Tuy nhiên sau khi vay tiền, người vay trở thành nạn nhân của những băng nhóm này vì lãi suất lên tới mức… kinh khủng!
Bắt giữ nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi qua app
Chiều 14/9, nhận được tin báo của người dân về việc bạn của người này đang lo sợ bị nhóm người Trung Quốc giết nên nhờ công an giải cứu. Ngay sau đó, Công an quận 2 đến một căn nhà ở phường An Phú, phát hiện 6 người Trung Quốc (Song Yu Jie, Yan Ze Feng, Han Chao, Zang Jin Chen, Qian Ying Jie, Qian Liang Yo) và 3 người Việt Nam (Nguyễn Vương Bảo, Nguyễn Thị Hoàng Mỹ, Phạm Viết Thanh Nhã).
Bảo khai là nhân viên thu hồi nợ của Công ty Star City, chuyên tạo các app (ứng dụng) như BDong, VDong, UDong… cho vay tín chấp trên mạng. Bảo chính là người nhờ bạn báo công an giải cứu vì bị nhóm người Trung Quốc nghi ngờ chiếm đoạt tiền của công ty và sẽ “xử” Bảo.
Nhóm người Trung Quốc bị công an tạm giữ để điều tra hành vi cho vay nặng lãi qua app. Ảnh: Công an cung cấp
|
Các đối tượng cũng khai tại căn nhà nêu trên có Công ty TNHH Kyushu và Công ty Star City (đăng ký kinh doanh tại quận Gò Vấp trong tháng 4 và tháng 5/2019) do ông Nguyễn Khắc Hạnh làm giám đốc và một người tên là Yan Xin (quốc tịch Trung Quốc) làm phó giám đốc, hoạt động cho vay tín chấp với khoảng 30 nhân viên người Trung Quốc và Việt Nam làm việc.
Sau khi tạo các app, hai công ty nêu trên thông qua Facebook để quảng cáo cho vay tiền nhanh gọn trên điện thoại di động (ĐTDĐ). Người vay phải cung cấp đầy đủ các thông tin cài trong app, như họ tên, địa chỉ, số ĐTDĐ, CMND, số tài khoản ngân hàng, số ĐTDĐ của người thân…
Sau khi người vay điền đủ thông tin, nhân viên của công ty sẽ thẩm định, nếu đủ điều kiện sẽ được chuyển tiền vay (từ 1,2 - 4 triệu đồng) vào tài khoản người vay. Phí dịch vụ do người vay phải trả 24% trên tổng số tiền vay, thời hạn vay 6 ngày với lãi suất 4%. Hết thời hạn vay, nếu người vay không trả đủ tiền vốn và lãi, sẽ bị phạt 4%/ngày. Đặc biệt người vay sẽ bị đe dọa, bêu xấu trên mạng nếu chậm hoặc không trả tiền vay, lãi và tiền phạt.
Cần gửi đơn tố cáo đến công an
Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định: Việc cho vay tín chấp dẫn đến phát sinh tranh chấp, nhìn ở góc độ dân sự thì đây là loại Hợp đồng vay tài sản được quy định tại điều 463 BLDS năm 2015. Đây là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến thời hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Tuy nhiên cần chú ý mức lãi suất cho vay, mặc dù việc tính lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Vì vậy, nếu bên vay không trả được nợ và phía bên cho vay khởi kiện ra tòa, lúc đó pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất pháp luật cho phép, phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Cũng theo luật sư Ánh, tại điều 201 Bộ luận Hình sự năm 2015, quy định tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, như sau: 1/ Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2/ Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 - 36 tháng. 3/ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
“Trong trường hợp người vay bị dính vào tín dụng đen với lãi suất cắt cổ, cần gửi đơn tố cáo đến Công an. Khi đó Công an sẽ thụ lý theo Luật Tố cáo và tùy theo tính chất mức độ để khởi tố vụ án theo quy định pháp luật. Mặt khác người dân cũng cần cảnh giác trước những hợp đồng vay tín chấp phổ biến như hiện nay, tránh trường hợp vay 1 nhưng phải trả 10” - luật sư Ánh nói.
"Hình thức cho vay qua app hay qua mạng hiện nay đi theo 2 nhánh chính: Các tổ chức tín dụng sử dụng app như một kênh phân phối tín dụng, song song với các kênh cho vay truyền thống; Các công ty cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng (P2P lending). Tại Việt Nam, hoạt động này đã bị biến tướng giúp cho các cá nhân, tổ chức tiến hành cho vay lãi nặng núp dưới bóng cho vay ngang hàng. Hoạt động cho vay ngang hàng tuy đã có lịch sử gần 15 năm, lúc đầu phát triển tại Anh, sau lan sang Mỹ và một số nước khác." - Chuyên gia tài chính Đặng Nam Trung
|