Xăng E5 thay A92: Người tiêu dùng còn băn khoăn, lo lắng

Thứ năm - 18/01/2018 20:05
TP - Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc doanh nghiệp chỉ bán xăng E5 và A95 trên thị trường khiến người tiêu dùng mất gần hết quyền lựa chọn mà Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định. Người dùng xăng E5 cũng bày tỏ nhiều vấn đề băn khoăn về chất lượng xăng E5.
Xăng E5 thay A92: Người tiêu dùng còn băn khoăn, lo lắng
Nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn với chất lượng xăng E5. Ảnh: Như Ý.

Hàng loạt câu hỏi của người tiêu dùng

Sau khi xăng E5 chính thức thay thế xăng RON92, anh Nguyễn Văn Mạnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, khoảng nửa tháng nay, do không còn xăng RON 92 nên anh đành phải chuyển sang đổ xăng E5 cho chiếc xe Kia Morning để đi làm hằng ngày.

“Tôi đã dùng xăng E5 nhưng cảm giác thấy phương tiện của mình chạy không “êm” lắm. Bên cạnh đó, xăng E5 hao nhanh hơn RON 92 thì phải. Trước đây, tôi đổ 500.000 đồng xăng RON 92, đi được gần một tuần từ nhà đến chỗ làm (khoảng 3 km), nhưng giờ với số tiền tương tự, tôi đổ xăng E5 chỉ đi được khoảng 4-5 ngày”, anh Mạnh nói.

 Anh Mạnh cũng lo lắng khi trên mạng đã từng xuất hiện thông tin có ô tô bốc cháy. “Thật khó để biết xăng E5 có chất lượng hay không vì chúng tôi chỉ là người tiêu dùng chứ không phải chuyên gia. Nhưng rõ ràng, từ khi dùng xăng mới thấy xe có vấn đề khiến chúng tôi không khỏi lo lắng”, anh Mạnh nói.

Còn chị Bích Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) đi xe máy Lead cho hay: “Từ ngày đổ xăng E5, xe máy tôi thỉnh thoảng lại chết máy giữa đường trong khi trước đây dùng xăng cũ không thấy có hiện tượng này. Việc xe đang đi bỗng nhiên bị chết máy này rất nguy hiểm có thể gây tai nạn giao thông. Tôi nghĩ cơ quan chức năng phải có nghiên cứu rõ ràng hơn về chất lượng xăng E5 và công bố công khai thường xuyên để người tiêu dùng yên tâm sử dụng”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, hiện trên thế giới có hơn 50 nước sử dụng nhiên liệu sinh học. Sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giá rẻ hơn... Việc sử dụng xăng E5 tốt cho môi trường là chính sách của nhà nước nên ủng hộ.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, xăng khoáng là nhiên liệu truyền thống, đã quen sử dụng, được kiểm nghiệm thực tế qua thời gian. Trong khi đó, xăng sinh học mới đưa vào sử dụng tại Việt Nam, hiểu biết về xăng sinh học còn hạn chế, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng là một thách thức.

Ông Hùng cho rằng, người tiêu dùng có hàng loạt những băn khoăn như: Xăng sinh học không có nhiều nguồn cung cấp như xăng khoáng liệu có dẫn đến khả năng độc quyền khiến người tiêu dùng bị thiệt? Xăng sinh học với ethanol có nồng độ thấp, độ tinh khiết dưới 99,5 độ có gây hại cho động cơ? Tính hút ẩm hơn xăng và dễ ôxy hóa của ethanol, sử dụng xăng sinh học liệu có làm hư hỏng buồng đốt nhiên liệu của động cơ và những tác động không mong muốn khác? Thậm chí, trong trường hợp sử dụng lẫn xăng E5 và xăng A92 có an toàn?

Ông Hùng cho rằng, việc hiện nay chỉ dùng xăng E5 khiến người tiêu dùng mất quyền lựa chọn mà Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định rất rõ. “Rõ ràng, việc chỉ bán xăng E5 trên thị trường khiến người tiêu dùng bị mất quyền lợi của mình”, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói.

Doanh nghiệp vẫn kêu khó

Về việc triển khai bán đại trà xăng E5 RON 92, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối cho rằng, đã là chủ trương thì doanh nghiệp phải triển khai theo lộ trình. Còn thực tế, các DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, chưa kể phải tốn một khoản tiền không nhỏ khi chuyển đổi sang kinh doanh E5. Ước tính tùy theo quy mô mà chi phí đầu tư cho trạm phân phối khác nhau nhưng bình quân một trạm tốn khoảng 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dù có tới 29 DN đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, nhưng gánh nặng đầu tư để chuyển đổi và thực hiện việc phối trộn xăng sinh học E5 chủ yếu dồn hết lên vai của một số DN, trong đó có PV Oil, Petrolimex, Saigon Petro, Thành Lễ…

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, một số doanh nghiệp cho rằng, việc áp thuế bảo vệ môi trường khá cao với xăng E5 đang khiến các DN gặp khó. Theo quy định hiện hành, mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng với nhiên liệu mức IV với mức II đang được áp bằng nhau: 1.500 đồng/lít. Việc áp dụng mức thuế như vậy theo các doanh nghiệp là không 
hợp lý.

Trong văn bản của mình, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kiến nghị áp dụng chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch (tiêu chuẩn khí thải mức IV, V); đồng thời áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường ở mức thấp hơn, ví dụ bằng 90% mức thuế đối với các nhiên liệu tiêu chuẩn chỉ mức II. Petrolimex cũng đề xuất áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 và E10 lần lượt bằng mức 80% và 70% so mức thuế của xăng khoáng với thời điểm áp dụng từ 1/7/2018.

Về việc kinh doanh xăng E5 RON92, tại nhiều diễn đàn và hội thảo do Bộ Công Thương và các đơn vị tổ chức thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc kinh doanh xăng E5 RON 92 vẫn còn nhiều bất cập. Theo một lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, việc các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước đang đóng cửa, hoạt động cầm chừng đã dẫn đến chi phí sản xuất ethanol cao, kéo theo giá thành xăng sinh học E5 cao.
 

Một chuyên gia về xăng dầu khi trao đổi với PV cũng từng cho rằng, bên cạnh xóa sổ xăng RON92, đưa xăng E5 RON92 vào thay thế còn có câu chuyện liên quan đến hai nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Bình Phước của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phải dừng sản xuất, đắp chiếu thời gian qua. Hai nhà máy này nếu đưa vào khởi động trở lại như đề xuất mới đây của Bộ Công Thương sẽ giúp cung ứng cho thị trường khoảng 
200.000m3/năm.

Theo chuyên gia này, dù khởi động lại hai dự án này, việc duy trì hoạt động của hai nhà máy sẽ là bài toán rất lớn. Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất bio-ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) hiện đã bị đội vốn 2.219 tỷ đồng và chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành nhưng vẫn phát sinh nhiều chi phí. Còn dự án Nhà máy ethanol Bình Phước bị đội vốn lên hơn 1.700 tỷ đồng. “Chỉ cần nhìn vào các con số lỗ và chi phí đầu tư có thể thấy việc các nhà máy này khi khởi động lại sẽ gặp nhiều khó khăn, vì giá ethanol khó có thể cạnh tranh với nguồn nhập khẩu. Chưa kể nguồn nguyên liệu cũng là thách thức lớn. Đổ thêm tiền vào nhà máy này mà hàng sản xuất ra giá cao, không bán được hàng thì… chết”, vị này phân tích.
 

Doanh nghiệp nói an tâm về xăng E5

Ngày 18/1, khi được hỏi về tâm lý e ngại chất lượng xăng E5 RON 92 của người tiêu dùng, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết,  dưới góc độ nhà sản xuất, cung ứng, khẳng định xăng đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, thực tế bán sản phẩm xăng E5 RON92 ở 500 cửa hàng bán lẻ và 3.000 đại lý xăng dầu (là đối tác của PVOil) chưa có bất cứ cửa hàng hay người tiêu dùng phàn nàn về chất lượng xăng.

“Nếu có hỏng hóc động cơ hay ảnh hưởng tiêu cực của sản phẩm xăng E5, người tiêu dùng đã phản ánh và chúng tôi cũng không thể che giấu điều đó. Nếu có xảy ra vấn đề gì do chất lượng xăng E5 ảnh hưởng tới động cơ, PVOil sẵn sàng trao đổi với khách hàng”, đại diện PVOil nói.           

 

Tác giả bài viết: Quỳnh Nga

Nguồn tin: www.tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây