Qua tư liệu của nhân viên tên N. cung cấp và tiếp xúc các nạn nhân của những app cho vay, cho thấy những ông chủ người nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, đã thuê mướn rất nhiều nhân viên phục vụ cho hoạt động cho vay, đòi nợ.
Từ thông tin mà khách hàng đã cung cấp, các tài khoản mạng xã hội, email, danh bạ điện thoại của người vay… sẽ bị nhân viên của bên cho vay khủng bố.
Chịu không xiết với lãi suất khủng
N. cho hay ngoài việc đánh giá, phê duyệt hồ sơ vay của khách hàng thì những nhân viên được đào tạo cách dọa nạt, khủng bố tinh thần, chửi bới con nợ để đòi tiền. “Cho vay chẳng có tài sản thế chấp, không gặp mặt, giao dịch hoàn toàn qua mạng nên việc đòi nợ rất được chú trọng” - N. nói.
Tuy nhiên, tài liệu mà chúng tôi thu thập được cho thấy nhiều nhân viên của app vayvang cũng bất lực trong việc đòi tiền khách hàng.
Trao đổi với chúng tôi, L. (28 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã vay tiền của nhiều app và vay app này để trả tiền cho app kia.
“Em vay từ đầu năm nay. Do cần tiền nên lậm vào. Từ số tiền nợ ban đầu là 1 triệu đồng thì giờ đã tăng lên gần 50 triệu đồng, hiện em đã mất khả năng chi trả” - L. nói.
L. cho biết một thời gian dài mình không dám quỵt nợ ngày nào vì sợ bị bêu riếu trên mạng xã hội hoặc người thân bị khủng bố. “Một năm qua em làm được bao nhiêu tiền đều “cúng” hết cho họ, không dám sắm sửa gì cho con, không lo cho gia đình. Giờ em hối hận, chỉ biết trách bản thân mình” - L. nói.
Đến thời điểm trả lời chúng tôi, L. vẫn chưa thể trả được hết nợ. Cô cho biết mình chỉ còn cách trốn vì “hiện em đã không còn khả năng chi trả nữa rồi”.
Tương tự, anh ĐVT (36 tuổi, ngụ Châu Đốc, An Giang) cho biết: “Vợ tôi và tôi mấy ngày nay đều không trò chuyện vì vay tiền qua app. Vợ vay nhưng tôi không biết. Đến khi tôi bị đòi tiền thì mới tá hỏa” - anh T. nói.
Anh cho biết đang kẹt tiền, không thể thanh toán khoản vay 10 triệu đồng mà vợ vay của app Cashwagon.
Th. (21 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) cho hay là đã vay của một số app như Titiapp, 360, vaytocdo… với số tiền từ 1 triệu đến hơn 3 triệu đồng. Những app này cho vay trong thời hạn bảy ngày. “Giờ tôi vào đường cùng rồi, đã gắng cả năm nay mà không trả hết được” - Th. nói.
Th. cho biết liên tục cả năm ròng đã vay của app này để trả cho app kia, lãi mẹ đẻ lãi con, tiền cứ thế nhân lên. Giờ cô thành “con nợ” của khoảng 10 app vay và bị áp lực khủng khiếp về tâm lý. “Nợ lại càng nợ, giờ tôi chịu không nổi, chỉ sợ là người ta gọi điện thoại về nhà rồi đăng tải trên mạng xã hội” - Th. tiếp.
Hàng loạt app vay tiền trên mạng mời gọi con nợ. Ảnh: NT
Tin nhắn khủng bố liên tục đẩy lên điện thoại.
Đòi nợ kiểu khủng bố
Tư liệu chúng tôi nắm được cho thấy một phần cách thức đòi tiền của những chủ app. Khi người vay không trả đúng hạn thì các nhân viên sẽ liên tục khủng bố.
Từ những thông tin người vay cung cấp, các nhân viên sẽ gọi điện thoại đòi tiền, sau đó tung chiêu “khủng bố” bằng việc “spam” qua điện thoại, các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) của người thân, bạn bè, danh bạ điện thoại của người vay bất kể ngày đêm.
Trong tài liệu app vayvang, các báo cáo nhân viên đòi nợ ghi rõ việc spam tài khoản mạng xã hội, người thân của các khách hàng. Cụ thể, Facebook của người vay có nhiều bình luận của tài khoản Nhã Nhã với nội dung: “Cảnh giác lừa đảo đối tượng ABC… Dùng thủ đoạn câu kết lừa đảo, vay vốn công ty tài chính của chúng tôi sau đó trốn nợ…” đồng thời cho số điện thoại ở cuối. Người vay có bình luận lại là không gọi được cho nhân viên kèm những câu chửi bới…
Một báo cáo khác được đề ngày 3-10 cũng ghi nhận việc đòi tiền qua tài khoản Facebook. Tài khoản đăng spam đòi tiền “khủng bố” nhiều nhất vẫn là tài khoản Nhã Nhã.
Ngoài việc đòi tiền trên Facebook của khách vay, nhân viên các app còn bình luận, nhắn tin vào các tài khoản mạng xã hội của người thân, bạn bè thân của khách hàng. “Họ liên tục spam, gọi điện thoại bất kể ngày đêm. Cứ biết tài khoản nào có mối liên hệ với mình là họ đòi, nhắn tin, gọi điện thoại... với những lời lẽ không tốt đẹp” - anh N., cựu nhân viên vayvang nói.
Trong báo cáo hằng ngày, nhân viên các app cho vay ghi rõ lý do không đòi được nợ: “Người vay không nghe máy”, “khách hàng hứa trả”, “spam điện thoại mẹ khách hàng thì mẹ nói khách hàng đi chơi”, “khách hàng thuê bao”, “khách hàng hẹn 5 giờ hôm nay thanh toán”, “gọi không nghe, nhắn tin Zalo thì hẹn chiều trả”. Có trường hợp nhân viên ghi rõ: Chưa spam Facebook”, “thánh nói láo, nói dóc, con té dập lá lách, cha chồng em bị chết”, “khách hàng cố tình không thanh toán”… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn