Báo chí mong ông Tổng Thư ký Quốc hội xét lại quy định!

Thứ tư - 12/07/2017 21:42
(PL News) - Hôm 11/7, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ đạo: “Kể từ phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/7, phóng viên chỉ được dự 5 phút đầu, cuối cuộc họp sẽ nhận thông cáo báo chí”.
Báo chí mong ông Tổng Thư ký Quốc hội xét lại quy định!

Quy định này áp dụng cho tất cả các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, các cơ quan báo chí sẽ chỉ được dự 5 phút đầu buổi làm việc để chụp ảnh, quay phim, chứ không được dự nghe thảo luận. Thay vì được theo dõi các phiên họp được truyền hình trực tiếp đến Trung tâm báo chí như trước đây, các phóng viên sẽ chỉ nhận được bản thông cáo báo chí sau các phiên họp.

Giải thích lý do của quy định này, ông Phúc cho biết: “Nhiều khi có anh em báo chí vào, thì đại biểu cũng ngại, phát biểu không hết ý. Có những vấn đề bí mật nhà nước mà vô tình nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải. Vì vậy, quy định này nhằm giúp các đại biểu thảo luận sâu, nói hết ý, kể cả vấn đề bí mật”.

Bắt đầu từ kỳ họp giữa năm 1994 của Quốc hội khóa IX, lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận, rồi chất vấn và trả lời chất vấn. Chuyện thảo luận, “chất vấn” không còn “kín”, “nội bộ” nữa mà đã trở nên công khai, minh bạch, được nhân dân theo dõi, giám sát, ngày càng trở nên hiệu quả hơn.

Kể từ đầu những năm 2000, nguyên Chủ tịch Quốc hội - ông Nguyễn Văn An đã quyết định “mở cửa” để phóng viên báo chí tham dự, đưa tin nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XIII - ông Nguyễn Sinh Hùng từng nhiều lần khẳng định: “Tôi muốn làm sao báo chí, truyền hình phản ảnh hoạt động của Quốc hội ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn, làm sao để người dân có thể biết mọi hoạt động của Quốc hội”.

Thế là từ nay, tất cả các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ được coi là “kín”, vì toàn bộ những phát biểu sẽ được “biên tập” lại trong bản thông cáo phát cho báo chí, với lý do mà theo ông Tổng thư ký Quốc hội lý giải, là nếu để nguyên thì có thể sẽ lộ “bí mật nhà nước”. Nó khác với quan điểm của ông Nguyễn Văn An – nguyên Chủ tịch Quốc hội: “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí”.

Vì đã là đại biểu của dân thì họ đều là những người có tâm huyết, có trình độ hiểu biết cả. Thế thì họ mới được bầu chọn là người đại diện cho dân chúng, cho cộng đồng chứ? Họ nói và họ làm, chắc chắn đều có sự cân nhắc, suy xét, sao lại có thể lo lắng họ phát biểu làm “lộ bí mật” được?

Nay không cho báo chí vào tường thuật, thì sao có thể thực hiện được nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”? Và điều này có mâu thuẫn với “Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại khu vực dành riêng cho báo chí”, đã được ghi rõ trong Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại điều 4, mục 2, không nhỉ?

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUỐC

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây