Đứng trước vành móng ngựa, khuôn mặt của bị cáo Đ.H.P. (40 tuổi, ngụ thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) quắt queo lại vì cạn khô nước mắt. Câu nói “thương con cho roi cho vọt...” không phải lúc nào cũng đúng, nhất là với những người nóng nảy, thiếu kiềm chế như P..
"Gà trống" nổi giận
Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, Đ.H.P. đã ly hôn vợ vào năm 2016. Từ đó P. mang phận "gà trống nuôi con" khi một mình nuôi ba đứa con nhỏ.
Bị cáo P. là người ít học, tính tình lại cộc cằn và thường hay nóng nảy. Không ngờ tính tình đó có ngày dẫn đến hậu quả đau lòng khi con gái ruột phải chết tức tưởi dưới đòn roi của P..
Theo cáo trạng, vào khoảng 6h30 ngày 20-5-2019, trong lúc chuẩn bị chở con đi học thì Đ.H.P. nghe con trai của mình kể là thấy trong chiếc ví của em gái là Đ.N.A. (con thứ 2 của P.) có nhiều tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng.
Nghi ngờ con gái trộm tiền dành dụm được của mình nên P. vội vàng chạy xuống chiếc tủ để dưới bếp kiểm tra thì phát hiện bị mất 4,6 triệu đồng. Lục tìm trong ví của cô con gái ruột thì phát hiện có 3,6 triệu đồng bên trong.
Nổi cơn thịnh nộ, P. cầm cây chổi đót trở ngược phần cán đánh nhiều cái vào tay, chân và mông của con gái. Bị đánh đòn đau, cháu A. thừa nhận mình đã lấy trộm của cha 3,6 triệu đồng để dành mua bánh kẹo.
Lửa giận nổi lên, P. tiếp tục dùng tay tát mạnh vào mặt, dùng chân đạp nhiều cái vào đầu con gái khiến cháu A. ngã đập xuống nền nhà dẫn đến chảy máu miệng. P. càng nổi giận nhiều hơn khi số tiền mình bị mất là 4,6 triệu đồng nhưng con gái chỉ thừa nhận lấy có 3,6 triệu đồng. Vậy là vẫn còn thiếu mất 1 triệu.
Vừa đánh P. vừa truy con gái nhưng cháu A. vẫn một mực chối, nói mình chỉ lấy 3,6 triệu đồng. "Vậy còn 1 triệu đồng nữa ở đâu? Mày không lấy thì ai lấy?", P. gằn giọng hỏi. Mặc dù bị đánh đau nhưng cháu A. không thừa nhận mình lấy 4,6 triệu như số tiền cha bị mất.
Tức khí, P. rút đoạn thân tre trong cán chổi ra đánh nhiều cái vào người của cháu A., trong đó có hai cái trúng vào đầu. Đến lúc này cháu A. mới chịu nhận đã lấy của cha tổng số tiền 4,6 triệu đồng.
Con gái nhận tội xong, P. cũng nguôi giận không đánh nữa. Nghĩ cũng như những lần đánh đòn khác, P. để con nằm khóc, còn mình thì lúi húi đi giặt đồ, nấu cơm cho các con ăn. Trong lúc đó, cháu A. được anh trai bế lên giường nằm.
Đến khoảng 10h40 cùng ngày, bứt rứt trong người, P. đi vào phòng ngủ xem con gái thế nào thì thấy người con tím tái, hơi thở yếu nên mới tá hỏa gọi hàng xóm cùng đưa con đi cấp cứu tại trung tâm y tế huyện. Nhưng lúc này đã quá muộn, cháu A. đã tử vong do đa chấn thương.
Lỗi lầm quá lớn
Tại phiên tòa, bị cáo gần như dúm dó trước vành móng ngựa. Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, đen nhẻm, hai bàn tay cứ miết vào nhau. Đầu cúi thấp như đang bị hàng ngàn tấn "ân hận" đè lên, nặng trĩu. Thỉnh thoảng P. mới ngẩng lên khi trả lời một câu hỏi khó của chủ tọa phiên tòa.
Tôi có cảm giác như mỗi câu hỏi của hội đồng xét xử là một sự giày vò thể xác và tinh thần của bị cáo P., khi chúng như những thước phim quay chậm lần giở lại từng khoảnh khắc đau đớn của cháu A. sau những lần vụt roi, vụt cây của P. vào người cháu. "Lúc đầu bị cáo đánh con bằng cái gì?", "Dạ đánh bằng cán chổi".
Tòa hỏi: "Bị cáo đánh vào đâu?", "Dạ bị cáo chỉ đánh vào tay, chân, mông thôi". "Sao bị cáo lại đánh con như vậy", P. đáp: "Dạ tại cháu hư nên bị cáo phải dạy cháu".
Nghe đến đây, hội đồng xét xử phân tích: Bị cáo đánh con bằng chổi, rồi tát bằng tay, đá bằng chân. Chưa hả giận bị cáo còn lấy cây đập lên đầu. Như vậy sao gọi là dạy con được? Bị cáo đánh con mà còn hơn đánh kẻ thù, có người cha nào như bị cáo không?
Nghe tòa hỏi, khó khăn lắm P. mới đáp lí nhí: "Bị cáo không kiềm chế được vì bị cáo mất 4,6 triệu đồng mà con cứ nói chỉ lấy 3,6 triệu đồng nên bị cáo giận quá". Im lặng một lúc, giọng P. lại đứt quãng: "Bị cáo không ngờ... Bị cáo hận mình lắm... Tội bị cáo quá lớn...".
Ngồi dự phiên xử, tôi chỉ muốn phần xét hỏi trôi qua nhanh vì mỗi câu hỏi của chủ tọa phiên tòa cứ như một mũi dao cứa vào lòng không chỉ bị cáo P. mà còn cả thân nhân, gia đình và những người đến dự khán. Hình như không ai muốn dựng lại những "thước phim" đau buồn, nhắc lại nỗi đớn đau của cháu A. lúc hứng chịu trận đòn cuồng nộ của cha mình.
Khi được nói lời sau cùng, P. nấc nghẹn: "Bị cáo rất ăn năn vì tội lỗi mình gây ra. Tội của bị cáo quá lớn. Bị cáo đánh con dẫn đến cái chết của con là tội lỗi rất lớn. Bây giờ bị cáo chỉ xin hội đồng xét xử tuyên cho bị cáo mức án tử hình để bị cáo đền tội với con...".
Phiên xử đọng lại nhiều điều, nhắc nhở mọi người nhiều bài học về tình yêu thương và phương pháp dạy dỗ khi con trẻ sai phạm. Nhưng điều đọng lại khiến nhiều người không khỏi day dứt, đó là khi bị cáo P. nói lời sau cùng. Tôi nhớ mãi hình ảnh P. hôm đó đứng trước hội đồng xét xử, với ánh nhìn mệt nhọc cơ hồ sắp quỵ ngã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa cũng như áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định pháp luật, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đ.H.P. mức án 15 năm tù giam về tội "giết người".
Rời phiên tòa, tôi nhớ mãi lời một người hàng xóm của P. than thở: "Nóng nảy làm chi để giờ khổ cho thân mình và cả con cái. Cha thì đi tù, mấy đứa nhỏ còn lại không biết giờ trông cậy vào ai...".
Cân nhắc khi dùng đòn roi dạy con
Giáo dục bằng cách sử dụng bạo lực là phương pháp đã không còn phù hợp với thời hiện đại ngày nay và tuyệt nhiên không nên cổ xúy cho hành vi đó. Các chuyên gia giáo dục cho rằng dạy con cái bằng đòn roi không đúng cách sẽ dẫn đến những tác hại khôn lường như: khiến trẻ hung hăng, cục súc hơn; trẻ gia tăng hành vi sai trái; ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và làm trẻ suy giảm khả năng nhận thức... Vì vậy, các bậc làm cha làm mẹ phải hết sức cân nhắc khi dùng roi vọt dạy con trẻ.
Cha mẹ đánh con, coi chừng đi tù
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, nếu cha mẹ đánh đập con cái có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội "hành hạ người khác" (điều 140), với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam; hoặc tội "ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" (điều 185), với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam.
Ngoài ra, nếu vì bị đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi... làm con cái tự sát thì cha mẹ có thể bị phạt đến 12 năm tù do tội "bức tử" quy định tại điều 130 của luật này.
Tác giả bài viết: HOÀNG MINH KHÔI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn