Không nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt, ở thời điểm gần
Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu: Thứ nhất là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm ba tháng. Thứ hai, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm bốn tháng.Thời gian tăng bắt đầu từ năm 2021.
Mặc dù, việc sửa đổi trên sẽ được đưa vào Bộ luật Lao động năm 2012 để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới nhưng theo các chuyên gia lao động dù áp dụng phương án nào thì vẫn phải dựa trên tình hình thực tế và theo ý kiến số đông. Tức là cần tính toán kỹ tất cả các yếu tố như: độ tuổi, giới tính, nhóm nghề nghiệp, trung bình tuổi thọ, thời điểm tăng...
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu |
Trả lời báo giới về vấn đề này, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu,Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động VN) cho biết: Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều lĩnh vực, cần phải được cân nhắc kỹ.
Đặc biệt cần phải tính toán kỹ vấn đề sức khỏe người lao động; điều kiện-môi trường làm việc; đặc thù ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng lao động; sức cung của thị trường lao động; việc lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên liên quan (người lao động và cả người sử dụng lao động)…
“Người lao động Việt Nam tuổi thọ tuy tăng nhưng sức khỏe hầu như không tiến bộ. Theo thống kê được công bố tại một hội thảo quốc gia: Số người dân mắc bệnh khi bước sang tuổi 55-57 tăng cao; trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc đời của mình, với tỷ lệ mỗi người mắc 2,69 bệnh. Điều kiện lao động ở nước ta chậm được cải thiện, nhiều nơi còn thô sơ, có nơi khắc nghiệt, nhiều rủi ro, tỷ lệ lao động chân tay, nặng nhọc lớn.
Trong khi đó vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực may mặc, da giầy, điện tử, thủy sản, xây dựng tìm cách sa thải người lao động khi họ mới 35, 40 tuổi”- ông Hiểu phân tích.
Theo ông Hiểu, trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy khu vực công và việc tạo việc làm bền vững ở khu tư còn hạn chế, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có nguy cơ làm cho cơ hội mất việc làm của lực lượng lao động trẻ gia tăng.
Một vấn đề nữa theo vị ĐB này đó là lực lượng lao động trẻ đang thất nghiệp còn rất nhiều. Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 215.000 người tốt nghiệp đại học và thạc sỹ chưa có việc làm. "Đây là lực lượng lao động được đào tạo bài bản, phần lớn trong số họ năng động, sáng tạo, có trình độ ngoại ngữ, tin học”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Trước những phân tích trên, ông Hiểu vẫn giữ quan điểm không nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt và trong tương lai gần. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn, không nên vội vàng.
“Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động VN, tuyệt đại đa số người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Khi đã nghiên cứu thấu đáo, ta cần thiết kế các quy định sao cho tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề lao động. Qua đó tạo cơ hội cho người lao động làm việc đến một mốc nào đó có thể lựa chọn về hưu hoặc làm việc tiếp”- ông Hiểu nhấn mạnh.
Đến năm 2026 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu theo chế độ này
Trong khi đó, sau khi đề án được Hội nghị Trung ương 7 thống nhất ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ LĐTB& XH, đơn vị được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo đề án đã có cuộc trao đổi với báo giới.
Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Việc điều chỉnh tuổi hưu không có chuyện “cào bằng”. Không phải tất cả lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực cùng phải nghỉ hưu ở tuổi 60 với nữ và 62 tuổi với nam giới. Ở những ngành nghề đặc biệt, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn 5 năm.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung |
“Đó là những ngành nghề có chuyên môn cao như: Công việc của các bác sĩ hoặc thầy thuốc giỏi, các nhà khoa học có nhiều đóng góp, các công việc có chuyên môn cao tại toà án hoặc viện kiểm sát. Thậm chí, những lao động nữ có chuyên môn cao như giáo sư, bác sĩ, các nhà quản lý giỏi cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi 65…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ nay tới năm 2021, khi Bộ Luật Lao động và các luật liên quan được cụ thể hoá, chúng ta vẫn có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu “cục bộ” ở một số nhóm đối tượng đặc thù theo Khoản 3 Điều 187 Luật Lao động năm 2012. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, bình quân tuổi hưu của lao động VN hiện nay là 54,3, trong đó lao động nam là 55,6 và lao động nữ là 52,6. Trong khi đó, tuổi bình quân đóng BHXH của nam là 28 năm và hưởng sau tuổi 60 là 22,5 năm, với lao động nữ đóng 23 năm và hưởng lương hưu sau tuổi 55 là 27 năm. Mức đóng BHXH bình quân của người lao động hiện là 22 %, nhưng mức hưởng tối đa là 75 %.
“Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang tính bình quân: Đóng 40 năm hưởng 20 năm mới đảm bảo sự bền vững. Nhưng tại VN đang ngược lại: Đóng ít hưởng nhiều, điều này gây ra nguy cơ không đảm bảo sự bền vững của quỹ BHXH” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Nói thêm về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc áp dựng mới dự kiến từ năm 2021. Theo đó, lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu theo chế độ này là vào năm 2026. Về tốc độ tăng, khả năng lao động nam cần 8 năm và lao động nữ cần 20 năm mới nghỉ hưu đúng ở tuổi 60 và 62. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh cụ thể tỉ lệ tuổi hưu, tốc độ tăng sẽ được cụ thể hoá trong quá trình sửa đổi Luật lao động năm 2012.
Nguồn tin: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn