Giải mã tham vọng của Jong-un sau vụ thử tên lửa mới

Thứ hai - 13/02/2017 19:29
(PL News) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa cho tiến hành vụ phóng tên lửa đầu tiên của nước này kể từ khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Giải mã tham vọng của Jong-un sau vụ thử tên lửa mới

 

 

Trong một bài viết trên tạp chí Forbes, Jasper Kim - Giám đốc Trung tâm Quản lý Xung đột thuộc Đại học Ewha và cũng là Giám đốc Điều hành Nhóm Nghiên cứu toàn cầu châu Á-Thái Bình Dương - đặt thành vấn đề tại sao Triều Tiên lại tiến hành vụ phóng ngay những ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump?

Giải mã tham vọng của Jong-un sau vụ thử tên lửa mới
  Ông Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA)

Theo ông Kim, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn "thử" dũng khí của người chủ Nhà Trắng: Ông ấy sẽ làm gì? Ông sẽ không làm gì? Trump có đáng tin không? Đó chính là những câu hỏi mà Kim Jong-un đặt ra.

Xây đắp lòng tin giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên có lẽ là điều không thể. Nhưng người ta đã thấy một tình bạn mang tính ngoại giao đang diễn ra giữa Trump và Putin.

Trong khi đó, những người hàng xóm của Triều Tiên chọn cách đáp trả cứng rắn. "Chính phủ Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế đang hợp tác với nhau để đưa ra các hành động trừng phạt thích đáng cho vụ phóng này", quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tuyên bố.

"Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên hoàn toàn không thể dung thứ. Triều Tiên phải tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quả quyết.

Sẽ có thêm cấm vận? Hay sẽ là chuyện gì khác? - Đó là những câu hỏi mà hẳn lãnh đạo Triều Tiên đã tự đặt ra trong đầu.

Thông thường, sau các vụ thử tên lửa, Triều Tiên vẫn bị đe dọa trừng phạt và sau đó bị chịu các chế tài mới. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đường hướng của mình, chứng tỏ họ không chịu nhượng bộ.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vốn được coi là đồng minh duy nhất của Triều Tiên, lại không có vẻ sẽ hợp tác với Washington vì nhiều hành động của tân Tổng thống đã làm mếch lòng Bắc Kinh.

Vậy, một cuộc tấn công phủ đầu có là một lựa chọn phù hợp? Trên thực tế, thủ đô Seoul của Hàn Quốc với 10 triệu dân tọa lạc ở sân sau của vùng phi quân sự DMZ - một vùng đệm mỏng giữa hai miền Triều Tiên. Các hậu quả về quân sự và kinh tế có thể là quá lớn để chấp nhận một cuộc chạm trán quân sự.

Đó là lý do ông Kim Jong-un tự thấy mình không bị trói buộc trong việc ra lệnh thử hết quả tên lửa này đến quả tên lửa khác, bất chấp sự phản đối và cấm vận của quốc tế.

Tác giả bài viết: Thanh Hảo

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây