Năm 2018 chỉ Bộ trưởng mới được mua xe công

Thứ hai - 23/10/2017 20:34
(Phapluat News) - Chỉ chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên mới được bố trí mua ôtô công, theo đề nghị của Chính phủ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 


Chiều 23/10, thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017, dự toán phương án phân bổ năm 2018, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, cơ quan thường trực của Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ năm 2018 chỉ bố trí mua ôtô cho chức danh từ Bộ trưởng trở lên. "Khi thật sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu và hướng tới thực hiện khoán chi", ông Hải cho biết.

Quyết định này, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách được đưa ra trong bối cảnh cân đối ngân sách Trung ương khó khăn, buộc phải cơ cấu lại và tiết giảm những khoản chi không cần thiết.Chính phủ cũng được yêu cầu phải giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.

Báo cáo trước đó về tình hình ngân sách năm 2017, phương án phân bổ năm 2018, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 ở mức 3,7% GDP. Con số này tăng 0,2% GDP so với năm 2017.

Thẩm tra, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc nâng bội chi năm 2018 "cần có căn cứ lý giải thuyết phục hơn". Có ý kiến đề nghị nên kéo bội chi xuống bằng mọi năm, mức 3,5% GDP. Nhấn mạnh nguyên tắc "ưu tiên giảm bội chi nếu ngân sách tăng thu", cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát,cắt giảm những khoản chi thường xuyên, chi đầu tư chưa thật sự cần thiết, các khoản bố trí không đúng quy định, tích cựcxử lý nợ đọng thuế khoảng 73.900 tỷ đồng.

"Nếu loại trừ 45% các khoản không có khả năng truy thu thì vẫn có thể thu vào ngân sách khoảng 45.000 - 50.000 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế", Uỷ ban Tài chính ngân sách tính toán.

Nợ công năm 2018 vẫn dưới trần 65% GDP

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự báo nợ công năm 2018 vẫn trong phạm vi trần cho phép, dưới 65% GDP.Đến hết năm 2017 nợ công khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

Dù đưa ra con số khả quan, song Uỷ ban Tài chính ngân sách lưu ý Chính phủ kiên quyết rà soát chặt các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh vay nợ Chính phủ... để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công trong bối cảnh bức tranh ngân sách thiếu vững chắc.

"Hiện tỷ lệ huy động GDP thông qua thuế, phí vào ngân sách Nhà nước giảm, tỷ lệ thu nội địa tăng thấp, bội chi có xu hướng tăng, khả năng trả nợ gốc của ngân sách Trung ương hạn chế. Đây thực sự là những khó khăn cần tập trung khắc phục để giữ mức trần nợ công 65% GDP", Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải lo ngại.

Tinh giản biên chế, bộ máy để tăng lương

Nhất trí với đề xuất của Chính phủ tăng lương cơ sở trên 7% từ năm tới, nhưng một số ý cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, việc tăng lương phải gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, nâng cao hiệu quả công việc, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, căn cứ lộ trình tăng mức lương cơ sở khoảng 7% hằng năm từ nay đến 2020, đề nghị Quốc hội cho phép một số địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư từ nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung vốn đầu tư phát triển.

"Qua giám sát cho thấy, nguồn cải cách tiền lương của một số địa phương còn dư khá lớn sau khi đã bố trí đủ thực hiện tăng lương theo quy định và một số chính sách, chế độ chi do Trung ương ban hành nhưng không được sử dụng, gây lãng phí trong khi vốn đi vay rất khó khăn và mức bội chi bị khống chế thấp hơn so với nhu cầu vay vốn" - ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Nguồn tin: báo VnExpress:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây