Lao động nguy cơ bị mất việc từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đi về đâu?

Thứ hai - 23/10/2017 23:29
(Phapluat News) - Theo nghiên cứu trường đại học Oxford dự báo 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong vòng 15 năm tới. Con số này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Lao động nguy cơ bị mất việc từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đi về đâu?

Sự phát triển mạnh mẽ và sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí nhân công và các thủ tục hành chính...Tuy nhiên, thách thức mà cuộc cách mạng này đặt ra cũng không hề nhỏ trong đó vấn đề tỷ lệ thất nghiệp tăng vẫn đang là câu hỏi lớn mà các cơ quan chức năng đang tìm lời giải đáp.

Sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội đã đặt ra vấn đề lớn về nguồn nhân lực. Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Oxford và tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra dự báo về việc 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong vòng 15 năm tới. Tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số hiện nay trở nên vô cùng cấp bách.

Phát biểu tại "Diễn đàn Kinh tế số hóa- Thế giới không chờ chúng ta", ông Nguyễn Đức Khương, Giáo sư Tài chính tại Đại học IPAG (Pháp) kiêm thành viên Tổ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ cho biết theo bản báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo trong vòng 20-30 năm nữa, 65% con em chúng ta sinh ra tại thời điểm bây giờ không còn làm những công việc mà chúng ta đang làm. "Nếu như vậy, thế giới sẽ đi về đâu?" ông Khương nói.

Ông Nguyễn Đức Khương, Giáo sư Tài chính tại Đại học IPAG (Pháp) kiêm thành viên Tổ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ

Với xu thế phát triển công nghệ theo hướng tự động hóa, ngành lập trình phần mềm, ứng dụng được cho là một trong những công việc hấp dẫn nhất trong tương lai. Ông Thân Trọng Phúc - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm DFJV Capital thuộc VinaCapial cho hay thống kê của Đại học Wharton Mỹ so sánh số lượng tuyển dụng lập trình viên ứng dụng điện thoại di động giữa Việt Nam và các nước láng giềng cho thấy Việt Nam đang dẫn đầu trong số 6 nước (bao gồm Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan, Việt Nam) liên quan tới công việc lập trình phần mềm cho di động với con số 1.83. Số lượng các lập trình viên tập trung nhiều ở các nhóm công ty start-up hoặc công ty nước ngoài gia công phần mềm tại Việt Nam.

Trái lại, công nhân ở nhiều ngành khác trong đó điển hình là ngành may mặc và tài chính đang phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.

Chia sẻ với phóng viên bên lề Diễn đàn, ông Phúc cho rằng số lượng các công nhân bị ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không hẳn đã thất nghiệp mà họ sẽ chuyển sang quá trình học cách vận hành các loại máy móc tinh vi, hiện đại hơn trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình học hỏi phải diễn ra trong nhiều năm.

Cùng chung với ý kiến này của ông Phúc, ông Trương Gia Bình, PGS.TS, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Trưởng ban Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT FPT tuần trước nhận định điểm mạnh của người Việt là học hỏi cái mới rất nhanh nên chúng ta hoàn toàn có thể tự tin vào khả năng Việt Nam thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bà Sophie Pène - Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về số hóa của Chính phủ Pháp và ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch ĐH FPT, Chủ tịch ĐH trực tuyến FUNix cho rằng việc tự học những xu thế công nghệ mới vẫn là một trong những điều quan trọng của mỗi cá nhân, doanh nghiệp để không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng 4.0. Đặc biệt đối với các sinh viên thì đây là kỹ năng cần phải có. Những ai có khả năng tự học thì sẽ làm chủ công nghệ, nhanh chóng thích ứng với thời kỳ công nghệ số.

Nguồn tin: ndh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây