Tài khoản bỗng dưng có tiền, xử lý sao để tránh rắc rối?

Thứ tư - 04/10/2017 02:59
(Phapluat News) - Nếu ai đó chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn, bạn nên chuyển trả lại chứ không nên làm khó dễ đòi “hậu tạ” hoặc cố tình chiếm đoạt luôn. Điều đó là vi phạm pháp luật.
Tài khoản bỗng dưng có tiền, xử lý sao để tránh rắc rối?

 


Tài khoản bỗng dưng có tiền, xử lý sao để tránh rắc rối? - Ảnh 1.

Thật ra, đây là vấn đề không mới với một số nước. Tuy nhiên, ở nước ta do chưa thể kiểm soát chặt chẽ việc này nên khi chuyển nhầm tiền đa số phụ thuộc vào may rủi. 
 

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của tác giả Đỗ Thị Huỳnh Hoa và ý kiến tư vấn của Luật sư Phạm Hoài Nam (đoàn luật sư TP.HCM).

"Ngày 13-9, anh L.H.T. có chuyển nhầm 12,5 triệu đồng vào một tài khoản cùng hệ thống của một ngân hàng. Ngay sau đó, anh liên hệ ngay với ngân hàng nhờ can thiệp. Ngân hàng đã liên hệ với khách hàng mà anh T. chuyển nhầm là bà P.T.H.P. để xác minh. 

Nhiều ngày sau, ngân hàng báo lại: tiền có trả lại hay không là do... thiện chí của bà P. chứ ngân hàng không có quyền tự chuyển trả lại cho anh!

Sau đó, anh T. nhận được điện thoại của bà P., đề nghị anh phải... "hậu tạ" 2,5 triệu đồng thì bà mới chuyển trả lại. Không còn cách nào khác, anh T. chấp nhận. 

Và ngày 20-9, bà P. chuyển trả số tiền 10 triệu đồng, giữ lại 2,5 triệu đồng. Nội dung chuyển tiền ghi: chuyển trả vào tài khoản khách hàng L.H.T. "do chuyển nhầm tài khoản ngày 13-9-2017".

Việc chuyển tiền qua ngân hàng giờ được nhiều khách hàng trực tiếp thực hiện ngay trên điện thoại, laptop... của chính mình mà không phải đến ngân hàng. 

Tiện lợi thì đã hiển nhiên, nhưng vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Chỉ cần nhầm một con chữ hay một con số thì gây ra rắc rối. Với số tiền chuyển nhầm lớn thì rắc rối cũng lớn theo.

Ở nhiều nước, việc chuyển nhầm như thế này thường được hoàn trả nhanh. Nếu có người cố tình dây dưa đòi phải "hậu tạ" mới trả lại tiền chuyển nhầm, hoặc do ngân hàng không phong tỏa kịp để bên nhận rút hết tiền rồi... trốn cũng khó lòng thoát khỏi "bàn tay" của pháp luật. 

Bất kỳ hành vi nào thể hiện sự tham lam cũng bị nhập vào hồ sơ cá nhân theo số an sinh mỗi người - có khi gắn luôn đến suốt đời - nên rất hiếm chuyện người nhận chuyển nhầm tiền cố tình chiếm đoạt, không chuyển trả lại cho người chuyển nhầm.

Ở nước ta chưa thể kiểm soát chặt chẽ như vậy. Cho nên, nếu khách hàng tự chuyển nhầm qua Internet banking, điện thoại di động, máy ATM... thì đa số phụ thuộc vào may rủi. 

Nếu gặp người tốt và thấu hiểu đạo lý không phải của mình thì không lấy, như bác xe ôm nhặt được 200 triệu đồng và trả lại như vừa rồi, thì quả thật may mắn. 

Còn gặp người chây ì không trả lại hoặc đòi "hậu tạ" như trường hợp của anh T. thì người chuyển nhầm tiền chỉ biết trông chờ hoặc phải chấp nhận chịu mất một khoản tiền để "hậu tạ".

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nếu ai đó chuyển nhầm vào tài khoản của bạn, bạn có thể làm khó dễ người chủ của nó để được "hậu tạ" hoặc cố tình chiếm đoạt luôn, bởi điều đó là phạm luật. 

Như trường hợp anh T., bà P. không hiểu rằng với sự việc chỉ chuyển trả 10 triệu đồng trên số tiền 12,5 triệu đồng anh T. chuyển nhầm, bà có thể bị anh T. khởi kiện về tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu anh T. không phải là người chủ động "hậu tạ 2,5 triệu đồng" cho bà.
 

Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có thể tố cáo nếu bị vòi vĩnh

Trong trường hợp này, người nhận chuyển nhầm tiền đã yêu cầu người chuyển nhầm phải "lại quả" cho mình một khoản tiền thì mới hoàn lại số tiền bị chuyển nhầm. Nếu có bằng chứng về việc vòi vĩnh này thì anh T. có thể tố cáo với công an về hành vi chiếm đoạt tài sản trái phép của bà P..

Bà P. cũng đã thừa nhận số tiền 12,5 triệu đồng kia không phải tiền của mình mà do người sử dụng tài khoản chuyển nhầm. Do vậy, bà P. biết đó không phải tài sản của mình nhưng vẫn chiếm giữ thì đó là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Hành vi này có dấu hiệu rất rõ của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

H.Đ. ghi

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây