'Kiếm sống 4.0' và 'Nghệ sĩ đường phố' cúi đầu

Thứ sáu - 24/08/2018 21:11
(PLO)- Dù ít mở lời xin tiền trực tiếp nhưng "kỹ năng thể hiện hoàn cảnh" của những người này rất dễ lay động lòng trắc ẩn...
'Kiếm sống 4.0' và 'Nghệ sĩ đường phố' cúi đầu

Chiều tối 20-8 trước cổng BV Nhân dân Gia định (quận Bình Thạnh, TP.HCM), một người đàn ông có dáng vẻ của người bị khuyết tật nằm sấp trên vỉa hè. Anh ta gày gò, ăn mặc rách rưới, trên tay cầm hơn chục tờ vé số nhầu nhĩ…

'Kiếm sống 4.0' và 'Nghệ sĩ đường phố' cúi đầu - ảnh 1
Người đàn ông với chiếc mũ nhấp nháy - Ảnh chụp trước BV Nhân dân Gia Định chiều 20-8

Mang công nghệ xuống phố

Điều lạ là trên đầu người này có chiếc mũ gắn nhiều chiếc đèn màu đỏ. Chúng nhấp nháy như nhịp điệu của tín hiệu cứu hỏa, có lẽ để thu hút sự chú ý của mọi người và phòng ngừa tai nạn giao thông (trong trường hợp phải bò qua đường). Thêm nữa, anh này có một chiếc loa chạy bằng pin, liên tục phát ra những “bản tụng” được ghi âm nói về đạo lý ăn ở nhân nghĩa, ở hiền gặp lành...

Nhiều người đi đường hoặc thân nhân bệnh nhân vì thương cảm nên tới mua tờ vé số rồi trả với mệnh giá cao hơn. Có người không mua mà thả thẳng tiền xuống trước cái bao bố của chàng đội mũ nhấp nháy này. Với cử chỉ biết ơn, anh ta khó nhọc gật gật cái đầu.

'Kiếm sống 4.0' và 'Nghệ sĩ đường phố' cúi đầu - ảnh 2
Phút "giải lao"

Trong khoảng nửa giờ, nhân vật đáng thương của chúng ta nhận được nhiều sự giúp đỡ từ những tấm lòng từ thiện.

Còn sáng 23-8, có dịp đi qua giao lộ Phạm Văn Đồng – Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), PV chứng kiến một thân phận dáng vẻ cơ cực khác. Ông chừng 50 tuổi, ngồi ngay góc đèn đỏ với một chiếc loa to như thùng đựng nước. Giọng ca “kẹo kéo” được kết nối qua loa này nghe não ruột.

Trước mặt ông là mấy gói tăm bông, không ai mua tăm nhưng nhiều người sẵn sàng chậm một nhịp đèn đỏ để có thời gian móc ví rút ít tờ tiền lẻ đặt vào giỏ đựng tăm đó.

'Kiếm sống 4.0' và 'Nghệ sĩ đường phố' cúi đầu - ảnh 3
Thanh niên áo xanh đổi vị trí, ngồi vào chỗ người người đàn ông có chiếc loa "kẹo kéo" - Ảnh chụp tối 24-8 tại vòng xoay Phạm Văn Đồng

Với câu hỏi “Sao cầm vé số nhưng không bán mà ngả mũ nhận tiền?”, người viết bất ngờ với câu trả lời của cậu bé chừng 10 tuổi ở góc đường Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp): “Ăn xin "xịn" dễ bị "gom" nên con đâu có xin... Ai thương, cho thì con nhận”.

Câu trả lời hồn nhiên mà đắng ngắt!...

Điểm nghẽn của sự văn minh

Trên đây là 3 trong số rất nhiều trường hợp “mang công nghệ xuống lòng đường”. Nói một cách tếu táo, sự áp dụng các thiết bị hiện đại quả thực rất hữu ích, tiết kiệm rất nhiều công sức cho những mảnh đời kiếm thu nhập bằng việc để người khác thương hại.

'Kiếm sống 4.0' và 'Nghệ sĩ đường phố' cúi đầu - ảnh 4
Dù đang dở bản nhạc, "nghệ sĩ đường phố" này vẫn quyết định dừng thổi sáo bởi đèn xanh đã bật, các phương tiện không còn dừng lại- Ảnh chụp tối 23-8 trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp)

Có lẽ do sự “đơn giản và tiện ích” này nên không khó để bắt gặp những số phận tương tự tại nhiều ngã tư, khu vực trường học, bệnh viện… trong thành phố.

Việc nhiều người có hoàn cảnh khó khăn phải kiếm sống (và sống được) bằng nghề bám trụ những địa điểm công cộng, về mặt nào đó, gián tiếp khẳng định tính cách hào sảng, nhân nghĩa, chuộng làm điều thiện của người dân Nam Bộ.

Song, dưới góc độ quản lý, “làm kinh tế từ lòng đường” là một điểm nghẽn của quá trình hướng tới văn minh.

Cộng đồng sẽ đặt vấn đề hệ thống an sinh ra sao? Cách quản lý địa bàn của cán bộ địa phương thế nào? Những thân phận thường ngồi vạ vật sát (thậm chí bên trong) phạm vi di chuyển của phương tiện cơ giới đó lỡ gặp một tình huống tài xế mất lái thì trách nhiệm ai chịu? Mất mát ai gánh?

'Kiếm sống 4.0' và 'Nghệ sĩ đường phố' cúi đầu - ảnh 5
Bà bày tăm bông, còn ông vô tư "ngả nón" - Ảnh chụp bên góc công viên Gia Định tối 24-8

Bài viết không đặt vấn đề có hay không chuyện “chăn dắt” hay giả nghèo khổ để trục lợi lòng thương hại… Chỉ muốn nói rằng đây là một thực trạng mà nếu không giải dứt điểm sẽ còn xuất hiện nhiều “nghệ sĩ” xuống phố với lỉnh kỉnh đủ thứ công nghệ một cách bất đắc dĩ như thế.

Nói “bất đắc dĩ” vì đó là cách kiếm sống buộc phải cúi đầu.


 

Tác giả bài viết: ANH TUẤN

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây