Bị kỷ luật thì không gọi là nguyên bộ trưởng, truất lương hưu vĩnh viễn

Thứ năm - 24/10/2019 03:23
ĐBQH đề nghị truất lương hưu vĩnh viễn, tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng đối với cán bộ bị kỷ luật.
Bị kỷ luật thì không gọi là nguyên bộ trưởng, truất lương hưu vĩnh viễn

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sáng nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển (ĐB Lâm Đồng) cho rằng quy định xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm với công chức nghỉ hưu bị kỷ luật là chưa hợp lý.

Tước bỏ huân, huy chương

Theo ông Hiển, thống nhất đồng bộ hình thức kỷ luật giữa bên Đảng và Nhà nước không có nghĩa là bên Đảng kỷ luật như thế nào thì bên Nhà nước phải có hình thức kỷ luật như vậy.

Bị kỷ luật thì không gọi là nguyên bộ trưởng, truất lương hưu vĩnh viễn
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển: Đề nghị truất lương hưu vĩnh viễn, tước bỏ danh hiệu, danh xưng với cán bộ về hưu bị kỷ luật

ĐB Hiển chỉ ra 3 điểm bất hợp lý của quy định xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, trong đó có việc rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có văn bản nào dùng khái niệm là “tư cách chức vụ”.

Hơn nữa, quy định như vậy không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.

ĐB tỉnh Lâm Đồng dẫn chứng, theo bộ luật Hình sự, nếu một cán bộ công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự với hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn, chung thân thì họ vẫn không bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Tương tự như vậy, nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cao nhất là buộc thôi việc thì họ cũng không bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.

Điều này tạo ra sự bất hợp lý là người gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự lại không bị xoá tư cách chức vụ trước đó, còn người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm...

Ông Hiển dẫn kinh nghiệm của Đức thì thấy công chức đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình lúc đương chức và hình thức kỷ luật là giảm và truất lương hưu vĩnh viễn.

Đồng thời hệ quả pháp lý là người bị kỷ luật sẽ không còn có quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng... 

“Tôi thấy quy định này logic về pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn Việt Nam. Tức là phải kỷ luật cái hiện hữu đang có là giảm và truất lương hưu.

Hệ quả của nó là tác động đến lợi ích vật chất và tinh thần của người bị kỷ luật bao gồm lương hưu và các chức danh, chức vụ đã có trước khi nghỉ hưu…”, ông Hiển nói.

Vì vậy, ĐB Hiển đề nghị không nên quy định xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà nên quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân, huy chương.

Cùng quan tâm đến chuyện lương bổng của cán bộ, công chức bị kỷ luật, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) băn khoăn về việc những trường hợp này không được nâng ngạch, không được quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng thì có được nâng lương không.

"Tôi nghĩ nếu bị kỷ luật cũng không nên được nâng lương, kéo dài thời hạn nâng lương cho nên đề nghị không nâng lương trong thời hạn kỷ luật", ĐB nhấn mạnh.

Cán bộ vô ý tông chết người có nên cho thôi chức?

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An) thống nhất bổ sung hình thức xử lý cán bộ đã về hưu vào dự thảo luật vì thực tiễn đang đặt ra.

Bị kỷ luật thì không gọi là nguyên bộ trưởng, truất lương hưu vĩnh viễn
ĐB Phan Thị Mỹ Dung: Đề nghị bỏ từ "kỷ luật" chỉ dùng từ "xử lý" đối với cán bộ về hưu bị kỷ luật

Tuy nhiên, bà đề nghị cần có giới hạn việc hồi tố xử lý cán bộ công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác, chỉ giới hạn trong những người có chức vụ, quyền hạn chứ không áp dụng chung hết cho đội ngũ cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc.

"Nếu áp dụng như vậy chúng ta không đủ nguồn lực, cũng chưa đủ cơ chế, đặc biệt là chưa đánh giá, lường hết những bất cập, hệ quả pháp lý", nữ ĐB phân tích.

Theo bà Dung, nếu xử lý hết sẽ xuất hiện xu hướng khi phát hiện sai phạm của cán bộ công chức thì gần như đổ lỗi hết cho những người đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

ĐB tỉnh Long An cũng đề nghị bỏ từ "kỷ luật" khi xử lý đối tượng này, chỉ dùng từ "xử lý" vì xử lý kỷ luật chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức, còn người nghỉ hưu không còn là cán bộ, công chức.

Đồng thời, chỉnh từ "xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" bằng từ "xoá chức vụ đã đảm nhiệm" vì từ "tư cách chức vụ" có nghĩa là gì.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) tranh luận lại ý kiến của ĐB Mỹ Dung khi cho rằng những cán bộ bị kết án cho dù được hưởng án treo đương nhiên được ra khỏi công chức, viên chức và nếu cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo đương nhiên thôi chức vụ lãnh đạo.

Bị kỷ luật thì không gọi là nguyên bộ trưởng, truất lương hưu vĩnh viễn
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu: Phạm tội cố ý thì nên đưa ra khỏi bộ máy

"Tôi đề nghị chúng ta nên xem lại cho thấu đáo, bởi có những cán bộ công chức cần mẫn nhưng không may lái xe ô tô gây tai nạn làm chết 1 người xử án treo thì những trường hợp này có nên không?", Giám đốc Công an Nghệ An băn khoăn.

Tướng Cầu đề nghị QH và ban soạn thảo nghiên cứu những trường hợp được hưởng án treo, phạm tội được hưởng án treo, phạm tội ít nghiêm trọng do lỗi vô ý được hưởng án treo nên để lại trong bộ máy. Còn những phạm tội cố ý thì nên cho thôi chức, đưa ra khỏi bộ máy. 

 

Tác giả bài viết: Thu Hằng - Hồng Nhì - Trần Thường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây