Quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng thể chế

Thứ năm - 03/10/2019 21:50
Cơ thể của “Cơ chế” đã lớn mạnh nhưng chiếc áo “Thể chế” lại quá chật, liệu điều này có cho thấy vai trò định hướng của thể chế với cơ chế có gì đó chưa ổn?
Quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng thể chế

Chống chạy chức, chạy quyền” - một giải pháp chống tham nhũng trong công tác cán bộ” là bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.

Theo tác giả, một trong những biện pháp chống “chạy chức, chạy quyền” là “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ bằng thể chế, cơ chế”. [1]

Vậy Việt Nam đã có đủ hay vẫn thiếu “thể chế, cơ chế” để kiểm soát quyền lực?

Để trả lời câu hỏi này, cần nói qua một chút về hai khái niệm “Thể chế” và “Cơ chế”.

“Thể chế” được hiểu là tập hợp những quy tắc - cả chính thức và không chính thức - có tác dụng định hướng, thúc đẩy hoặc kìm hãm tương tác giữa các chủ thể chính trị.

Thể chế là nhân tố duy nhất định hướng hoạt động của Nhà nước và các tổ chức phi nhà nước (các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp hoặc các tổ chức độc lập,…).

“Thể chế” vận hành trong mỗi quốc gia được cấu thành bởi ba thành tố: “Thể chế chính trị; Thể chế kinh tế và Thể chế xã hội”.

Tác giả Phùng Hữu Phú trong bài “Một số vấn đề cốt yếu về xây dựng thể chế phát triển nhanh - bền vững” đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 01/05/2019, đưa thêm thành tố thứ tư là “Thể chế hội nhập quốc tế”.

Quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng thể chế (Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn)

Quan điểm này được đón nhận thế nào thì cần không gian thảo luận và thời gian kiểm chứng.

“Cơ chế” là cách thức theo đó một quá trình được thực hiện, cơ chế được dùng rộng rãi trong quản lý xã hội, chẳng hạn cơ chế một cửa trong hoạt động hành chính, cơ chế quản lý nhân sự, cơ chế xin cho trong quản lý kinh tế,…

Hiểu một cách đơn giản, thể chế thiên về định hướng còn cơ chế thiên về quản lý.

Về cơ chế, các chế tài điều chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật được quy định rất rõ trong Luật hình sự, Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Về cơ chế quản lý cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ trong hai năm 2018 – 2019 đã ban hành hai văn bản liên quan:

Ngày 19/05/2018, ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Ngày 23/09/2019 ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Chính xác thì các quy định của Đảng về công tác cán bộ đã có ngay từ khi cách mạng tháng 8 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong rất nhiều tác phẩm đã đề cập đến công tác cán bộ.


Dân chủ, tầm nhìn 2021

“Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6).

Lấy mốc thời gian từ khi bắt đầu đổi mới, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã xác định “Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”.

Ngày 18/06/1997 Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; 

Ngày 05/05/1999 Trung ương đã ban hành Quy chế 53-QĐ/TW “Về chế độ kiểm tra cán bộ và công tác cán bộ”.

Ngày 07/05/2007 Quyết định 58-QĐ/TW “Về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ” chính thức được áp dụng thay thế cho Quy chế 53-QĐ/TW…

Có thể thấy “cơ chế” quản lý xã hội, quản lý hoạt động của tổ chức Đảng không thiếu. Các văn bản luôn được cập nhật, bổ sung hoặc thay thế.

Vấn đề còn lại là thể chế.

Gần đây, các ý kiến về “Đổi mới thể chế” được đề cập thường xuyên, tuy nhiên “Vấn đề được quan tâm nhiều về lý luận vẫn là những vấn đề kinh tế. Chúng ta còn đang thiếu một tư duy lý luận tổng hợp, bao quát nhất về sự phát triển”. [2]

Nhận định “chúng ta còn đang thiếu một tư duy lý luận tổng hợp” đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 01/05/2019 liệu có phải là chỉ dấu cho thấy những nghiên cứu, đóng góp nhằm vào đổi mới “Thể chế chính trị” và “Thể chế xã hội” chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng sự phát triển của xã hội.

Phải chăng nguyên nhân nằm ở vai trò bộ tham mưu mà chủ yếu là những rào cản về tư duy chưa được mạnh dạn gỡ bỏ?

Đổi mới thể chế chính trị và thể chế xã hội liên quan mật thiết đến đội ngũ giữ vai trò hoạch định đường lối, chính sách tức là những người có vị thế cao trong bộ máy quyền lực.

Sau hơn ba mươi năm tính từ 1986, rất nhiều văn bản về công tác cán bộ được ban hành cho thấy tình trạng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, bè cánh trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn phải được đặt ra như là nhiệm vụ bức thiết, liên quan đến sự sống còn của thể chế.

Cơ thể của “Cơ chế” đã lớn mạnh nhưng chiếc áo “Thể chế” lại quá chật, liệu điều này có cho thấy vai trò định hướng của thể chế với cơ chế có gì đó chưa ổn?

Vì sao chỉ trong nửa đầu của nhiệm kỳ khóa 12, hơn 70 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật, một số phải ngồi tù, trong đó có cả nguyên Ủy viên Bộ chính trị?

Nếu không xác định được vấn đề cốt lõi, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì mọi văn bản đều chỉ mang tính hình thức, kể cả các đạo luật.

Vậy vấn đề cốt lõi chống chạy chức, chạy quyền là gì?

Thứ nhất, bãi bỏ các “quy trình”

Hầu hết vụ việc liên quan đến chuyện cả họ làm quan, đều được kết luận “đúng quy trình”.

Có thể kể đến vụ bổ nhiệm “giám đốc chơi chim” ở Quảng Nam, chuyện cả họ làm quan tại huyện Kim Thành – Hải Dương, huyện Mỹ Đức – Hà Nội, tại Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh, tại tỉnh Hà Giang,…


“Hiền tài như lá thu, Tài hiền như cỏ dại”

Nếu bãi bỏ quy trình thì đương nhiên sẽ không còn chiếc phao “quy trình” để bất kỳ ai có thể bấu víu, đặc biệt là quy trình đề cử, giới thiệu nhân sự mỗi khi có các cuộc bầu cử.

Khi nhân sự được sắp xếp vào các vị trí bởi sự thương thảo của một tập thể chứ không phải “phổ thông đầu phiếu” thì đương nhiên vai trò của “quy trình” sẽ lấn át pháp luật.

Lời bộc bạch của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển “Tôi chỉ là phó nói – Vice Speaker) phải chăng chỉ là băn khoăn của cá nhân vị lãnh đạo Quốc hội hay cũng còn liên quan đến thể chế?

Phát biểu của Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cần phải hiểu như thế nào:

“Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, uỷ viên thường trực các uỷ ban của Quốc hội họ thường từ chối? Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều xin đừng đưa em vào quy hoạch”. [3]

Vì sao quy hoạch Phó chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội (tương đương Thứ trưởng) người ta lại từ chối chứ đừng nói đến phải chạy để “về” Quốc hội?

Vấn đề liên quan đến quyền lực và lợi ích vật chất hay chỉ đơn thuần là sở thích?

Bãi bỏ “quy trình”, thay bằng thi tuyển hoặc phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp là cách tốt nhất để minh bạch quá trình lựa chọn nhân sự cho hệ thống chính trị và người viết cho rằng đây là nền tảng duy nhất cho thắng lợi của cuộc chiến chống chạy chức, chạy quyền.

Thứ hai, thay đổi nhận thức về đãi ngộ vật chất

Thời kỳ những năm 30 của thế kỷ trước, đất nước chia thành ba miền Bắc kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ nhưng thực chất cả nước đều bị ngoại bang đô hộ.

Những người tham gia cách mạng, gia nhập Việt Minh chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến phần đông không nghĩ đến lợi ích vật chất.

Mục tiêu của họ là giải phóng dân tộc, lý trí và niềm tin vượt trên cám dỗ vật chất. Những người tham gia Việt Minh, trở thành đảng viên hoặc cán bộ không đặt chức tước, địa vị thành lẽ sống của mình.


Đất nước tôi - chim ưng hay bò sát?

Người Việt ngày nay đã bước sang thời kỳ khác, nhận thức về lý tưởng và quyền lợi vật chất đã thay đổi nhiều nếu không nói là đối nghịch với thời kỳ kháng chiến cứu nước.

Nhu cầu vật chất không còn bó hẹp trong bát cơm, manh áo mà ngày càng cao cấp hơn khiến mong muốn tích lũy của cải trở thành trào lưu trong mọi tầng lớp dân cư chứ không chỉ trong hàng ngũ cán bộ, công chức hay thành viên các tổ chức chính trị - xã hội.

Lâu nay có một thực tế là cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao ngại công khai nói tới đãi ngộ vật chất.

Dường như có suy nghĩ đãi ngộ cao cho lãnh đạo sẽ là phản cảm, làm giảm niềm tin của dân, làm cán bộ xa dân nên phải quy định mức lương thấp để “hòa đồng” với dân, để cán bộ dễ ăn nói khi xuất hiện trước công chúng!

Tuy nhiên, ngay từ khi đất nước còn chiến tranh, người dân chỉ cần được ăn cơm no chứ chưa cần ngon thì tại Hà Nội đã xuất hiện những cửa hàng đặc biệt như Vân Hồ, Tôn Đản, Ba Đình dành riêng cho một số đối tượng.

Ngại đề cập một cách công khai, chưa coi trọng đúng mức nhu cầu vật chất của tầng lớp tinh hoa, của người lãnh đạo và các thành phần ưu tú khác phải chăng nên xem là một sai lầm mang tính chiến lược?

Lương Bộ trưởng thấp hơn lương nhân viên kế toán trong các doanh nghiệp không cho thấy sự tốt đẹp của chế độ chính trị mà dường như mang màu sắc của sự duy ý chí.

Nếu không gian sinh tồn của một gia đình - thường được gọi là “tế bào của xã hội” -  bao gồm bữa ăn hàng ngày, nhà ở, nhu cầu học tập của con cái, nhu cầu khám chữa bệnh, nhu cầu vui chơi, giải trí,… chỉ trông cậy vào lương nhưng “Lương cán bộ công chức mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu sống tối thiểu” [4]  thì những cố gắng tăng thu nhập bằng cách tham nhũng không chỉ do tư cách, đạo đức xuống cấp mà còn là hệ quả từ cơ chế.

(Còn nữa)

 

Tác giả bài viết: Xuân Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây