Nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận: Ảnh hưởng đến khu bảo tồn
Thứ tư - 12/07/2017 23:04
9PL News) - Đổ chất thải ra biển là hoạt động không được khuyến khích theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, cần làm rõ tính pháp lý của giấy phép xả thải và trách nhiệm của cơ quan cấp phép.
Bộ TN-MT cho biết khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 ha, đã được UBND tỉnh thống nhất đề nghị cho nhận chìm và xác định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ trưởng Bộ TN-MT phê duyệt tại Quyết định số 1571/QĐ-BTNMT ngày 24.7.2014. Bùn thải chứa trầm tích ô nhiễm
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 742 ký công nhận 16 khu bảo tồn biển (MPA - Marine Protected Area) theo tiêu chí của IUCN, trong đó có Hòn Cau (Bình Thuận). Quanh khu vực dự án đổ chất thải ở Bình Thuận rất nhiều điểm có hệ sinh thái biển và ven bờ nhạy cảm, nhất là khu bảo tồn biển Hòn Cau diện tích 12.500 ha. Đây là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với khoảng 234 loại san hô, là bãi đẻ của nhiều loài sinh vật biển, và xung quanh có nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm. Vì thế, việc tính bài toán lan truyền chất thải phải mang tính định lượng tương đối chính xác, không được định tính, nội suy.
Điều băn khoăn nhất là quy hoạch khu vực nhận chìm có được xác định và phê duyệt theo đúng quy định “Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải tuân thủ quy hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ" tại khoản 4, điều 57 luật Tài nguyên - Môi trường biển và hải đảo không? Lưu ý thông cáo của Bộ TN-MT chỉ nêu khu vực nhận chìm "đã được UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm và xác định trong ĐTM của dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1" mà không nhắc gì đến quy hoạch sử dụng biển của tỉnh Bình Thuận cũng như của các tỉnh lân cận. Đổ chất thải ra biển là hoạt động không được khuyến khích theo thông lệ quốc tế. Trường hợp này là bùn nạo vét ven bờ mà bùn nạo vét ven bờ chứa nhiều trầm tích từ lục địa vận chuyển ra, vì vậy có tiềm năng chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại.
Những lo ngại việc đổ thải “có thể làm tăng độ đục, làm giảm độ trong của vùng biển, xáo trộn mặt bằng lớp đáy, gây tác động đến quá trình năng suất sinh học sơ cấp, đến các quá trình trao đổi chất của thủy sinh”.... là chính xác. Đây là nội dung bắt buộc phải xem xét, cân nhắc khi thẩm định tác động của việc đổ thải. Hiện nay chưa có mô hình thủy lực nào tính chính xác việc lan truyền của độ đục, vì ngay cả bộ mô hình MIKE nổi tiếng của Đan Mạch cũng phải giả thiết kích thước hạt D50 (không đảm bảo chính xác so với thực tế). Báo cáo ĐTM dựa vào mô phỏng mô hình MIKE 21 để tính lan truyền chất. Bất cứ mô hình thủy lực nào dù tân tiến đến đâu, độ chính xác của mô phỏng cũng phụ thuộc vào chất lượng phần mềm tính toán, số liệu đầu vào và tay nghề của người làm mô hình. Ảnh hưởng đến các vùng lân cận
Đổ thải thuộc Bình Thuận chắc chắn ảnh hưởng đến các vùng lân cận, ít nhất là Ninh Thuận nhưng không có số liệu nền đáng tin cậy để mà so sánh khi giám sát sau này.
Nên biết rằng, dòng chảy khu vực bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chủ yếu là triều và gió mùa. Tuy nhiên, dù mùa gió nào thì trong ngày vẫn có lúc dòng chảy tại khu vực có hướng từ đông bắc xuống tây nam, nghĩa là hướng từ nơi đổ thải tới khu bảo tồn. Khu vực bảo tồn chỉ cách điểm đổ thải 2.000 m là khá gần. Bùn đổ tại điểm đổ thải rất có thể sẽ loang tới đây. Các tác động môi trường trong quá trình vận chuyển, đổ, nhận chất thải sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, đáy biển. Khoảng cách tâm đổ, tầng đổ tới MPA (lõi, đệm, chuyển tiếp) chưa được quan tâm theo chuẩn mực quốc tế. Đơn cử ở Úc, khoảng cách ngăn nơi có san hô đáy biển là 25 km. Khoảng cách vùng thải an toàn tối ưu cần được tính trên các kịch bản bổ sung: 25 km, 50 km, 100 km cách ranh giới ngoài MPA, và đối chiếu so sánh với phương án cách 2 km + các mô hình cần được 2 - 3 nhóm mô hình độc lập tính toán kiểm chứng.
TIN LIÊN QUAN
Bình Thuận gửi công văn hỏa tốc việc nhận chìm bùn thải
Chiều 11.7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã ký công văn hỏa tốc (số 2593) gửi Bộ TN-MT xung quanh việc bộ này cho phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra biển Vĩnh Tân.
Điều đáng lo ngại nhất là khi xảy ra sự cố thì không thể có giải pháp khắc phục hiệu quả. Trường hợp sự cố Formosa là bài học còn mang nguyên tính thời sự. Lúc ấy, cơ quan quản lý không thể phủi trách nhiệm vì lý do "chủ đầu tư đã cam kết không để xảy ra sự cố và kịp thời khắc phục, chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xảy ra sự cố".
Giải pháp tốt nhất hiện nay là đối thoại, tham vấn dân, các chuyên gia khoa học, các cơ quan như Bộ NN-PTNT, Bộ GTVT, Cảnh sát biển, Cơ quan An toàn hàng hải, các tổ chức môi trường quốc tế như IUCN, WWF; VN như MCD, VACNE, VAMEN.
Bộ TN-MT sẽ giải thích vụ nhận chìm bùn thải trước HĐND tỉnh Bình Thuận
Ngày 12.7, tại kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh, thông báo việc Bộ TN-MT cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra biển Vĩnh Tân trước các đại biểu HĐND. Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông báo trước các đại biểu HĐND tỉnh, hôm nay (13.7) đại diện Bộ TN-MT sẽ giải trình trước HĐND tỉnh về việc cấp giấy phép nhận chìm ở Vĩnh Tân đồng thời thuyết trình, cung cấp thêm thông tin, các luận chứng đến các đại biểu và cử tri Bình Thuận biết rõ vụ việc này. Quế Hà
Chấn chỉnh quy trình thông qua chủ trương đầu tư
Cho phép đổ ra biển 1 triệu m3 bùn thải của Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân chắc chắn là tai hại cho môi trường biển trước mắt và lâu dài, chẳng những tại chỗ mà còn lan rộng.
Nguy hiểm hơn đó là một tiền lệ. Đã có một công ty khác thuộc Tập đoàn EVN đang xúc tiến xin phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 chất thải. Có thể rồi đây Nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải (Trà Vinh) cũng sẽ làm như thế vì cùng lý do không đủ chỗ chứa chất thải trong đất liền.
Tại sao có tình hình này? Vấn đề nằm ở chỗ hồ sơ của rất nhiều dự án đầu tư, nhiệt điện than nói riêng, mới ở mức tiền khả thi đã được thông qua chủ trương đầu tư. Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa sâu. Tổng dự toán đội lên gấp 2, 3 lần khi đi vào triển khai. Ngân sách nhà nước bị cài vào thế “đã phóng lao, phải theo lao”. Môi trường ở vào thế phải chấp nhận bị hy sinh.
Theo quy hoạch chiến lược phát triển ngành điện VN, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng cả nước. Đã có ĐTM nghiêm túc cho từng nhà máy và ĐTM chiến lược cho các nhà máy nhiệt điện than tại các khu vực ven biển không?
Trên tinh thần “Không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế” thì cấp thiết phải chấn chỉnh việc chuẩn bị các hồ sơ dự án đầu tư và quy trình thông qua chủ trương đầu tư. GS-TS Nguyễn Ngọc Trân