'Thủ trưởng không thích là thua'

Thứ năm - 18/07/2019 21:07
Sáng 18/7, ngành Thanh tra tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019. Câu chuyện 30 năm trước đây lại được nhắc lại và hình như năm nào trong suốt thời gian ấy đều nhắc. Đó là câu trả lời làm sao hoạt động thanh tra có hiệu lực, hiệu quả.
'Thủ trưởng không thích là thua'
Thủ trưởng không thích là thua
Tại cuộc họp vừa nói, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện; một số biện pháp hiệu quả thấp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây dư luận và bất bình trong quần chúng, nhân dân.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán.

Nguyên nhân do đâu? Nếu “phạm vi hẹp” trong ngành Thanh tra thì ai cũng biết, gọi là “ngành” nhưng Thanh tra không theo ngành dọc. Ở cấp cao thì gọi là TTCP, ở cấp ngang/dọc là thanh tra Bộ, ngành; thanh tra tỉnh/thành phố và quận/huyện thì thuộc UBND. Nói tóm lại, hệ thống, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra, dù Luật Thanh tra sửa, bổ sung rất nhiều lần thì vẫn là “thanh tra thủ trưởng”.

Với Chính phủ, nhiệm vụ thanh tra hàng năm phải được Thủ tướng duyệt; Thanh tra các Bộ phải được Bộ trưởng duyệt và Thanh tra Sở, quận/huyện phải được Chủ tịch UBND cùng cấp duyệt. Tất nhiên, có nhiệm vụ đột xuất, những vấn đề nóng báo chí nêu lên, những vụ việc kiện cáo của công dân được lãnh đạo cùng cấp giao đột xuất... không được thủ trưởng cấp trên đồng ý thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ có “khóc”, không thể ra quyết định thanh tra.

Nhiều người hy vọng trong thời gian gần nhất, hoạt động thanh tra sẽ bảo đảm “tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời” như quy định tại Điều 10 Luật Thanh tra năm 2010 (Luật số 56/2010/QH12). Đây là vấn đề rất lớn của bộ máy.

Thanh tra là một chức năng của quản lý, nghĩa là nếu người lãnh đạo chưa tổ chức hoạt động thanh tra thì lãnh đạo chưa đầy đủ. Đáng tiếc, đây chính là “khâu yếu” của hoạt động thanh tra. Thủ trưởng không thích là thua. “Qua kiểm tra nội bộ phát hiện 3 vụ, 3 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 20 vụ, 10 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 5 vụ, 4 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng”, số liệu của TTCP nêu.

 

Tác giả bài viết: Ngô Đức Hành

Nguồn tin: baophapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây