Mạnh chỉ sau vũ khí hạt nhân, "cuồng phong" Tornado-S giội bão lửa ở Syria

Thứ hai - 22/01/2018 02:10
(soha.vn) - Tại Syria, các hệ thống pháo phản lực phóng loạt của Nga đã khẳng định uy lực tuyệt đối, trong đó nổi bật là Tornado-S, vũ khí được ví sức mạnh chỉ sau vũ khí hạt nhân.
Mạnh chỉ sau vũ khí hạt nhân, "cuồng phong" Tornado-S giội bão lửa ở Syria
Mạnh chỉ sau vũ khí hạt nhân, 'cuồng phong' Tornado-S giội bão lửa ở Syria

Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị thường niên cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga cuối tháng 12 vừa qua, ông Vladimir Lepin, Tổng giám đốc Liên hiệp NPO Splav ở Tula (nằm trong Tập đoàn Techmash của Rostec); một trong những nhà sản xuất pháo phản lực hàng đầu của Nga nói:

Quân đội Nga đã thử nghiệm thành công trên thực chiến hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng lớn Tornado-S tiên tiến tại Syria".

Trước đó, những thông tin về việc thử nghiệm các hệ thống Tornado tại Syria đã được xuất bản trong tờ nội san Novosti của Công ty Splav. Kết quả thử nghiệm các hệ thống Tornado trên chiến trường Syria đã đưa ra một cách tiếp cận mới trong phát triển những hệ thống pháo phản lực phóng loạt trong tương lai.

Hậu duệ xuất sắc của "Dàn đồng ca đỏ" Cachiusa

Tornado-S là một biến thể hiện đại hóa sâu của hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng lớn (Multiple Launch Rocket System - MLRS) BM-30 Smerch.

Hệ thống MLRS BM-30 Smerch được Viện nghiên cứu Tochmash (nay đổi tên thành Liên hiệp NPO Splav) nghiên cứu, chế tạo cho quân đội Liên Xô vào những năm của thập kỷ 1980. Vào thời điểm đó, BM-30 là tổ hợp pháo phản lực phóng loạt mạnh nhất trên thế giới. Và cho đến nay, Smerch vẫn nằm trong số các tổ hợp pháo phản lực uy lực nhất.

Những hệ thống pháo phản lực Tornado-S mới chỉ bắt đầu được trang bị cho quân đội Nga vào mùa hè năm 2017; và nó đã có cơ hội thử lửa trên chiến trường Syria. Trong tương lai, những hệ thống Tornado-S sẽ thay thế các MLRS hiện có trong biên chế của quân đội Nga như BM-21 Grad và BM-30 Smerch.

Liên Xô trước đây là quốc gia tiên phong trong chế tạo các loại pháo phản lực bắn loạt. Pháo phản lực BM-13 Katyusha (Việt Nam hay gọi là Cachiusa) là hệ thống phóng đạn phản lực đầu tiên trên thế giới, được Liên Xô chế tạo trong Thế chiến thứ 2.

Mạnh chỉ sau vũ khí hạt nhân, cuồng phong Tornado-S giội bão lửa ở Syria - Ảnh 1.

Tranh minh họa tổ hợp pháo phản lực BM-13 Katyusha.

BM-13 Katyusha sử dụng đạn cỡ 132 mm, được phóng đi từ những thanh ray hình chữ I gắn trên xe vận tải quân sự bánh hơi ZiS-5, tầm bắn đạt đến 13 km. Một xe có 8 ray phóng; trong một lần bắn, BM-13 Katyusha bắn được tổng cộng 16 quả đạn.

So sánh với các loại pháo khác lúc đó, pháo phản lực có khả năng chế áp các mục tiêu có diện tích rộng trong thời gian rất ngắn vì pháo có tốc độ bắn rất nhanh, cộng với sức cơ động cao. Chỉ trong khoảng thời gian từ 7 tới 10 giây, một đại đội pháo BM-13 (6 xe phóng) có thể cày xới cả khu vực rộng đến 4 ha, san bằng công sự, phá nát các mục tiêu.

Chính vì sự tàn phá khủng khiếp như vậy, Katyusha đã trở thành một huyền thoại của Thế chiến 2, với biệt danh "Dàn đồng ca đỏ của Stalin" do những người lính phát xít Đức đặt tên.

Năm 1963, Liên Xô đưa vào trang bị hệ thống pháo phản lực BM-21; đây là hệ thống pháo phản lực có số lượng ống phóng nhiều hơn (40 ống phóng). Tuy nhiên BM-21 chỉ sử dụng cỡ đạn 122 mm, tầm bắn từ 1,6 đến 42 km.

Một loạt phóng của hệ thống BM-21 có thể tàn sát mục tiêu có diện tích lên đến 145.000 m2 (tương đương 15 sân bóng đá tiêu chuẩn). Đây cũng là hệ thống pháo phản lực hết sức thành công của Liên Xô, khi hiện nay có tới hơn 70 quốc gia có vũ khí này trong trang bị.

Không ngủ quên trên chiến thắng, vào thập niên 1980, các nhà sáng chế vũ khí Liên Xô đã cho ra đời hệ thống MLRS BM-30 Smerch. Đây là loại pháo phản lực cỡ nòng lớn đến 300 mm; nhưng số ống phóng của BM-30 Smerch đã giảm xuống còn 12 ống.

Loại đạn tiêu chuẩn của BM-30 Smerch là đạn 9M55 có chiều dài 7,6 m và nặng 800 kg. Tầm bắn của hệ thống đạt 20-70 km, phiên bản đạn 9M528 có tầm bắn tới 90 km. Một xe phóng của tổ hợp pháo phản lực Smerch có thể hủy diệt mọi sinh vật sống trên diện tích 67 hecta.

Và hậu duệ mới nhất của gia đình pháo phản lực phóng loạt của Nga đó là hệ thống MLRS Tornado-S. Các nhà thiết kế đã tập trung nâng cao tầm bắn và mức chính xác cho hệ thống Tornado-S.

Mạnh chỉ sau vũ khí hạt nhân, cuồng phong Tornado-S giội bão lửa ở Syria - Ảnh 2.

Hệ thống Tornado-S

Về độ chính xác, mức độ tản mát của đạn trong một loạt bắn không vượt quá 0,3% cự ly bắn, khi dùng đạn không có điều khiển. Về tầm bắn được nâng lên đến 200 km, tương đương tầm bắn của các loại tên lửa chiến thuật.

Với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, kết hợp với các loại máy bay trinh sát chỉ thị mục tiêu, đã nâng tầm hệ thống Tornado-S thành một vũ khí tiến công có tính năng của vũ khí chiến thuật – chiến dịch.

Tornado-S có thể tiến công các mục tiêu nằm sâu trong tung thâm phòng ngự của đối phương theo kiểu "phẫu thuật"; nhưng với giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại tên lửa chiến thuật.

Hệ thống Tornado-S sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm nổ mảnh (HEF), nhiệt áp (FAE), đạn cháy, đạn chùm có khả năng chống bộ binh hoặc chống tăng; đạn chống tăng tự dẫn có khả năng xuyên thủng lớp giáp 160mm.

Các loại đạn có điều khiển của hệ thống Tornado-S tương đương với tính năng của các loại tên lửa chiến thuật tiên tiến nhất hiện nay. Tọa độ mục tiêu được ghi trong bộ nhớ của đầu đạn, trong quá trình bay, kết hợp với việc sử dụng tín hiệu vệ tinh GLONASS để điều chỉnh đường bay của đạn; do vậy độ lệch tối đa so với tâm mục tiêu không quá 1 mét.

Với tầm bắn lên đến 200 km, đầu đạn nặng đến 280 kg và độ sai lệch chỉ là 1 mét; như vậy một quả đạn của hệ thống Tornado-S tương đương với mức chính xác và sức công phá của một quả tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ dùng để tiến công căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs – Syria vào tháng 4/2017; chỉ khác là tầm bắn hai loại tên lửa này khác nhau.

Tuy nhiên giá thành của đạn Tornado-S rẻ hơn tên lửa hành trình Tomahawk nhiều lần.

Mạnh chỉ sau vũ khí hạt nhân, cuồng phong Tornado-S giội bão lửa ở Syria - Ảnh 3.

Hệ thống Tornado-S.

Một nhược điểm của các hệ thống pháo phản lực đó là việc nạp đạn sau mỗi lần bắn thường tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, đối với hệ thống Tornado-S, vấn đề nạp đạn đã thay đổi đáng kể so với người tiền nhiệm là BM-30 Smerch. Hệ thống BM-30 Smerch, quá trình nạp đạn cho một xe phóng hết 20 phút hoặc hơn.

Đối với hệ thống Tornado-S, ống phóng theo kiểu modul; xe nạp đạn sẽ cẩu toàn bộ ống phóng đã được nạp đạn sẵn, thay thế những ống phóng đã bắn xong. Do vậy, tốc độ bắn chỉ phụ thuộc vào các xe vận chuyển đạn mà thôi.

Thế hệ pháo phản lực của tương lai

Các hệ thống pháo phản lực rất ít được giới lãnh đạo quân đội Mỹ quan tâm. Phải đến tận những năm cuối của thập kỷ 1970, khi họ bị thuyết phục bởi hiệu quả của các hệ thống MLRS BM-21 Grad, nên công tác nghiên cứu mới được triển khai.

Kết quả nghiên cứu và phát triển đã tạo ra hệ thống phóng phản lực đa năng M-270 vào năm 1983 và hệ thống HIMARS vào năm 2005. Cả hai hệ thống trên được sử dụng giống như MLRS, tuy nhiên nó còn có thể sử dụng làm bệ phóng tên lửa chiến thuật với tầm bắn lên tới 300 và 400 km.

Những hệ thống MLRS của Mỹ sức công phá so với của Nga thường kém hơn, ví dụ hệ thống MLRS M-270 của Mỹ có 12 ống phóng, sử dụng đạn cỡ 240 mm, trọng lượng đầu đạn 150 kg, tầm bắn từ 10-40 km, diện tích sát thương trong một loạt bắn là 25.000 m2.

Mạnh chỉ sau vũ khí hạt nhân, cuồng phong Tornado-S giội bão lửa ở Syria - Ảnh 4.

Hệ thống MLRS HIMARS.

Hệ thống MLRS HIMARS cũng thấp hơn về hiệu quả đối với các hệ thống MLRS tốt nhất của Nga. HIMARS có sáu ống phóng, tầm bắn khoảng 80 km, không xa hơn nhiều so với hệ thống BM-30 Smerch; sử dụng đạn cỡ 227 mm, và diện tích sát thương chỉ khoảng 6,7 ha.

Giới chức quân đội Mỹ thường không tin tưởng vào mức chính xác của các loại pháo phản lực, và họ cũng không muốn chế tạo và biên chế hàng loạt các loại MLRS này. Điều này được minh chứng bởi số lượng các hệ thống MLRS HIMARS mà Lầu năm góc đặt mua chỉ là 60 hệ thống; trong khi đó BM-30 Smerch hiện có khoảng 300 hệ thống trong biên chế của quân đội Nga.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đang nổi nên là một quốc gia tiên phong trong đầu tư phát triển các hệ thống MLRS. Mới nhất là tập đoàn Hàng không vũ trụ Tứ Xuyên đã phát triển hệ thống MLRS WS-3.

Hệ thống MLRS này gồm 6 ống phóng; nó bắn được các loại đạn có điều khiển với cỡ đạn lên đến 400 mm, tầm bắn từ 70 – 200 km. Quá trình bay, đạn điều chỉnh quỹ đạo bằng hệ thống vệ tinh GPS, do đó độ lệch tối đa là 50 mét

Trong năm 2008, Trung Quốc trình làng một hệ thống MLRS khác là WS-2D với tầm bắn khủng tới 400 km.

Một xe phóng WS-2D có 6 ống phóng, sử dụng loại đạn có điều khiển cỡ 425mm; nhưng khác với hệ thống WS-3 sử dụng phương pháp dẫn đường điều chỉnh bằng GPS, WS-2D chỉ sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, nên độ chính xác không cao; độ lệch tâm tối đa là 600 mét.

Hiện nay quân đội Nga đang tiến hành chương trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị giai đoạn 2018-2027 (SAP-2017), một trong những hướng ưu tiên của pháo binh Nga là tiến hành thay thế các hệ thống MLRS thế hệ cũ bằng hệ thống Tornado-S.

Như lời Tổng công trình sư của NPO Splap Boris Belobrahin, hệ thống Tornado-S chính là sự đột phá để tạo ra một hệ thống pháo phản lực bắn loạt thế hệ mới tiếp theo.
theo Thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây