"Tư lệnh" ngành nào chưa thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm?

Thứ hai - 10/09/2018 03:04
(Dân Việt) - Tại phiên họp thứ 27 khai mạc sáng 10.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến nhiều nội dung, trong đó có kế hoạch về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 (khai mạc tháng 10 tới).
"Tư lệnh" ngành nào chưa thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm?

   

 'tu lenh' nganh nao chua thuoc dien quoc hoi lay phieu tin nhiem? hinh anh 1

Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm (ảnh Quochoi.vn).
 

Phiên họp thứ 27 này dự kiến tiến hành từ ngày 10 đến 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung, trong đó cho ý kiến về 8 dự án Luật chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; Báo cáo công tác năm 2018 và Kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6…

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban công tác đại biểu cho biết: Việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 tới thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13. Theo quy định chức danh nào do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tính đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm chưa đủ 9 tháng thì không lấy phiếu tín nhiệm.

Như vậy, chiếu theo quy định, tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ hợp Quốc hội sắp tới là 49 người.

Có hai trường hợp đáng chú ý trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần này là trường hợp ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Đây là hai thành viên Chính phủ không được Quốc hội phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV mà được phê chuẩn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (tháng 10.2017). Như vậy tính đến kỳ họp Quốc hội tới là hơn 9 tháng nên hai ông thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

Ngoài ra, theo ông Trần Văn Túy, trường hợp ông Trương Minh Tuấn (bị tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện đang là Phó Ban chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương) và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. 

Theo Nghị quyết số 85/2014/QH13, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

- Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
 

Các dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 27 gồm:  Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Hành chính công; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Đồng thời, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây