Kết quả bước đầu đạt được là một số bộ, ngành và địa phương đã tuyển dụng được sinh viên tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học và thu hút được những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư về làm việc cho cơ quan, đơn vị mình...
Nhiều chính sách đan xen chưa phù hợp
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, bất cứ một chế độ nào, Nhà nước nào, cơ quan nào, thời điểm nào cũng quan tâm đến việc thu hút và trọng dụng nhân tài. Thời gian qua, vấn đề trọng dụng nhân tài được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, mỗi địa phương cũng có chính sách về việc này, có nơi khá thành công, có nơi chính sách không phù hợp. Hiện nay, các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đan xen nhau không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và còn nhiều vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn, các chính sách về thu hút, trọng dụng người tài trong khu vực công còn một số bất cập như: Chưa có văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; chưa được thực hiện một cách đồng bộ, còn tuỳ thuộc vào khả năng, điều kiện của từng bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, các quy định mới mang tính nguyên tắc, nằm riêng lẻ trong các văn bản quản lý cán bộ, công chức nói chung, nội dung các quy định chưa hợp lý, mới chỉ đề cập đến những ưu tiên, ưu đãi cho những người có năng lực, trình độ cao...
Trải thảm đỏ thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan là xu thế chung của các doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: Internet
Chia sẻ về chính sách thu hút nhân tài, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết, trong những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và đã bổ sung, điều chỉnh theo từng giai đoạn để phù hợp với thực tiễn. Đến nay, TP Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên (trong đó, tiến sĩ: 25 người; thạc sĩ, bác sĩ nội trú: 283 người; đại học: 961 người). Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, thực hiện chính sách đảm bảo có tính vượt trội so với đối tượng khác trong cùng cơ quan như: Chế độ đãi ngộ ban đầu, hỗ trợ hàng tháng, bố trí nhà cho một số đối tượng, ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm trong việc tiếp nhận, sử dụng, bố trí công việc phù hợp; tính chủ động trong việc tiếp nhận, sử dụng các đối tượng thu hút của các đơn vị chưa cao; còn tình trạng đăng ký nhu cầu nhưng không đồng ý tiếp nhận đối tượng thu hút khi cơ quan có thẩm quyền phân bổ về đơn vị công tác …
“Để thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong khu vực công, thời gian tới, Đà Nẵng cần mở rộng hình thức, đối tượng thu hút; thay đổi chế độ đãi ngộ; chú trọng và làm tốt công tác sử dụng và “giữ chân nhân tài” như: Bố trí, phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường; tạo điều kiện để những đối tượng này tham gia vào các chương trình, dự án lớn của ngành, địa phương…”, ông Võ Ngọc Đồng nhấn mạnh.
Phải có chính sách trọng dụng, giữ chân nhân tài
Theo PGS-TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Nhà nước cần phải thể hiện rõ và cụ thể hóa được quan điểm “nhân tài là nguyên khí quốc gia” và phải xây dựng được cơ chế, chính sách trọng dụng, giữ chân nhân tài trong khu vực công.
Đầu tư cho nhân tài là “đầu tư rủi ro”, nhân tài có thể rơi rụng, có thể chưa phát huy được năng lực, sở trường ở từng thời điểm nhất định; đầu tư cho nhân tài là tốn kém nhưng ngược lại, nếu họ phát huy được năng lực sẽ mang lại hiệu quả cao ngoài mong đợi. Do đó, nhân tài phải được cống hiến và mong muốn được cống hiến trong khu vực công chứ “không phải thu hút để sai vặt”.
Để thu hút được nhân tài, PGS-TS Lê Minh Thông cho rằng, cần phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, phải có giải pháp sàng lọc, loại bỏ những người không có năng lực, ý thức kém, phải làm cho bộ máy tinh gọn, như vậy mới có chỗ để thu hút người có tài năng. Đã là công chức, viên chức thì cơ bản phải là tinh hoa. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa chính sách thu hút nhân tài và quan trọng hơn là người đứng đầu phải có uy tín, có tâm, có tầm, phải xây dựng được hình tượng người đứng đầu có nhân cách, đạo đức tốt, có tố chất lãnh đạo, có khả năng quy tụ để thu hút được nhân tài.
Hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” với mục đích nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện việc thu hút, trọng dụng nhân tài mang lại hiệu quả. Cùng với đó, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài; góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tài trong các cơ quan của Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở.
Bộ Nội vụ đề nghị các đơn vị, địa phương nghiên cứu tìm giải pháp để phát hiện nhân tài mới có thể theo dõi, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng. Khi phát hiện rồi thì cơ chế, chính sách thu hút thế nào; về cơ chế tuyển dụng, tạo điều kiện tiếp cận công việc; về môi trường làm việc; các giải pháp để trọng dụng, tôn vinh, cơ hội thăng tiến…
“Phải có cơ chế mở rộng quyền cho người đứng đầu trong việc tuyển dụng, sử dụng nhân tài. Không giới hạn phạm vi về nhân tài, không phân biệt nhân tài khu vực công, khu vực tư, trong nước, ngoài nước”, đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Theo Phương Anh (Thanh tra)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn