Quan chức, bằng rởm, khai man, cơ hội và thói hư danh

Thứ bảy - 30/09/2017 22:38
 Chính quyền hoặc bộ máy quản lý sẽ không sạch, không mạnh khi còn chứa chấp, là nơi ẩn náu của những kẻ hư danh và gian đối bằng cấp.
Quan chức, bằng rởm, khai man, cơ hội và thói hư danh

 


Ngày 29.9.2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 18 và đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh theo thẩm quyền.

Đáng nói, trong số những vi phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận trước đó, vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh có vi phạm về sử dụng bằng cấp không đúng quy định.

Trước ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 11 làm rõ hàng loạt vi phạm. Trong đó có vi phạm “khai nhận học vị tiến sĩ không đúng thực chất văn bằng được cấp theo chương trình đào tạo tại Thụy Điển”.

Rồi mới đây nữa là trường hợp lùm xùm liên quan tới bằng cấp của đương kim Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã vào cuộc.

Có quá nhiều trường hợp vi phạm của quan chức liên quan tới bằng cấp.

 quan chuc, bang rom, khai man, co hoi va thoi hu danh hinh anh 1

Tôi nhớ, ngày tôi còn đi học phổ thông, tỉnh tôi chỉ có mấy vị tiến sĩ, trong đó có anh trai cả của tôi. Người có bằng tiến sĩ khi đó rất được trọng vọng và tôn vinh, vì đó là kiến thức, là tài năng, là quá trình học hành, đào tạo dài lâu, kỳ công, khốn khó, là niềm vinh dự thực sự.

Không như bây giờ, từ tỉnh cho tới các bộ ban ngành, thậm chí xuống tới huyện, rồi xã phường, ta có thể đếm không xuể những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Vì như thế, vô hình chung, những người học thật, kiến thức thật, đáng trọng vọng thật bởi bằng cấp đã bị che khuất bởi sương khói mây mù với những tiến sĩ “rởm”, làm mất niềm tin của công chúng về bằng cấp nhưng mang nhiều lợi lộc cho người được có bằng khi cân nhắc, thăng chức, bầu bán, được gọi là đạt, đủ “tiêu chuẩn”. 

Từ hư danh bằng cấp mặc nhiên dẫn tới gian dối.

Nhưng đáng nói là ở chỗ, những kẻ chuộng hư danh và thạo thói gian dối để có bằng cấp mà chưa bị lộ thì mặc nhiên thêm một tiêu chuẩn để được cân nhắc, để lên chức, thành lãnh đạo.

Năm này sang năm khác, những kẻ hư danh và gian dối bằng cấp chưa lộ ùn ứ, thành vấn nạn, không chỉ làm ảnh hưởng uy tín và chất lượng quan chức, viên chức, công chức, cao hơn điều đó, nó làm sụt giảm nghiêm trọng chất lượng của chính quyền.

Chính quyền hoặc bộ máy quản lý sẽ không sạch, không mạnh khi còn chứa chấp và là nơi ẩn náu của những kẻ hư danh và gian đối bằng cấp như vậy.

Ông Phạm Minh Hạc - nguyên Phó Ban Khoa giáo Trung ương từng nói: “Những năm 2002, lúc đó tôi là Phó Ban thứ nhất của Ban Khoa giáo Trung ương, tôi cùng với Bộ trưởng Bộ GDĐT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Hiển phát động phong trào chống bằng giả. Riêng trong năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Hằng năm, việc làm này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng cấp giả hiện nay không có phong trào sâu rộng như khi đó”.

Đó là thời điểm những năm 2000, tự hỏi giờ đây, sau 15 năm, mức độ còn nghiêm trọng cỡ nào?

Trong mọi xác minh gian dối thì xác minh gian dối bằng cấp là quá dễ, ngay cả vụ bằng cấp Bí thư Hải Dương cũng vậy, quá dễ. Bằng gốc đâu trưng ra. Cứ khẳng định “tôi đã học cấp 3, tôi đã tốt nghiệp” thì trưng bằng tốt nghiệp gốc ra?

Ngày hôm qua, trả lời báo chí, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói về thói hư danh và gian dối bằng cấp “Trong Đảng mà khai man là không được, đó là “chạy bằng, chạy cấp”, tự bịa ra là rất sai. Biết sai mà làm thì người đó không xứng đáng”.

Đồng thời, ông lưu ý: “Đừng vì muốn vào cấp này cấp kia mà bịa ra cái gì, như thế là hỏng. Đây là làm xấu Đảng ta, phải thấy, phải sửa và dứt khoát phải chấm dứt”.

“Anh là Bí thư, anh học đến đâu anh biết, anh có trung thực với Đảng không? Nó không nhỏ đâu, phải kiểm điểm nghiêm túc hơn tính trung thực của người Đảng viên, nói dối vì lợi ích của mình để được vào là sai. Anh học lớp mấy anh cứ khai thế, tiêu chuẩn khác anh được thì người ta có khi vẫn bầu cơ mà” - nguyên Tổng Bí thư nói.

Đến đây, tôi cứ day dứt mãi câu hỏi: Vì sao thế? Tự lúc nào, người ta không còn coi việc học tập thực sự, đỗ đạt, lấy bằng là niềm vinh dự của cá nhân, gia đình, dòng tộc như trước kia?

Thế nên, ngay bây giờ, rà soát lại bằng cấp của tất cả các cán bộ công chức kể cả cán bộ công chức khai báo có bằng học ở nước ngoài xem học thật hay học giả, trường thật hay trường “đểu” là việc cần làm gấp.

Chỉ có như thế mới mong loại bỏ được những kẻ cơ hội và thói hư danh!

Nguồn tin: Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây