Tết của người Mông và chuyện ông Chủ tịch xã làm “bà mối se duyên”

Chủ nhật - 29/01/2017 10:05
Tết của người Mông và chuyện ông Chủ tịch xã làm “bà mối se duyên”

(PhapluatNews) - Theo phong tục, người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu...

Mâm cơm ngày Tết của đồng bào dân tộc Mông

Nằm ở lưng chừng núi, được bao bọc bởi những vách đá cheo leo, những con dốc ngoằn ngoèo, bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là nơi sinh sống của hơn 500 đồng bào dân tộc Mông. Ông Giàng A Chợ -Chủ tịch UBND xã Nà Tấu không nhớ đã bao cái Tết trôi qua, người Mông nơi bản ông sinh sống ăn Tết Nguyên đán như người dân tộc Kinh. Bởi lẽ, trước đây, Tết của họ diễn ra theo hệ lịch riêng, rơi vào dịp Tết dương lịch của người Kinh.

Tết của người Mông và chuyện ông Chủ tịch xã làm “bà mối se duyên” - Ảnh 1

Con đường về bản nở đầy hoa - ảnh internet.

“Theo hệ lịch của người Mông, tháng nào cũng có 30 ngày, không có ngày 31. Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết. Khi đó, họ phong tất cả các công cụ sản xuất lại, ví dụ như các lò rèn phải làm lễ đóng lò, cối xay ngô tháo ra, dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh ngô, rượu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên”.

Với người Kinh, Tết đến phải có bánh chưng thì người Mông phải có bánh giầy, ngày Tết các gia đình không thể thiếu món bánh này. Người Mông quan niệm, hai cái bánh tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời -là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất.

“Trước đây, người Mông không gói bánh chưng. Bây giờ thì có gói, nhưng bánh chưng không nhất thiết có trong bữa cỗ Tết của họ. Với họ, ba món không thể thiếu là thịt, rượu và bánh ngô”, ông Chợ cho biết.

Những tục lệ mang bản sắc riêng

Chỉ cho chúng tôi khoảng sân rộng trước nhà, ông Chợ bảo, Tết năm nào cũng thế, khoảng sân ấy được chọn làm nơi những chàng trai, cô gái người Mông chơi đánh cù, ném pao, múa khèn, chơi cầu lông gà, múa ô, hát dân ca, bắn nỏ, đánh tù lu... Và trong bộ trang phục đẹp đi chơi xuân, họ hẹn hò rồi cất lên những tiếng hát gọi “bạn tình”.

“Ở cái bản người Mông này, tôi cũng làm mối được cho mấy đôi rồi đấy”, ông Chợ cười phá khi kể lại những câu chuyện tình đã được ông se duyên không bởi tiếng hát lứa đôi mà bởi những điểm tương phùng ông thấy ở người con trai, con gái.

Tết của người Mông và chuyện ông Chủ tịch xã làm “bà mối se duyên” - Ảnh 2

Ông Giàng A Chợ cho chúng tôi xem những giấy khen mà các con ông đạt được.

Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Và mùng Một Tết được họ ví như ngày 8/3. Bởi lẽ, trong ngày đó, người con trai sẽ làm hết các phần việc trong gia đình.

“Mùng Một Tết, phụ nữ không được dậy trước đàn ông. Đàn ông dậy rồi cũng không được gọi phụ nữ hay người khác dậy. Vì người Mông quan niệm, đàn ông đi đâu mặc quần đi nhanh gọn, phụ nữ mặc váy quạt đi, quạt lại năm đó sợ nhiều gió, trồng cây cối trên nương đổ hết.

Khi có tiếng gọi người khác dậy vào sáng mùng Một Tết, cây cỏ mọc nhiều, lại thêm chuột, chim... báo hiệu một năm sản xuất không đơn giản. Ngày mùng Một tết, người Mông kiêng không làm đổ một giọt nước nào lên nền nhà vì sợ nước lũ, ruộng nương bị cuốn trôi.

“Trong 3 ngày Tết, họ chỉ ăn các món bánh, thịt, tuyệt đối không được ăn rau. Bởi theo quan niệm của đồng bào, không ăn rau là để tránh trong năm mới không có cỏ mọc ở nương rẫy, mùa màng không bị thất thu và nuôi trâu bò không bị dịch bệnh. Trong ngày Tết không được nóng giận, cãi cọ nhau vì tết là để mọi người cùng nhau vui vẻ, cùng nhau uống rượu, cùng chúc nhau những điều tốt lành”, ông Chợ kể thêm cho chúng tôi nghe nhữngphong tục của dân tộc mình.

Không chỉ là những nét riêng độc đáo trong sinh hoạt, ngày Tết, trang phục của người phụ nữ Mông cũng mang nét đẹp bản sắc, rực rỡ. Họ mặc áo xẻ ngực, cổ phía trước hình chữ V, được nẹp thêm vải màu hoa tuỳ thích, phía sau áo là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn rất đẹp, trang nhã và gắn đồng bạc, khi di chuyển các đồng bạc chạm vào nhau tạo âm thanh hấp dẫn. Hai ống tay áo thêu hoa văn, là những đường ngang với các màu sắc từ cổ tay đến nách. Cách trang trí này làm nổi bật chiếc áo của người Mông.

Ông Giàng A Chợ say sưa kể chuyện cho chúng tôi nghe khi ngoài kia, tiếng hát của khúc ca “Thơ tình của núi” đang ngân vang khắp núi rừng: Bản em lưng chừng núi lưng chừng đèo/ Từng bậc thang lên xuống như cung đàn, ngân dài/ Một lần đi tuần tra anh tới/ Gặp em bên suối hát gì.../ Mà rừng ban nở trắng xinh/ Cùng lặng nghe em hát/ Những yêu thương cuộc đời/ Để lại bao thương nhớ trong lòng mình/ Một cô gái miền núi đã thắp ngọn lửa tình...”.

Giải mã một lời thề

Bất chợt, ông Chợ dùng tay gõ gõ xuống bàn theo nhịp bài hát. Tiếng nhạc kết thúc cũng là lúc ông nhìn sang đứa con trai Giàng A Chỏ ngồi bên cạnh, rồi thoáng nhìn những chiếc giấy khen treo khắp tường nhà. Ông Chợ hồ hởi bảo, ông từng là cán bộ đoàn rồi Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực văn hóa, hiện tại là Chủ tịch UBND xã. Ông đã chở rất nhiều cán bộ từ xuôi lên công tác, tìm hiểu nét văn hóa của người Mông ở bản Hua Rốm. Và trong mỗi chuyến đi ấy, ông đều tự hào kể cho mọi người nghe câu chuyện về thành viên duy nhất của bản đỗ đại học. Đó là con gái của ông.

Và ở nơi bản làng nằm ngay cạnh trại giam Nà Tấu ấy, những người như ông Giàng A Chợ vẫn giữ cho mình những nét rất riêng thuộc về con trai họ Giàng.

“Người con trai họ Giàng “chính hiệu” mang trong mình dòng máu dân tộc Mông sẽ không bao giờ ăn tim của bất kỳ động vật gì. Đó là lời thề bất tử của chúng tôi. Ai cố tình ăn sẽ bị câm, bị điếc, tuyệt giống. Ai cố tình băm nhỏ cho chúng tôi ăn, người đó sẽ bị mù”, ông Chợ nói.

Xuất phát điểm của lời thề ấy được ông Chợ kể lại bằng giai thoại mà người họ Giàng vẫn truyền tai nhau. Chuyện kể rằng, ngày trước, khi con trai một số dân tộc ra giúp nhau ngày giỗ, trong đó có họ Giàng người dân tộc Mông. Buổi tối, họ giết một con lợn để cúng và làm cỗ mời mọi người. Mổ được thứ gì họ vứt vào chiếc chảo đang đặt trên bếp lửa. Trong chảo không đổ nước cũng không có dầu, mỡ.

Quả tim bị dính chảo, đến giờ ăn cỗ mọi người tìm mãi không thấy quả tim lợn đâu. Người đàn ông dân tộc Mông bị nghi ngờ lấy quả tim, họ không lấy thì con trai họ lấy. Để chứng minh sự trong sạch của mình, người đàn ông đó đã mổ bụng con trai mình ngay tại đó và sự thật trong bụng không hề có quả tim lợn nào. Cũng từ đó, họ đưa ra lời thề, vĩnh viễn, con trai họ Giàng không bao giờ ăn tim động vật.

Mải nghe câu chuyện ông Giàng A Chợ kể, chúng tôi không để ý bóng tối đã bao phủ khắp mọi ngả đường, phủ xuống cả các mái nhà sàn thấp lè tè nơi vùng cao. Và trong mỗi ngôi nhà, tôi vẫn nghe vẳng tiếng nhịp chày đang giã đều để làm bánh giầy cho ngày Tết.

Nguồn tin: Theo ĐSPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây