũ điều tra viên. Sự đa dạng của các tội phạm tham nhũng đòi hỏi điều tra viên phải có các kỹ năng và kiến thức chuyên biệt, thông thường liên quan đến pháp luật và kế toán để có thể xác định, lưu giữ và trình bày chứng cứ trong quá trình tố tụng. Đào tạo điều tra viên về các kỹ thuật cần thiết cho việc xử lý tham nhũng và đặc biệt là những phức tạp của tội phạm tham nhũng ở mức độ lớn, tham nhũng bởi những người đã từng là quan chức cao cấp, việc điều tra và thủ tục tố tụng liên quan đến truy tìm dấu vết, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản trong án tham nhũng là một thử thách đặc biệt đối với cơ quan thực thi pháp luật tại các nước đang phát triển.
 

Nguồn: https://phaply.net.vn/ap-dung-bien-phap-dieu-tra-to-tung-dac-biet-trong-qua-trinh-giai-quyet-vu-an-hinh-su-ve-cac-toi-pham-tham-nhung-a257283.html

Tác giả bài viết: TS. Trịnh Duy thuyên & ThS. Phạm Anh Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây