Cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức bất bình với những biểu hiện cơ hội về chính trị, những biểu hiện ô dù, bè cánh, chạy chức, chạy quyền diễn ra khá phổ biến ở nơi này nơi khác.
Những con người như thế chỉ biến cấp uỷ thành “nhịp cầu tiến thân” nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân. Mỗi khi quyền lực đã biến thành thứ “tư bản”, công bộc của dân trở thành “hàng hóa” thì người ta sẽ kinh doanh để tìm lợi lộc cho cá nhân và bè đảng.
Hội nghị Trung ương 11 |
Quyền lực ấy được quan tham tước đoạt bằng đồng tiền và vật chất để thao túng, bòn rút tài sản của nhà nước và nhân dân.
Điều đáng lo ngại là một số phần tử ngoài xã hội cũng sẵn sàng tung tiền, bỏ của và không từ bỏ những thủ đoạn nào để tạo dựng ngọn cờ có lợi cho làm ăn lâu dài của mình, thực chất là một sự liên kết “lợi ích nhóm” để rút ruột nhà nước.
Đây là vấn đề không bình thường về phẩm chất cán bộ, nhất là lúc chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đã chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức và các thành viên, nhất là vai trò người đứng đầu; chỉ rõ những hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho căn bệnh đã trở thành mãn tính trong cơ chế thị trường.
Quy định đã đề ra những giải pháp xử lý những mầm bệnh nguy hiểm đó trong bộ máy Đảng, trong công tác cán bộ.
Phải có cơ chế cột chặt trách nhiệm cá nhân
Giải pháp hữu hiệu nhất có tính quyết định để loại bỏ “khối u” chạy chức, chạy quyền hiện nay là cột trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Lời hứa trung thành với Tổ quốc phải được đánh giá và kiểm nghiệm trong thực thi công vụ theo chức trách của mỗi chức danh cán bộ. Phải làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân về quản lý chuyên môn, quản lý tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, nhân viên dưới quyền.
Vì ta chưa làm rõ chế độ trách nhiệm cá nhân nên dẫn đến tình trạng chưa có một chuẩn mực để xem xét, đánh giá; dẫn đến tình trạng tranh công đỗi lỗi, làm được thì “công anh, công tôi”, không làm được, có sai phạm thì đỗ lỗi cho tập thể, cho cơ chế, cho cán bộ tham mưu…
Người đứng đầu không quản lý được cấp dưới có thể anh chưa trên tầm hiểu biết để làm thủ lĩnh hoặc biết nhưng thờ ơ, thậm chí bày mưu, tòng phạm cùng cấp dưới.
Chưa làm rõ chế độ trách nhiệm cá nhân là nguyên nhân chính làm cho căn bệnh chạy chức, chạy quyền lây lan; hàng loạt cán bộ cao cấp, tướng lĩnh bị truy tố trước pháp luật, hàng triệu, triệu tỷ đồng bị tiêu tan, lòng tin bị xói mòn là sự mất mát không thể nào bù đắp.
Mỗi khi đã thấu hiểu chức năng, nhiệm vụ; làm cho mỗi cán bộ tự thấy vào cấp ủy để cống hiến, hy sinh cho dân, cho Đảng, không phải vào để hám lợi, thì người cán bộ có quyền ứng cử hoặc từ chối đề cử nếu xét thấy không đủ năng lực để đảm nhận.
Nếu ứng cử phải có cam kết trước với tổ chức trước khi bầu, làm được thì trọng dụng; làm sai, không hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến sai phạm cá nhân và tổ chức thuộc thẩm quyền thì dũng cảm từ chức; vi phạm nghiêm trọng thì chịu kỷ luật trước Đảng và xử lý theo pháp luật.
Nếu xử lí kiên quyết, không có ai ngoại lệ, kể cả người đứng đầu cấp ủy nếu liên đới trách nhiệm thì sẽ hạn chế và đẩy lùi căn bệnh chạy chức, chạy quyền.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền, nền tảng vật chất của Đảng là nhân dân, nhưng khi lối sống của một số cán bộ đảng viên bị suy thoái, đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì Đảng đó sẽ bị đánh mất nền tảng của mình là nhân dân.
“Ngày hôm qua vĩ đại, không nhất thiết hôm nay được mọi người yêu mến” là vậy.
Muốn đất nước phát triển, củng cố lòng tin của Đảng với nhân dân, phải thiết lập một cơ chế đồng bộ và dân chủ trong công tác cán bộ; phải có cơ chế cột chặt trách nhiệm cá nhân mới loại bỏ được căn bệnh “kẻ bán, người mua” trong công tác cán bộ.
Tác giả bài viết: Trần Thanh Bình (nguyên Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn