Sửa Luật BHXH và giảm số năm đóng BHXH: Vì sao cả Doanh nghiệp và người lao động đều mong mỏi ?

Thứ sáu - 29/10/2021 03:47
(Pháp lý) – Số lượng người lao động (NLĐ) hưởng BHXH một lần tăng mạnh dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm. Những bất cập khác được nêu ra là quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn; chính sách BHXH hiện hành thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng...Đó là những lý do bức thiết từ cuộc sống đặt ra cần sớm sửa đổi Luật BHXH và đặc biệt cần giảm dần số năm đóng BHXH cho cả Doanh nghiệp ( DN) và NLĐ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: "Bảo hiểm xã hội đến nay thực sự từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa, khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia lao động"
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: "Bảo hiểm xã hội đến nay thực sự từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa, khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia lao động"

Được và chưa được của chính sách bảo hiểm dưới lăng kính các Đại biểu Quốc hội

Tổng kết thực tiễn thi hành Luật BHXH 2014 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực tiễn thực hiện luật cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Đơn cử là diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp. Phát triển đối tượng BHXH còn dưới mức tiềm năng, còn nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. Số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm.

Trong giai đoạn 2012 - 2020, mỗi năm bình quân có khoảng 700 nghìn người hưởng BHXH một lần trong khi số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ gần 600 nghìn người; tức là cứ có người mới tham gia vào BHXH thì có ít nhất 1 người rời khỏi hệ thống. Số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm đặt áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH và đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong tương lai.

Những bất cập khác được nêu ra là, quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn; quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn; chính sách BHXH hiện hành thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng...

Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách BHXH đã đặt ra nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật BHXH hiện hành và đang là một “bài toán” khó đặt ra đối với ngành BHXH.

Chiều ngày 27/10, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đã đề cập tới quy định về hưởng BHXH một lần. Đại biểu cho biết, thực tế, thời gian gần đây, số lượng hưởng BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng. Năm 2020 là 860.741 người tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020.

92-1635478873.jpg
Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cuối năm 2019 đã tổ chức hội thảo “Một số vấn đề về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)”.

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện tuy có tăng so với năm 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao. Chủ yếu, người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn 700 nghìn đồng/tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện còn khá khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, một trong số những nguyên nhân khiến BHXH chưa được như mong muốn đó là những quy định và chính sách chưa đủ sự hấp dẫn thu hút người tham gia. Trong đó có quy định về thời gian đóng 20 năm là tương đối dài. Chế độ hưởng còn hạn chế, đặc biệt là còn thiếu sự linh hoạt, đa dạng về hình thức đóng so với các loại hình bảo hiểm thương mại có tính chất tương tự trên thị trường.

Để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết 28/2018, đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng, cần có giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng tỷ lệ BHXH tự nguyện. Trong thời gian tới, cần sớm xem xét về chính sách rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia. 

Trong đó, ông cho rằng, cần có những phương thức và cách tính theo giá trị dòng tiền, tăng sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều người tham gia BHXH tự nguyện.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề cập tới quy định về hưởng BHXH một lần. Đại biểu nêu thực tế, thời gian gần đây, số lượng hưởng BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng. Năm 2020 là 860.741 người tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020. 

“Nghĩa là “cứ một người tham gia BHXH thì có 2 người rời hệ thống”. Đây là một thực tế đáng quan ngại bởi nếu không có giải pháp, có thể sẽ phá vỡ hệ thống BHXH. Người lao động rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất sẽ dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai. Đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH, cũng như đảm bảo an sinh xã hội của đát nước” - đại biểu Nguyễn Hải Anh nói.

Phát biểu tiếp thu, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định BHXH đến nay đã từng bước trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia.

Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các cơ quan sẽ khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH và Luật Việc làm. Về thể chế hóa Nghị quyết 28, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có một số nội dung đã tiến hành như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách Nhà nước.

“Tới đây, sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như phát triển hệ thống BHXH đa tầng, sửa đổi giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới giảm còn 10 năm; phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng công bằng, bình đẳng và phát triển bền vững…”, ông Dung nói.

Tại phiên thảo luận tổ ngày 22/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nếu sửa sớm thì sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần. Với quy định hiện nay, người lao động đóng BHXH 20 năm mới được hưởng chế độ hưu trí và điều kiện để rút một lần rất dễ dàng. Ông nhắc lại Nghị quyết 28 Trung ương khóa XII có đề cập đến việc phải rút ngắn thời gian đóng BHXH theo hướng có thể giảm thời gian đóng xuống 15 năm, thậm chí có thể tiến tới chỉ đóng 10 năm.

Khi người lao động chỉ đóng BHXH từ 10 - 15 năm, họ còn theo đuổi tiền lương hưu về già. Trong khi đó, nếu rút BHXH một lần, họ chỉ được hưởng phần của mình đóng là chính (trong BHXH có phần của người lao động đóng, có phần của người sử dụng lao động đóng). Do vậy, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH sẽ hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần.

93-1635478873.jpg

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị trực tuyến

Chuyên gia, doanh nghiệp và người lao động bình luận và kiến nghị gì?

Trao đổi với PV Pháp lý, Luật sư Lưu Bá Khiết (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng, chính sách về thời gian đóng bảo hiểm hiện nay rất bất lợi đối với người lao động và doanh nghiệp. Bởi theo vị Luật sư, từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 Luật BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 Luật BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH. Cụ thể: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 56 Luật BHXH được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. 

Luật sư Khiết lấy ví dụ về trường hợp ông Phạm Văn N. sinh ngày 22/12/1967, là nhân viên hành chính hợp đồng lao động dài hạn trong một doanh nghiệp của TP.HCM vừa bị giải thể vào tháng 6/2021 do khó khăn bỡi đại dịch Covid-19. Ông N. có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 29 năm. Nay công ty giải thể, ông N. có nhu cầu nghỉ hưu trước tuổi từ năm 2021, nhưng không thuộc diện suy giảm khả năng lao động, tức thuộc diện nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2013 quy định về tuổi nghỉ hưu như sau: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ”. 

Như vậy, đến tháng 7 năm 2028, ông N. mới đủ tuổi nghỉ hưu. Theo tính toán của BHXH Quận 6, TP.HCM với mức lương được Công ty trả 5.408.000 đồng/ tháng (trước khi giải thể một năm), ông N. muốn nhận đủ mức lương hưu 75% (4.056.000 đồng/tháng), thì ông phải tự bỏ tiền túi tiếp tục đóng BHXH tự nguyện với số tiền là 1.730.560 đồng/ tháng (trong đó BHXH: 1.352.000 đồng; BHYT: 243.360 đồng; BHTN: 108.160 đồng; BHTNLĐ: 27.040 đồng). Có nghĩa, ông N. phải tự đóng BHXH tự nguyện thêm 7 năm (84 tháng x 1.730.560 đồng) = 145.367.040 đồng, mới đủ tuổi để được nhận sổ hưu. 

Khi đó, ông N. có số năm vượt tỷ lệ 75% là 2 năm. Như vậy căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật BHXH, “cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập đóng BHXH”, ông N. sẽ được hưởng 50% của mức lương đóng BHXH khi Công ty giải thể, tương đương với số tiền là (2.704.000 đồng x 2 tháng) 5.408.000 đồng. Trong khi đó, trong thời gian 2 năm, ông N. phải bỏ ra số tiền để tham gia BHXH tự nguyện là (1.730.560 đồng x 24 tháng) 41.533.440 đồng, chênh lệch số tiền hơn 36.000.000 đồng, hay nói cách khác BHXH đã làm “bốc hơi” của người tham gia BHXH tự nguyện số tiền lên tới 7 lần.

Từ bất cập trên, Luật sư Khiết khuyến cáo cho ông N. nên lựa chọn giải pháp chốt sổ BHXH từ năm 2021 để chờ đến đủ tuổi nhận sổ hưu, sẽ có lợi hơn. “Mặc dù, tỷ lệ mức lương hưu của ông N. là 65% (trong đó gồm 45% của 19 năm; và 20% của 10 năm đóng BHXH vượt), tương đương với số tiền 3.515.200 đồng. Song chốt sổ BHXH năm 2021, ông N. sẽ không phải tự mình bỏ ra một khoản tiền lên tới gần 150 triệu đồng để tiếp tục duy trì mạch đóng BHXH trong thời gian 7 năm để chờ đủ tuối hưu. Ngoài ra theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm, ông N. còn được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp”, LS Khiết cho biết.

94-1635478873.jpg
Đến thời điểm này người lao động chỉ mới nhận được số tiền của BHXH chi trả về khoản thất nghiệp 3.090 tỷ cho 1,1 triệu lao động; và cũng chỉ có hơn 230.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề

Vì vậy để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, theo LS Khiết, về lâu dài Luật BHXH cần sửa đổi bổ sung theo hướng rút ngắn thời gian đóng BHXH để được nhận lương hưu xuống còn 15 năm, phù hợp theo tinh thần Nghị quyết 28 Trung ương khóa XII; hoặc rút ngắn thời gian được hưởng tỷ lệ mức lương hưu khởi điểm 45% xuống còn 15 năm tham gia BHXH như trước đây (thay vì 20 năm, kể từ năm 2022 như hiện nay). Trường hợp nếu giữ nguyên quy định như hiện nay, thì phải nâng tỷ lệ % mức lương hưu được hưởng vượt 20 năm tham gia BHXH, từ 2%/năm lên 2,5%/năm, để rút ngắn thời gian người lao động được hưởng mức lương hưu tối đa 75%.

Trao đổi với PV Pháp lý khi theo dõi phiên họp của QH bàn về chính sách BHXH, đại diện một số DN  tâm tư: ngành BHXH thời gian qua đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhưng vẫn cần tiếp tục phải đẩy mạnh hơn nữa giảm tối đa các thủ tục hành chính, rà soát cho ra khỏi ngành những công chức tham nhũng vặt, cửa quyền, vòi vĩnh DN và NLĐ. Cán bộ ngành BHXH cần xác định rõ vị trí họ đang công tác tại cơ quan  là cơ quan được Chính phủ lập ra để giữ, quản hộ tiền cho NLĐ, có trách nhiệm phục vụ và chăm lo cho NLĐ, chứ không phải là cơ quan ban phát chế độ cho NLĐ. Nên cán bộ bảo hiểm cần phải chuyển từ thái độ ban phát sang phục vụ NLĐ. Phục vụ tốt , chăm sóc tốt thì sẽ thu hút ngày càng nhiều DN và NLĐ tham gia.

Luật gia Lê Văn Trung (Hội Luật gia tỉnh Bình Định) bình luận và kiến nghị: đại dịch Covid -19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong quý II năm 2021, cả nước khoảng 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm mất việc làm, tạm nghỉ, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, hoặc giảm thu nhập. Quy mô lực lượng lao động giảm 0,7% trong khi có thêm 1,6% người lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm trong quý II năm 2021 so với quý II năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng thêm lần lượt 0,2 điểm phần trăm và 1,3 điểm phần trăm trong quý II năm 2021 so với quý II năm 2019… Hơn lúc nào hết, người lao động đang rất cần được hưởng quyền lợi từ Quỹ BHTN, nói nôm na họ đang cần được nhận lại một phần tiền lương mà họ đã chắt chiu “bỏ ống”, để cầm cự trước khó khăn. 

Thế nhưng trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, đến thời điểm này người lao động chỉ mới nhận được số tiền của BHXH chi trả về khoản thất nghiệp 3.090 tỷ cho 1,1 triệu lao động; và cũng chỉ có hơn 230.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề (chiếm chưa tới 4% số lao động thất nghiệp). Trong khi tổng số tiền kết dư của Quỹ BHTN đến nay, theo Bộ trưởng Bộ LDTB&XH Đào Ngọc Dung giải trình trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã có gần 1 triệu tỷ đồng và có tới hơn 13,3 triệu người đóng quỹ BHTN, chiếm 27,5% lực lượng lao động cả nước.

“Nguyên nhân do thủ tục quy định quá chặt chẽ, Luật gia Vũ Lê Minh dẫn một trong những “điểm nghẽn” quy định tại Điều 55 Luật Việc làm, để được thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện: Chấm dứt hợp đồng, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm sau 15 ngày; đặc biệt là phải đóng quỹ BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng hoặc 36 tháng trước khi mất việc làm. Với quy định này nói thẳng đã loại những lao động có hợp đồng ngắn hạn hoặc có thời gian đóng quỹ BHTN chưa đảm bảo thời gian và thời hạn ra ngoài “vùng phủ sóng của chính sách”. Vậy ai, cơ quan nào được hưởng  2% số tiền mà chính bản thân người lao động và người sử dụng lao động đã bỏ ra tham gia quỹ BHTN trong suốt thời gian trước đó ?.

Với mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BHTN tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng (theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo là làm khó cho người lao động, bởi rất khó để tìm được cơ sở dạy nghề có mức thu học phí phù hợp. Hơn nữa theo quy định, “mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề”. Có nghĩa người lao động không tự mình quyết định số tiền hỗ trợ… 

Luật gia Vũ Lê Minh dẫn một trong những “điểm nghẽn” quy định tại Điều 55 Luật Việc làm, để được thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện: Chấm dứt hợp đồng, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm sau 15 ngày; đặc biệt là phải đóng quỹ BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng hoặc 36 tháng trước khi mất việc làm. Với quy định này nói thẳng đã loại những lao động có hợp đồng ngắn hạn hoặc có thời gian đóng quỹ BHTN chưa đảm bảo thời gian và thời hạn ra ngoài “vùng phủ sóng của chính sách”. Vậy ai, cơ quan nào được hưởng  2% số tiền mà chính bản thân người lao động và người sử dụng lao động đã bỏ ra tham gia quỹ BHTN trong suốt thời gian trước đó ?.

Như vậy, để khai thông bế tắc tạo điều kiện cho nhiều người lao động được tiếp cận với quỹ BHTN, Luật gia Lê Văn Trung cho rằng, Luật Việc làm cần mở rộng điều kiện thụ hưởng Quỹ BHTN không còn ràng buộc bởi thời gian và thời hạn. Hay nói cách khác, phạm vi thụ hưởng được mở rộng, theo hướng không bị khống chế thời gian đóng BHTN. Việc sửa đổi này cũng phù hợp với tinh thần Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. 

Anh Nguyễn Đình Lê (Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Chí Linh – tỉnh Hải Dương) cho biết rất đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến việc phải rút ngắn thời gian đóng BHXH theo hướng có thể giảm thời gian đóng xuống 15 năm, thậm chí có thể tiến tới chỉ đóng 10 năm. Anh Lê cho rằng với nhiều công nhân thợ mỏ anh đã tiếp xúc, đây là ngành nghề rất độc hại đến sức khỏe, làm đến 15 năm là cả một nỗ lực không hề nhỏ của người lao động. Do đó rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm để người lao động được hưởng lương hưu vừa tạo điều kiện để họ được nhận số tiền hưu sớm vừa là một chiến lược quan trọng để bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, Anh Lê kiến nghị cơ quan chức năng cũng cần xem xét thêm yếu tố độ tuổi nghỉ hưu để bảo đảm tương thích.

Theo bà, Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, giảm số năm đóng có những tác dụng tốt song cũng nên cân nhắc thận trọng, một trong những điều quan trọng nhất của chính sách hưu trí là bảo đảm được mức sống tương đối cho người già khi về hưu, không còn khả năng lao động. Nếu thời gian đóng thấp quá kéo theo mức hưởng thấp thì thực tế mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người về hưu sẽ không đạt được.

Về mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, chúng ta có thể xem xét giảm xuống từ 1% xuống còn 0,5%. Nếu giảm như vậy mỗi năm sẽ giảm được gần 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người lao động để chăm lo cho đời sống của người lao động và sản xuất kinh doanh.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng hiện chỉ bài toán trợ cấp thất nghiệp được giải quyết, còn mục đích đảm bảo việc làm bền vững chưa được nhiều. Trong thời điểm dịch COVID-19 này ông Quang cho rằng giảm mức đóng cũng là hình thức giúp người lao động vượt qua khó khăn.

Nhóm PV

Theo https://phaply.net.vn/sua-luat-bhxh-va-giam-so-nam-dong-bhxh-vi-sao-ca-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-deu-mong-moi-a253765.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây