Tuần qua, dư luận một lần nữa dồn sự chú tâm vào một vụ “tự sát” tại trụ sở Công an thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Sao vẫn còn cảnh chết ở đồn công an?
Một chủ nhà nghỉ tử vong với sáu vết thương trên người khi đang làm việc tại trụ sở Công an thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Kết luận của cơ quan chức năng là chị này tự sát bằng kéo đã làm nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt. Các bài viết “Chết khi công an mời làm việc: Luật còn bỏ ngỏ”; “Gia đình nghi ngờ về cái chết của chủ nhà nghỉ”…thu hút nhiều bình luận của bạn đọc.
Hầu hết ý kiến gửi về đều là những câu hỏi của bạn đọc. “Có ai tin không? Chuyện này chỉ bị phạt hành chính, cùng lắm là bị xử hình sự, tại sao tự tử? Cái kéo ở đâu ra? Tại sao bà ấy cầm được? Lúc bị đâm sao không báo thân nhân biết?” - các bạn đọc QuatSQ, TL… bức xúc.
Các bạn Single FireFly, Bao Công, Nga Huỳnh… đều đồng tình “vụ việc còn rất nhiều nghi vấn, phải làm rõ đến cùng”. Độc giả Đăng Ẩn chỉ ra: “Đang làm việc với cơ quan điều tra thì rất khó tự tử. Cho dù chết vì lý do gì thì trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về cơ quan công an”.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như vậy. Bạn đọc Duy bức xúc: “Bộ đang ra sức xây dựng hình ảnh người công an gần dân, thân thiện, vì sao vẫn có người chết khi làm việc hoặc ra về từ trụ sở công an?”. Từ đây đặt ra yêu cầu “cần có camera trong phòng hỏi cung, cần lắm sự minh bạch!” - bạn Tuan Hoang nhấn mạnh.
Các bạn Quang Chuyển, LT nêu bức xúc và đặt hàng luôn cho ngành công an: “Phải có công cụ giám sát hoạt động làm việc giữa công an với công dân. Nếu dám đảm bảo mọi việc thực hiện đúng pháp luật, vì sao không dám công khai quá trình này?
Phải giống như nước ngoài, ngành công an phải ra quy định khi mời dân về trụ sở phải xem thể trạng của họ, có chữ ký xác nhận của người nhà. Khi làm việc buộc phải luôn ngồi trước máy quay. Mọi hành động phải được camera theo dõi từ lúc vào trụ sở cho đến lúc người dân được ra về. Có như vậy mới không còn những cái chết khó hiểu, uất ức và phi lý như đã qua”.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Hội thảo BOT được quan tâm
Trong tuần qua Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo BOT - Nhìn từ góc nhìn đa chiều. Sự kiện có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao trong ngành, đại diện nhiều cơ quan quản lý và được đông đảo cơ quan báo chí, người dân đặc biệt quan tâm.
- “Rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục và luôn luôn đồng hành cùng người dân trong các vấn đề dân sinh như vậy” - Miền Tây.
- “Hãy công khai, minh bạch để người dân được lên tiếng, giám sát và bảo vệ” - Tuấn Kiệt.
- “Bất luận cách nhìn của các nhà quản lý ra sao thì điều trước tiên trước khi làm là phải xem... lòng dân đã thuận chưa. Xin đừng nghĩ vì dân trao quyền mà tùy tiện làm ngược lòng dân” - Long.
- “Tôi chỉ cần đúng bản chất của BOT thôi: Đầu tư - Khai thác - Chuyển giao. Đừng để xảy ra chuyện thu phí hoài không thấy chuyển giao” - Phong Trần.
Xe ưu tiên nhưng phải có quy tắc
Vụ tai nạn đau lòng xảy ra tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng giữa xe cứu thương và ô tô con đặt ra câu hỏi ưu tiên xe ưu tiên như thế nào cho đúng? Bài viết “Vụ y tá văng ra đường: Xe cứu thương sai” nhận được nhiều bình luận của bạn đọc.
“Xe chạy từ TP.HCM về Hà Tĩnh nghĩa là không phải cấp cứu song vẫn vượt đèn đỏ, không bật còi báo nên lỗi sai hoàn toàn của xe cứu thương” - bạn Quế Nguyễn phân tích.
Các chuyên gia luật cũng đồng ý điểm này. Một bạn đọc cho rằng: “Biết là xe cứu thương là ưu tiên nhưng qua đường giao nhau cũng phải giảm tốc độ và hú còi, không nên phóng cắt mặt xe khác rất nguy hiểm. Mong các bác tài lưu ý!”.
Bạn Trần Khoa kết luận: “Xe ưu tiên được phép vượt đèn đỏ nhưng không phải chạy kiểu bất chấp. Hơn nữa, xe ưu tiên chỉ được ưu tiên khi ở đúng tình huống. Nhiều tài xế đã lạm dụng quyền này nên xảy ra hậu quả thương vong không đáng có”.
|
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn